Hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm trên nền tảng số

.

Các cấp Hội Nông dân trên địa bàn thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, hỗ trợ hội viên ứng dụng công nghệ thông tin, các nền tảng mạng xã hội vào sản xuất, trồng trọt, kinh doanh, góp phần tăng năng xuất, chất lượng, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Hội Nông dân quận Cẩm Lệ tổ chức hướng dẫn hội viên nông dân bán hàng theo hình thức livestream trên nền tảng mạng xã hội trong tháng 10-2024. Ảnh: H.P
Hội Nông dân quận Cẩm Lệ tổ chức hướng dẫn hội viên nông dân bán hàng theo hình thức livestream trên nền tảng mạng xã hội trong tháng 10-2024. Ảnh: H.P

Hội Nông dân các cấp trong thời gian qua tăng cường tổ chức tập huấn, hướng dẫn hội viên nông dân bán sản phẩm nông nghiệp qua hình thức livestream trên mạng xã hội. Tại chương trình livestream bán hàng do Hội Nông dân quận Cẩm Lệ tổ chức giữa tháng 10-2024, được đánh giá khá thành công với nhiều sản phẩm bán cho người tiêu dùng. Trong 2 giờ livestream, những sản phẩm như bánh đậu xanh, rong biển đại dương, rau thủy canh, các loại hạt ngũ cốc sấy khô… được nhiều khách hàng trên mạng mua hết.

Nhiều hội viên nông dân chăm chú quan sát, lắng nghe và nắm bắt cách thức bán hàng trực tiếp trên nền tảng mạng xã hội. Trong buổi livestream, các sản phẩm như gạo lứt đỏ, bơ đậu phộng, bột ngũ cốc của cửa hàng kinh doanh Phúc Hậu do anh Nguyễn Hồng Long (phường Hòa Xuân) làm chủ đều được tiêu thụ.

Anh Long chia sẻ: “Sau buổi livestream và các sản phẩm của cửa hàng được đông đảo người tiêu dùng biết đến và tăng lượt đặt hàng. Đặc biệt, chúng tôi hiểu rõ hơn về hình thức bán hàng qua nền tảng mạng xã hội. Trên cơ sở đó thay đổi cách bán hàng theo hình thức vừa trực tiếp, vừa bán online để thu hút khách đa dạng”.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân quận Hứa Thị Thùy Phương, không chỉ giúp nông dân tiếp cận thị trường, nắm bắt nhu cầu tiêu dùng, việc ứng dụng công nghệ còn hỗ trợ sản xuất, trồng trọt, kinh doanh và cung ứng các sản phẩm phù hợp thị hiếu khách hàng.

Thời gian qua, hội tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao kiến thức, tổ chức các buổi livestream bán hàng để hội viên nông dân bắt nhịp công nghệ trong hoạt động nông nghiệp, kinh doanh; hỗ trợ đưa sản phẩm đặc trưng lên sàn thương mại điện tử để đa dạng thị trường tiêu thụ. Ngoài ra, hội phối hợp các đơn vị giúp nông dân xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp mới như: nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp kết hợp dịch vụ du lịch; góp phần hình thành các chuỗi liên kết nông nghiệp bền vững giữa nông dân và doanh nghiệp để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm.

Tương tự, các cấp Hội Nông dân tại huyện Hòa Vang tăng cường tập huấn giúp hội viên tiếp cận công nghệ trong nông nghiệp, trong đó, hình thức chủ yếu là hướng dẫn hội viên bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội; hướng dẫn thanh toán không dùng tiền mặt.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nguyễn Thị Vân, hội đang triển khai cài đặt ứng dụng “Nông dân Việt Nam” trên nền tảng Google Play cho 100% cán bộ, hội viên. Đây là kênh chính thống để hội viên nông dân nắm bắt thông tin, chính sách và phong trào của hội; đồng thời, giữa thành viên có thể trò chuyện, chia sẻ kiến thức, học hỏi kinh nghiệm thông qua nền tảng này. Ngoài ra, hội hướng dẫn nông dân xây dựng các trang bán hàng, giới thiệu sản phẩm OCOP lên mạng xã hội nhằm quảng bá các mặt hàng nông nghiệp đặc trưng của địa phương đến đông đảo người dân cả nước.

Với sự hỗ trợ của các cấp hội cùng sự năng động, dám nghĩ, dám làm, đến nay, nhiều hội viên nông dân đã đầu tư phương tiện, máy móc, ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp và kinh doanh, nổi bật là mô hình trồng rau thủy canh công nghệ cao của ông Hồ Như Liệu (phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ).

Trên diện tích 2.000m2, ông đầu tư nhà lưới và hệ thống tưới tự động để trồng các loại rau thủy canh như cải, xà lách. Mỗi ngày, ông thu hoạch hơn 100kg rau, cung cấp cho các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, chợ và khách trên các sàn thương mại điện tử, doanh thu hơn 4 triệu đồng/ngày.

Hay anh Đào Huy Tùng (phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ) khá thành công với mô hình trồng nấm rơm công nghệ cao. Anh được các đơn vị tặng hai hệ thống máy cấp ẩm tự động trị giá 100 triệu đồng để trồng nấm rơm. Hệ thống trên đặt trong nhà, duy trì độ ẩm 95% cho phôi nấm và độ ẩm 85% sau khi hình thành nấm con. Sản phẩm nấm của anh cung cấp trong địa bàn thành phố và trên sàn thương mại điện tử, doanh thu mỗi tháng khoảng 40 triệu đồng.

Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Nguyễn Hữu Thiết cho biết, dù đạt một số kết quả nhất định, tuy nhiên, việc áp dụng công nghệ vào sản xuất, trồng trọt, kinh doanh trên địa bàn thành phố chưa  cao. Trong đó, nguyên nhân do kết cấu hạ  tầng nông nghiệp, nông thôn và ứng dụng công nghệ mới nhiều nơi thiếu  đồng bộ. Chất lượng nguồn nhân lực có chuyên môn cao về sản xuất, chế biến nông sản, biết sử dụng, vận hành các thiết bị công nghệ còn rất hạn chế.

Để hỗ trợ hội viên nông dân, các cơ sở hội cần phối hợp các chuyên gia tăng cường tập huấn, nâng cao kỹ năng số cho nông dân. Ngoài ra, nông dân cần chủ động học hỏi, bắt nhịp với xu hướng sử dụng công nghệ thông tin trong thời đại 4.0; chủ động đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử để quảng bá, nâng cao giá trị nông sản.

NGỌC QUỐC

;
;
.
.
.
.
.