Để những cánh đồng thêm xanh

.

Trải qua 16 năm, mô hình “Tổ nông dân thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng” do Hội Nông dân xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang) triển khai đến 12 thôn đạt hiệu quả cao, giúp nông dân nâng cao ý thức phân loại chất thải rắn tại nguồn và bảo đảm chất lượng trong sản xuất nông nghiệp, hướng đến xây dựng nông thôn mới xanh - sạch - đẹp.

Toàn xã Hòa Tiến có diện tích đất trồng lúa 460ha và hai vùng trồng rau 14,5ha. Trong đó, thôn La Bông, Yến Nê 1, Yến Nê 2 và Cẩm Nê có diện tích đất trồng lúa lớn nhất. Diện tích đất canh tác rộng, kèm theo việc sử dụng các chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật khá nhiều, nếu không thu gom đúng cách sẽ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng chất lượng nguồn đất, nguồn nước. Vì vậy, mô hình “Tổ nông dân thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng” ra đời là giải pháp hiệu quả, giúp nông dân nâng cao ý thức thu gom, phân loại chất thải độc hại, góp phần bảo vệ sức khỏe cho chính mình và môi trường xung quanh.

Là thành viên tham gia mô hình và là người có 1ha đất canh tác, nông dân Huỳnh Công Tuấn (thôn Yến Nê 1) bày tỏ, quá trình gieo trồng lúa trên đồng ruộng, người nông dân sử dụng nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật để trừ sâu, rầy, dưỡng lá… nên không tránh khỏi việc những chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật rơi vãi khắp cánh đồng. Mô hình ra đời giúp nông dân hình thành thói quen thu dọn vỏ chai, bao bì sau khi sử dụng, giảm đáng kể tình trạng vứt xuống ruộng, kênh mương. Việc làm này giúp tổ nông dân bớt vất vả khi đi thu gom trong các mùa vụ.

Ông Nguyễn Thành Sơn, Chi hội trưởng Chi hội nông dân thôn Yến Nê 1 chia sẻ, hằng năm, nông dân bước vào hai vụ mùa chính là đông xuân và hè thu. Kết thúc thời kỳ gieo sạ, tổ nông dân sẽ đi thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng khoảng 3-4 ngày. Tổ nông dân gồm 18-20 thành viên, là những nông dân trực tiếp canh tác trên các cánh đồng. Mỗi vụ thu gom trung bình 40-50kg bao bì các loại. Hiện 100% người dân trong thôn nhiệt tình hưởng ứng và hăng hái tham gia mô hình.

Để mô hình hoạt động hiệu quả, nông dân được hướng dẫn, tuyên truyền thực hiện phân loại rác thải nông nghiệp và bắt buộc thu gom riêng các loại chất thải nguy hại như bao bì phân bón, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu, thuốc diệt chuột, côn trùng... Đồng thời, mỗi chi hội nông dân thôn được trang bị đồ bảo hộ gồm khẩu trang, găng tay cao su, ủng cao su, kẹp gắp, áo mưa tiện lợi và thùng rác.

Trước đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Hội Nông dân thành phố lắp đặt các bi giếng bê-tông để nông dân lưu chứa vỏ bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, những năm trước, hoạt động chỉ dừng lại ở việc gom rác về bi giếng và tiêu hủy bằng cách đốt mà chưa xử lý đúng quy định. Từ năm 2023, những bao bì, chai lọ sau khi tập kết được Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng An Sinh (đơn vị được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép xử lý chất thải nguy hại) thực hiện xử lý theo quy định quản lý chất thải nguy hại.

Ông Đặng Văn Quang, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết, mô hình đã được nhân rộng đến 12 chi hội nông dân toàn xã. Mỗi vụ mùa, tổ nông dân thu gom gần 500kg bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật. Đến nay, hầu như không còn bao bì chai lọ thuốc bảo vệ thực vật trên các cánh đồng lúa của xã, việc thu gom gần như triệt để và được vận chuyển, xử lý theo quy định. “Mô hình đã lan tỏa đến đông đảo người dân trên địa bàn xã, phát huy vai trò cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường. Thời gian đến, nông dân xã tiếp tục duy trì thực hiện mô hình, nhằm nâng cao chất lượng canh tác trên các cánh đồng và hướng đến bảo đảm các tiêu chí quản lý, xử lý chất thải nguy hại”, ông Quang thông tin. 

HUỲNH VŨ

;
;
.
.
.
.
.