Các tỉnh, thành phố ở miền Trung cần chủ động ứng phó mưa lớn, lũ lụt sắp tới

.

ĐNO - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành Công văn số 8220/BNN-ĐĐ ngày 31-10-2024 để nghị các bộ, ngành Trung ương và 13 tỉnh, thành phố từ Nghệ An đến Khánh Hòa, Gia Lai, Kon Tum chủ động ứng phó với mưa lớn, lũ miền Trung.

Thuyền phao và các phương tiện cứu hộ, cứu nạn đã được vận chuyển đến phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu để sẵn sàng ứng phó với mưa lớn, ngập nước sâu. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Thuyền phao và các phương tiện cứu hộ, cứu nạn đã được vận chuyển đến phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu để sẵn sàng ứng phó với mưa lớn, ngập nước sâu. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Theo đó, Tổng cục Khí tượng thủy văn vừa ban hành Công văn số 1297/TCKTTV-QLDB ngày 31-10-2024 thông tin dự báo, từ ngày 3-11 đến ngày 10-11-2024, tại khu vực Trung Bộ có thể chịu ảnh hưởng của một số hình thái thời tiết xấu gây mưa lớn.

Sau ngày 10-11-2024, tình hình mưa lớn ở miền Trung tiếp tục diễn biến phức tạp với khả năng xuất hiện 2-3 đợt mưa lớn, trong đó, nửa đầu tháng 11, mưa tập trung nhiều ở các tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi; nửa cuối tháng 11 và đầu tháng 12-2024, mưa tập trung nhiều ở các tỉnh, thành phố từ Quảng Bình vào đến Phú Yên.

Để chủ động ứng phó với diễn biến mưa lớn, lũ kéo dài trong những ngày tới, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các tỉnh, thành phố và các bộ, ngành khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ bão số 6, nhất là tại các tỉnh, thành phố Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng; chủ động thu hoạch sớm nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.

Đồng thời, rà soát, sẵn sàng triển khai sơ tán người dân tại khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm thiết yếu theo phương châm “4 tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.

Cùng với đó, kiểm tra, triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn các hồ chứa nước và hạ du; chủ động vận hành hồ chứa bảo đảm dung tích đón lũ theo quy định; rà soát phương án bảo đảm an toàn giao thông nhất là khu vực dễ bị chia cắt, chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.

Bên cạnh đó, thường xuyên cập nhật thông tin, dự báo, cảnh báo về mưa lũ để chỉ đạo phù hợp với tình hình thực tế; chỉ đạo cơ quan phát thanh, truyền hình và các cơ quan thông tin đại chúng địa phương tăng cường các biện pháp thông tin về diễn biến thời tiết, thiên tai đến các cấp chính quyền và người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó.

Các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước và nhiệm vụ được phân công chủ động chỉ đạo, phối hợp với các địa phương rà soát các phương án bảo đảm an toàn, hiệu quả với diễn biến mưa lũ...

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.
.