Điểm tựa để nỗ lực thoát nghèo

.

Nhờ được hỗ trợ phương tiện sinh kế, vay vốn đúng nhu cầu, hàng trăm hộ nghèo trên địa bàn thành phố làm ăn hiệu quả, cải thiện thu nhập, từng bước nỗ lực thoát nghèo.

Đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Thạc Gián (quận Thanh Khê) trao xe máy giúp hộ nghèo có phương tiện đi lại, làm ăn. Ảnh: L.P
Đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Thạc Gián (quận Thanh Khê) trao xe máy giúp hộ nghèo có phương tiện đi lại, làm ăn. Ảnh: L.P

Em Ngô Thị Hoàng Quyên (tổ 31, phường Thạc Gián, quận Thanh Khê) là con thứ 3 trong gia đình hộ nghèo có 4 chị em. Bố mất sớm, mẹ bỏ đi từ khi các em còn rất nhỏ, 4 chị em lớn lên trong sự cưu mang của họ hàng, cuộc sống rất khó khăn. Để trang trải cuộc sống, hằng ngày Quyên phụ bưng bê cho quán cà phê gần nhà nhưng thu nhập không nhiều.

Tháng 4-2024, sau khi tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của gia đình, UBND quận Thanh Khê hỗ trợ 10 triệu đồng, UBND phường Thạc Gián trích Quỹ “Vì người nghèo” hỗ trợ thêm 5 triệu đồng giúp Quyên mua chiếc xe máy đi làm. Sau khi có phương tiện đi lại, Quyên xin làm nhân viên bán hàng cho một cửa hàng quần áo tại quận Liên Chiểu, thu nhập khá hơn trước. “Hiện nay 4 chị em tôi đều có việc làm, có thu nhập để trang trải cuộc sống. Tôi sẽ tìm thêm việc làm trong thời gian rảnh để tăng thu nhập, phấn đấu thoát khỏi hộ nghèo vào cuối năm nay”, Quyên chia sẻ.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Nhàn (tổ 7, phường Thạc Gián, quận Thanh Khê) là con liệt sĩ, gia đình thuộc diện hộ nghèo. Bà Nhàn lớn tuổi, mất sức lao động, con trai làm lao động phổ thông. Để giúp gia đình bà Nhàn, Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Thạc Gián hỗ trợ 7 triệu đồng để con trai bà mua xe máy chạy grap kiếm thêm thu nhập nuôi con ăn học.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Thạc Gián Nguyễn Hữu Hoàng cho biết, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024, địa phương chú trọng trao phương tiện sinh kế phù hợp nhu cầu, khả năng, giúp hộ nghèo có điểm tựa vững chắc để vươn lên thoát nghèo bền vững. “Từ đầu năm đến nay, phường hỗ trợ sinh kế là 2 xe máy, 1 xe đạp cho các hộ nghèo. Qua theo dõi, các hộ sử dụng phương tiện sinh kế đúng mục đích, hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế gia đình”, ông Hoàng nói.

Trường hợp bà Nguyễn Thị Được (tổ 21, phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ) hộ nghèo, sống đơn thân, nuôi cha già đau ốm. Công việc chính của bà Được là giúp việc theo giờ nhưng vì không có phương tiện đi lại nên rất bấp bênh. Cuối tháng 4-2024, Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Hòa Thọ Tây hỗ trợ 7 triệu đồng, bà Được góp thêm 5 triệu đồng mua xe máy đi làm. Có phương tiện đi lại, bà Được nhận làm thêm cho nhiều gia đình khác để nâng cao thu nhập, có tiền lo thuốc men cho cha và chi phí sinh hoạt.

Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Trần Thị Bích Liên, thực hiện kế hoạch giảm nghèo năm 2024, từ đầu năm đến nay, Mặt trận phường vận động gần 300 triệu đồng đóng góp quỹ Vì người nghèo. Từ nguồn này, Mặt trận phường hỗ trợ 1 xe máy, 2 xe nước mía giúp hộ nghèo có phương tiện làm ăn. Bên cạnh đó, các hội, đoàn thể phường hỗ trợ nồi nấu bún, tay lưới đánh cá, xe máy giúp các hộ nghèo, hộ khó khăn trên địa bàn phường làm ăn, cải thiện thu nhập, vươn lên thoát nghèo.

Không chỉ hỗ trợ hộ nghèo có hộ khẩu tại Đà Nẵng, các địa phương cũng đặc biệt quan tâm, giúp đỡ những hộ tạm trú, người dân ngoại tỉnh nhưng sinh sống lâu năm tại địa phương có hoàn cảnh khó khăn. Vợ chồng ông Ngô Văn Khởi (quê tỉnh Quảng Ngãi) thuê trọ, tạm trú tại tổ 14, phường Hòa Khê (quận Thanh Khê) hơn chục năm nay.

Nguồn thu nhập chính của gia đình phụ thuộc vào bán hủ tiếu để nuôi 2 con ăn học, trong đó 1 em mắc bệnh hiểm nghèo. Vừa qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Hòa Khê hỗ trợ ông Khởi 6 triệu đồng đóng mới xe hủ tiếu, làm phương tiện mưu sinh. Trước đó, phường Hòa Khê cũng trao học bổng tiếp sức đến trường 2 triệu đồng cho con ông Khởi.

“Tôi rất cảm động trước sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương dành người dân ngoại tỉnh như tôi. Nhờ có chiếc xe hủ tiếu mới, việc buôn bán của gia đình tôi thuận lợi, thu nhập ổn định hơn trước”, ông Khởi chia sẻ.

Nhằm tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững, bên cạnh hỗ trợ phương tiện sinh kế, các địa phương phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội các quận, huyện thẩm định cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng chính sách vay vốn để có điều kiện buôn bán, làm ăn, cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Đại diện Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố cho biết, đang triển khai 14 chương trình tín dụng chính sách, hộ nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ.

Tổng doanh số cho vay từ đầu năm đến 31-5-2024 đạt 848 tỷ đồng, với 12.416 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, các đối tượng chính sách được vay vốn. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 4.943 tỷ đồng, với hơn 95.027 hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ. Trong đó, dư nợ tín dụng chính sách phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế và việc làm đạt 3.588 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 72,58% tổng dư nợ.

Dư nợ tín dụng chính sách phục vụ đời sống, sinh hoạt đạt 1.355 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 27,42% tổng dư nợ. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp hơn 5.557 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo có điều kiện mua sắm phương tiện sản xuất, có vốn buôn bán, làm ăn nâng cao thu nhập. Đồng thời giúp hơn 2.546 hộ có kinh phí mua nhà ở xã hội, xây mới và sửa chữa nhà ở; giúp hơn 3.757 học sinh, sinh viên yên tâm đến trường, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn thành phố.

LAM PHƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.