Từ Thủ đô về "thành phố đáng sống"

.

Trong nhịp sống bình yên giữa lòng thành phố bên sông Hàn, những người Hà Nội tôi gặp bên ly trà ấm hôm đó, họ mang theo những thước phim ký ức “Hà Nội” về phố biển Đà Nẵng, họ nhớ về Thủ đô để nhắc mình đã, đang và luôn là một phần trong những thăng trầm của đất Kinh kỳ nghìn năm.

Gia đình của chị Trần Thị Tuyến chuyển từ Hà Nội vào Đà Nẵng từ năm 2016. Ảnh: NVCC
Gia đình của chị Trần Thị Tuyến chuyển từ Hà Nội vào Đà Nẵng từ năm 2016. Ảnh: NVCC

Hà Nội trong tim

Với những người xa quê, vài điều giản đơn nơi chôn nhau cắt rốn khó có thể tìm thấy ở quê người, thế là trở thành ký ức. Cơn cớ cho những niềm nhớ có thể là hương vị bát bún ốc đặc trưng hay bát phở nóng quen thuộc ở phố cổ, những hàng sấu cổ thụ có tuổi đời trăm năm trên phố Phan Đình Phùng, cái lạnh sắt se của mùa đông, những cái Tết sum vầy bên nồi bánh chưng đất Bắc… và nhiều điều không kể hết.

Tôi gặp Phan Hải Tùng Lâm, Biên tập viên Truyền hình Nhân Dân thường trú tại Đà Nẵng tình cờ ở thời điểm tròn 2 năm anh cùng vợ con chuyển từ Hà Nội vào Đà Nẵng sinh sống. Nhắc về 30 năm ở Thủ đô, Lâm mở đầu bằng… phở.

Trên “bản đồ phở” của Thủ đô với những phở Sướng, phở Mặn, phở Lý Quốc Sư, phở Bát Đàn, phở Thìn Lò Đúc…, mỗi người yêu-ghét theo một cách khác nhau. Theo thói quen, mỗi người có quán “tủ”, quán “ruột” của riêng mình. Đôi lúc có thể… cãi nhau từ một bát phở chỉ vì người này thấy ngon, người kia thấy… bình thường. Những yêu-ghét ấy cũng là ký ức, được những người xa Thủ đô gói ghém trong hành lý đến những miền đất khác. Trong hành lý của vợ chồng Lâm ngày tạm biệt Hà Nội, ngoài ký ức về phở và làng xưa phố cũ, còn có hương hoa sữa.

“Cơ quan tôi nằm trên phố Trần Quý Cáp - Trần Phú, mỗi lần đi bộ từ nhà đến chỗ làm lại được hít thở mùi hương thân quen từ hàng cây hoa sữa. Cảm giác đó nhắc tôi những ngày tôi còn đạp xe đi học thêm trên đoạn phố Lò Đúc - Nguyễn Du, làm việc ở Đài Truyền hình Việt Nam...”, anh Lâm nói.

Làng Định Công ở ven đô, gần bến xe Nước Ngầm là nơi anh Lâm lớn lên cùng gia đình bên nội. Bây giờ, làng được quy hoạch thành phường Định Công thuộc quận Hoàng Mai với nhiều đổi thay, nhưng những thế hệ gắn bó với vùng đất bên dòng sông Tô Lịch vẫn gìn giữ giá trị làng xưa với những đình, giếng làng và ruộng đồng.

“Tôi luôn nghĩ về Hà Nội của những ngày xưa ấy, những ngày đời sống còn khó khăn nhưng vẫn đáng nhớ. Hà Nội vẫn là một phần vô cùng đẹp trong chặng đường đời. Đó là nơi vợ chồng tôi được sinh ra, trưởng thành, gặp gỡ và cùng xây dựng ước mơ cuộc đời mình”, anh Lâm chia sẻ.

