Nhiều giải pháp đồng bộ chống ngập đô thị

.

Đợt mưa vào ngày 5-11 vừa qua tại Đà Nẵng không lớn so với các đợt mưa của năm 2022 và 2023, nhưng tình trạng ngập lụt đã diễn ra ở nhiều khu vực, có nơi ngập sâu 1m. Đâu là nguyên nhân khiến đô thị Đà Nẵng xuất hiện nhiều điểm ngập và giải pháp nào để chống ngập lụt trong thời gian đến? Báo Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Võ Tấn Hà về vấn đề này.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Võ Tấn Hà
Phó Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Võ Tấn Hà.

Ông Võ Tấn Hà cho biết:

- Trong khoảng thời gian từ 3 giờ đến 12 giờ ngày 5-11, trên địa bàn thành phố xuất hiện trận mưa có cường độ rất lớn, số liệu được ghi nhận ở tất cả 31/31 trạm đo mưa đều lớn hơn 100mm/9 giờ, cao nhất tại trạm đo phường Hòa Cường Nam (quận Hải Châu) là 281.0mm... Mặt khác, hầu hết các trạm đo tại khu vực trung tâm thành phố đều có cường độ mưa rất lớn, gây ngập úng nhiều khu vực.

Qua rà soát với UBND các quận, huyện, một số khu vực ngập sâu khoảng 1m trong trận mưa ngày 5-11 gồm đường Nguyễn Trác (kiệt 640 đường Trưng Nữ Vương); một số khu vực ngập cục bộ thuộc các phường: Hòa Phát, Hòa An, Hòa Thọ Đông, Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ) được xác định là do đang vướng mắc về đấu nối hạ tầng, hệ thống thoát nước chưa được đầu tư đồng bộ. Riêng khu vực đường Mẹ Suốt (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu), do nhà dân xây dựng trên khu vực chưa được đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, địa hình trũng thấp nên khi có mưa lớn xảy ra ngập nặng.

* Đâu là nguyên nhân chính gây ra ngập lụt đô thị tại Đà Nẵng, thưa ông?

- Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập úng trên địa bàn thành phố có yếu tố khách quan và chủ quan. Về nguyên nhân khách quan, trước hết là do cường độ trận mưa lớn vượt năng lực của hệ thống thoát nước hiện có; hệ thống thoát nước vẫn còn nhiều bất cập, đặc biệt là tại khu vực trung tâm thành phố. Hiện phần lớn hệ thống thoát nước khu vực trung tâm thành phố được xây dựng từ lâu nên đã xuống cấp; bị sụt lở, tắc nghẽn, một số đoạn rất hạn chế khả năng thoát nước.

Một số điểm ngập cục bộ có tiết diện, cao độ cống chưa hợp lý; hiện trạng hạ tầng kỹ thuật ngầm còn nhiều bất cập, chồng chéo như hệ thống cấp điện, cấp nước, cáp quang... lắp đặt ngang qua cửa thu nước, hố ga, qua cống… Các khu vực vùng ven xảy ra tình trạng xây dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp trước đây, không được quy hoạch bài bản, hạ tầng kỹ thuật chưa thể đầu tư đồng bộ, một số khu vực không có hệ thống cống thoát nước và có địa hình thấp trũng…

Về nguyên nhân chủ quan là do một số dự án, công trình đã được bố trí vốn nhưng chưa thể thi công hoàn thành do vướng giải phóng mặt bằng. Công tác quản lý, vận hành chưa thật sự linh hoạt, kịp thời; nguồn điện tại các trạm bơm chống ngập chưa được ổn định; máy móc, thiết bị chuyên dùng trang bị cho đơn vị thoát nước còn hạn chế. Một bộ phận không nhỏ người dân còn xả rác xuống cống thoát nước; thậm chí để cả nệm, mùng mền, ván tủ, gỗ ép…lấp các cửa thu nước, làm giảm khả năng thu nước.

Nhiều đơn vị trong quá trình thi công cải tạo hạ tầng kỹ thuật trên các tuyến đường không khơi thông, dọn dẹp xà bần, giá hạ sau khi hoàn thiện, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng thoát nước của cống.

Trong đợt mưa ngày 5-11, tuyến đường Hùng Vương bị ngập sâu trong nước. Ảnh: TRỌNG HÙNG
Trong đợt mưa ngày 5-11, tuyến đường Hùng Vương bị ngập sâu trong nước. Ảnh: TRỌNG HÙNG

 * Sở Xây dựng đã triển khai những dự án hạ tầng nào để giảm thiểu tình trạng ngập lụt?

