Chủ động phòng ngừa, ứng phó thiên tai mùa mưa bão

.

Trong cơn bão số 6 (bão Trà Mi), Bộ đội Biên phòng (BĐBP) thành phố chủ động, kịp thời thông báo kêu gọi hàng ngàn phương tiện hoạt động trên biển tìm nơi trú ẩn; tổ chức di dời hàng trăm hộ dân trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn; cứu kéo hàng trăm phương tiện, thuyền thúng lên bờ để tránh bão và tuyên truyền, vận động hơn 200 thuyền viên rời khỏi tàu trước khi bão số 6 đổ bộ vào đất liền...

Đại tá Hồ Sĩ Hậu (bên trái) chỉ đạo lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng chống bão số 6 tại âu thuyền Thọ Quang
Đại tá Hồ Sĩ Hậu (bên trái) chỉ đạo lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng chống bão số 6 tại âu thuyền Thọ Quang

Đại tá Hồ Sĩ Hậu, Phó Chỉ huy trưởng, kiêm Tham mưu trưởng BĐBP thành phố cho biết, để thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn trên sông, lực lượng BĐBP tích cực triển khai các biện pháp, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ sát với thực tiễn, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân. Đồng thời không ngừng đổi mới công tác kiểm tra, kiểm soát tàu, thuyền ra vào hoạt động trên biển, góp phần giảm thiệt hại cho người dân.

Hiện nay, thành phố có 1.230 tàu cá, với tổng công suất 401.781CV; công suất bình quân 326,65CV/tàu. Ngư trường khai thác chủ yếu ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và vịnh Bắc Bộ. Hơn nữa, hằng ngày, có hàng trăm tàu thuyền của ngư dân ngoại tỉnh ra, vào hoạt động, tiêu thụ sản phẩm, trú tránh bão tại âu thuyền Thọ Quang. Trong khi đó, âu thuyền chưa đủ điều kiện cho số lượng lớn tàu thuyền neo đậu; hậu cần nghề cá, cung ứng, dịch vụ chưa bảo đảm, nhiều phương tiện vào trú bão phải chằng néo vào nhau dọc bờ hạ lưu sông Hàn nên khi lũ quét về nhanh không tránh kịp đã xảy ra tai nạn.

Mặt khác, tàu vận tải ra vào neo đậu tại vịnh Đà Nẵng ngày càng tăng, đòi hỏi cần phải có phương án hợp lý khi có bão tác động trực tiếp. Đối với tàu vận tải, các đơn vị tăng cường kiểm tra, kiểm soát và đề nghị thuyền trưởng có phương án neo đậu không để xảy ra thiệt hại, còn đối với tàu du lịch trên sông Hàn, giải pháp tốt nhất là cơ động về phía thượng nguồn sông Cẩm Lệ tránh thiệt hại khi lũ đổ về đồng thời nghiêm cấm tàu tiếp nhiên liệu neo đậu tại âu thuyền Thọ Quang để bảo đảm công tác phòng, chống cháy nổ.

Trong cơn bão số 6 vừa qua, với tinh thần tích cực, chủ động phòng ngừa, ứng cứu nhanh và có hiệu quả và thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, các đồn, trạm biên phòng phát huy sức mạnh của nhân dân, huy động tối đa nguồn nhân lực và phương tiện, làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân về các phương án phòng tránh; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các phương tiện khi ra biển, quy ước cụ thể tần số liên lạc với các tàu để ngư dân đánh bắt trên biển có thể liên lạc với BĐBP.

Bên cạnh đó, BĐBP thành phố thường xuyên trao đổi với Đài Thông tin duyên hải Đà Nẵng, nắm bắt và thông tin kịp thời cho ngư dân hoạt động trên biển biết về tình hình bão, áp thấp nhiệt đới và các thiên tai khác để tránh, trú an toàn cho người và tài sản; duy trì thông tin liên lạc với ngư dân để nắm tình hình trên biển, nhất là khi có tin bão, áp thấp nhiệt đới; chỉ đạo các đồn, trạm biên phòng nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, kêu gọi tàu thuyền trở về, hướng dẫn các phương tiện tìm nơi trú đậu an toàn, tổ chức sắp xếp tàu thuyền neo đậu tại âu thuyền, tránh va đập, bảo đảm công tác phòng, chống cháy nổ; đồng thời, tổ chức bắn pháo hiệu cảnh báo bão, áp thấp nhiệt đới theo quy định.

Từ nay đến cuối năm, tình hình thời tiết vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, theo Đại tá Hồ Sĩ Hậu, BĐBP thành phố tiếp tục làm tốt công tác phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng trước khi có bão, lũ xảy ra; phối hợp các sở, ngành và địa phương rà soát phương án chống ngập đô thị, nhất là khu vực trung tâm thành phố để bảo đảm phù hợp hạ tầng, đô thị; rà soát, bổ sung các phương án phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn của đơn vị, cụ thể hóa phương châm “4 tại chỗ”, dự kiến các tình huống và cách xử lý bảo đảm chặt chẽ, nhanh nhất.

Khi có sự cố về thiên tai, trên cơ sở phương án, kế hoạch đã được phê duyệt, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị được phép huy động tối đa lực lượng, phương tiện có trong biên chế cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương kịp thời cứu người và tài sản, hạn chế thấp nhất thiệt hại, khắc phục hậu quả bão, lụt.

BÁ VĨNH

;
;
.
.
.
.
.