“Hà Nội vào thu, thời tiết mát mẻ hơn, bầu trời trong xanh hơn, sương mù sẽ phủ xuống phố phường vào những buổi chiều, hoa sữa đưa hương thoang thoảng. Hà Nội những ngày ấy đẹp một cách dịu dàng”, chị Trần Thị Tuyến (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) nhắc về Hà Nội đầy bồi hồi. Chị nhớ, trong Hoàng Thành Thăng Long có những cây sấu rất đẹp. Cứ vào mùa hè lại đơm hoa rụng xuống tạo thành một thảm hoa tinh khôi, trở thành không gian thơ mộng cho bầy trẻ con chơi đùa. Chị nhớ những ngày đưa các con lên phố cổ, nhớ những lúc đi dạo trên con đường Phan Đình Phùng rợp bóng cây xanh và đặc biệt là không khí đặc trưng của mùa thu Hà Nội không nơi đâu có được; nhớ cảnh ông bà, con cháu quây quầy gói bánh chưng, chuẩn bị mâm cỗ mỗi dịp Tết đến…

Đà Nẵng hiền hòa

Vợ chồng chị Tuyến cùng mẹ chồng và hai con chuyển vào Đà Nẵng từ năm 2016, với mong muốn tìm môi trường sống hiền hòa, gần biển, trong lành và thoáng đãng, phù hợp sức khỏe của con. Dưới mái nhà nhỏ trong con hẻm ở đường Đinh Thị Hòa, cách biển vài trăm mét, ba thế hệ trong gia đình vẫn giữ nguyên nếp quen người Hà Nội từ những mâm cơm, trong sinh hoạt thường ngày cho tới việc giáo dục con cái. “Chất lượng cuộc sống ở Đà Nẵng tốt, mọi thứ ở đây đều dễ chịu, mức giá cả chi tiêu cũng rẻ hơn Hà Nội. Đặc biệt là cả nhà đều thích tắm biển. Đà Nẵng cho gia đình mình cơ hội để theo đuổi những công việc có ích cho xã hội này”, chị Tuyến chia sẻ.

Tình làng nghĩa xóm là điều mà gia đình chị “thấm” nhất sau 8 năm gắn bó với thành phố bên sông Hàn. Đơn cử chuyện những gia đình có nhà kiên cố gọi hàng xóm vào tránh trú bão; hỗ trợ nhau từng bó rau, miếng thịt những ngày Covid-19; cùng nhau sum vầy ăn uống vào dịp cuối năm…

“Tại nơi mình ở, mọi người đều hướng tới giá trị chung của cộng đồng, luôn giúp đỡ nhau trong mọi hoàn cảnh. Đó là điều đáng quý để mình gắn bó với Đà Nẵng và yêu thành phố này”, chị Tuyến nói.

Gia đình anh Lâm lại gắn bó với Đà Nẵng từ một cái duyên đặc biệt. Nhiều lần đến Đà Nẵng du lịch và “trót” yêu phong cảnh, đời sống và con người ở đây, nhưng phải đến năm 2022, hành trình “rời Thủ đô về xứ biển” của đôi vợ chồng trẻ mới bắt đầu. “Trong một lần ngồi chờ chuyến bay từ Đà Nẵng về Hà Nội, vợ tôi hỏi một câu mà có lẽ mang tính chất đùa vui: “Anh nghĩ sao, nếu chúng ta chuyển về đây sống?”.

Rồi tình cờ sau chuyến đi ấy, vợ tôi có cơ hội làm việc cho một tổ chức phi chính phủ với yêu cầu có thể làm từ xa và sống ở khu vực miền Trung. Đã có lý do để về Đà Nẵng, vậy là thu xếp ngay”, anh Lâm nhớ lại.

Sau 2 năm sống ở Đà Nẵng, điều anh Lâm cảm nhận được là nhịp sống hiện đại nhưng có phần chậm rãi và nhẹ nhàng hơn, nếu so với Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Nhịp sống ấy, phù hợp với một gia đình nhỏ vốn ưa thích thiên nhiên, thích biển và không khí trong lành. Đều đặn mỗi tuần, anh Lâm lại sắp xếp thời gian đưa con đi tắm biển Đà Nẵng, tham quan bán đảo Sơn Trà và xa hơn chút là Cù Lao Chàm...

Với anh, Đà Nẵng là nơi phù hợp để con mình thụ hưởng nhiều điều giá trị mà trước tiên là sức khỏe.
Những người con Hà Nội như anh Lâm, chị Tuyến… mang theo những thước phim ký ức có tên “Hà Nội” về phố biển. Vừa yêu Đà Nẵng, họ vừa nhớ về Thủ đô, để nhắc mình đã, đang và luôn là một phần trong những thăng trầm của đất Kinh kỳ nghìn năm.

XUÂN SƠN

;
;
.
.
.
.
.