Với nền tảng từ xây dựng chính quyền điện tử, các ngành, địa phương trên địa bàn quận Thanh Khê chung tay đẩy mạnh toàn diện trên cả 3 lĩnh vực chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Nhiều mô hình, cách làm hay, hiệu quả từ cơ sở, nâng cao nhận thức người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Đoàn viên thanh niên là lực lượng nòng cốt từ cơ sở trong hướng dẫn người dân thực hiện chuyển đổi số tại quận Thanh Khê. Ảnh: NGỌC HÀ |
Tại phường An Khê, để công tác chuyển đổi số ngày càng đi vào chiều sâu, địa phương đã xây dựng và nhân rộng mô hình “Ngày chủ nhật gần dân”, mô hình “Tổ hỗ trợ công dân lưu động”. Từ khi triển khai 2 mô hình này, các dịch vụ công trực tuyến được người dân sử dụng nhiều hơn trên ứng dụng Danang Smart City hoặc truy cập các trang dichvucong.gov.vn, dichvucong.danang.gov.vn.
Trong 3 năm qua, cao điểm là năm 2023-2024, phường tạo 20.236 tài khoản định danh điện tử. Hiện công an phường phối hợp 90 tổ công nghệ số cộng đồng và đề án 06 (đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030) tiếp tục vận động nhân dân cài đặt và kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức độ 2 trên app điện thoại. Vận hành song song chuyển đổi số với cải cách hành chính, đến cuối tháng 9-2024, tỷ lệ trả hồ sơ sớm của UBND phường đạt 70% và đúng hẹn là 30%, chấm dứt tình trạng trễ hẹn hồ sơ, gây phiền hà, trễ việc của tổ chức và công dân.
Đồng thời, xây dựng thành công 2 chợ 4.0, 1 tuyến phố kinh doanh không tiền mặt, hỗ trợ đưa 2/2 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao của địa phương và thêm 1 sản phẩm truyền thống mây tre đan lên sàn thương mại điện tử PostMart, triển khai tập huấn chuyển đổi số và dịch vụ công trực tuyến, phát 350 sim 4G miễn phí cho người dân, 100% chi trả phụ cấp cho các đối tượng thụ hưởng phụ cấp qua tài khoản không tiền mặt, hướng dẫn tạo tài khoản thanh toán an sinh xã hội không dùng tiền mặt cho 235 trường hợp (với tổng số tiền 116 triệu đồng được thanh toán)...
Ông Đỗ Văn Thành, Tổ trưởng bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, thành viên Ban chỉ đạo chuyển đổi số phường An Khê cho biết, phường đã tập huấn, trang bị các kiến thức về chuyển đổi số, các kỹ năng thao tác trên điện thoại cho các tổ công nghệ số cộng đồng và đề án 06. Toàn phường có 90 tổ công nghệ số cộng đồng và đề án 06, với 450 thành viên. Đây chính là lực lượng giúp địa phương chuyển tải các chủ trương của phường, quận, thành phố đến tận người dân khá hiệu quả.
Công tác chuyển đổi số được các lực lượng chức năng phường Thạc Gián triển khai 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Phó Chủ tịch UBND phường Lê Quốc Huy cho biết, đối với chính quyền số, địa phương triển khai số hóa hồ sơ, số hóa các quy định trên môi trường số 100%; nhất là triển khai mô hình thứ 7 số hóa dữ liêụ...
“Thời gian đến, phường tập trung tập huấn, học trực tuyến trên nền tảng MOOC; rà soát theo dõi, lập dữ liệu khu dân cư trên toàn phường, sau đó tích hợp trên phần mềm quản lý tổ dân phố. Tương lai, người dân không cần đến trụ sở phường hay tổ dân phố để nộp các khoản thu mà gửi lên phần mềm”, ông Huy nói.
Bênh cạnh đó, chuyển đổi số trong ngành giáo dục và đào tạo cũng là điểm sáng trên địa bàn quận Thanh Khê. Tại Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng, việc thực hiện công tác chuyển đổi số được triển khai trong công tác quản lý và dạy học, qua đó nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường. Cô Nguyễn Thị Ngọc Anh, Hiệu trưởng nhà trường cho rằng, chuyển đổi số giúp nhà trường lưu trữ được các loại hồ sơ liên tục qua nhiều năm, giảm hồ sơ giấy. Đồng thời, áp dụng chuyển đổi số vào giảng dạy đã nâng cao kỹ năng sử dụng công nghệ của giáo viên.
Theo bà Lê Thị Hoàng Chinh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Khê, đến nay, 36/36 trường công lập trên địa bàn quận triển khai thực hiện thu học phí và các loại phí không dùng tiền mặt thông qua các ứng dụng ngân hàng, ví điện tử hoặc phần mềm quản lý chuyên dụng, 80% phụ huynh thực hiện nộp phí, lệ phí bằng hình thức trực tuyến. Triển khai thực hiện hệ thống quản lý nhà trường đồng bộ từ trường mầm non, tiểu học và THCS nhằm xây dựng hệ thống dữ liệu tập trung và đồng bộ theo yêu cầu của ngành giáo dục và đào tạo. Mỗi học sinh có một ID duy nhất trên toàn quốc, dữ liệu học sinh và giáo viên được đồng bộ với hệ thống dữ liệu quản lý dân cư.
Thời gian tới, ngành giáo dục và đào tạo tiếp tục nâng cao hiệu quả phần mềm ngân hàng đề kiểm tra, phần mềm soạn bài giảng điện tử Ẻlearning và xây dựng ngân hàng đề kiểm tra, ngân hàng bài giảng điện tử cơ bản theo yêu cầu. Tăng cường các giải pháp tuyên truyền, hướng dẫn, xây dựng các kênh kết nối hỗ trợ phụ huynh nộp phí, lệ phí trực tuyến, giảm tỉ lệ nộp tiền mặt.
Qua 3 năm thực hiện chương trình hành động số 07-CTr/QU của Ban Thường vụ Quận ủy về việc thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố về “Chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, quận Thanh Khê liên tục là đơn vị dẫn đầu công nghệ thông tin khối quận, huyện (từ năm 2017 đến 2022); dẫn đầu về công tác chuyển đổi số khối quận, huyện năm 2023. |
NGỌC HÀ