- Ngoài các giải pháp thường xuyên và trước mắt đã thực hiện trong thời gian qua, thành phố đã và đang tập trung triển khai các dự án thoát nước, chống ngập úng. Cụ thể, đã thi công hoàn thành công trình tuyến cống thoát nước liên phường Xuân Hà, Tam Thuận; khởi công dự án cải tạo hệ thống thoát nước trên tuyến đường Hùng Vương và đường Lý Thái Tổ vào ngày 22-8-2024. Bên cạnh đó, thành phố đã phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án như: nâng cấp trạm bơm Ông Ích Khiêm (giai đoạn 2); xây dựng cầu trên đường Nguyễn Nhàn; xử lý thoát nước khu vực xung quanh sân bay Đà Nẵng; dự án tuyến cống từ kênh Phú Lộc và đường Nguyễn Tất Thành (trên đường Phùng Hưng).

Ngoài ra, sở đã triển khai phương án thí điểm lắp đặt cửa thu nước ngăn mùi, Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải đã thi công hoàn thành tại đường Phan Đăng Lưu và đường Lý Tự Trọng; đã ban hành kịch bản ứng phó ngập úng đô thị và lồng ghép vào phương án phòng chống thiên tai thành phố.

Sở đang nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư đối với các dự án gồm: tuyến cống thoát nước từ hồ Xuân Hòa A ra vịnh Đà Nẵng (dọc đường Hà Huy Tập); tuyến cống thoát nước Khe Cạn (nhánh số 2); nâng cấp, cải tạo các trạm bơm phục vụ công tác xử lý thoát nước, chống ngập úng; hệ thống kênh mương nhằm bảo đảm cảnh quan đô thị và giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn quận Liên Chiểu. Sở tiếp tục đầu tư cải tạo, mở rộng hệ thống thoát nước đường số 4 khu công nghiệp Hòa Khánh; nâng cấp, cải tạo cống thoát nước qua đường Trường Sơn; nạo vét, cải tạo các hồ điều tiết trên địa bàn thành phố; đầu tư, cải tạo hồ điều tiết khu vực Bàu Gia Thượng, Bàu Gia Hạ và hệ thống cống, kênh thoát nước khu vực Phong Bắc.

Đối với khu vực trong sân bay, UBND thành phố đang làm việc với Sư đoàn 372 để thống nhất phương án triển khai với quy mô gồm: nạo vét, cải tạo, mở rộng tổng cộng 7 hồ điều hòa hiện trạng cho phía bắc (3 hồ) và phía nam (4 hồ) để tăng khả năng điều tiết nước trong sân bay; đồng thời xây dựng 2 tuyến kênh thoát nước chính để điều tiết nước, giảm ngập khu vực hiện trạng (sơ bộ kinh phí khoảng 462,32 tỷ đồng).

Trong đợt mưa ngày 5-11, ngã tư Tôn Đức Thắng - Bắc Sơn ngập sâu trong nước.  Ảnh: TRỌNG HÙNG
Trong đợt mưa ngày 5-11, ngã tư Tôn Đức Thắng - Bắc Sơn ngập sâu trong nước. Ảnh: TRỌNG HÙNG

* Vậy công tác quy hoạch xây dựng đô thị ở Đà Nẵng đã có những điều chỉnh gì để đối phó với tình trạng ngập lụt, đặc biệt là việc xây dựng các khu đô thị mới hoặc nâng cấp các khu dân cư hiện tại?

- Thành phố đang triển khai đồ án điều chỉnh quy hoạch chuyên ngành cao độ nền và thoát nước mặt trên cơ sở đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15-3-2021. Theo đó, các quan điểm về quy hoạch thoát nước mưa theo nhiệm vụ quy hoạch đã được phê duyệt gồm: giải quyết cơ bản tình hình ngập úng trong phạm vi quy hoạch chung đô thị vào mùa mưa và cải thiện môi trường; thoát nước mưa đô thị trong mối quan hệ tổng thể quản lý tiêu thoát lũ sông, vùng có tính đến yếu tố biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng; khai thác tối đa khả năng, các điều kiện thuận lợi trong công tác thoát nước như hệ thống thoát nước hiện có, các kênh mương tiêu thoát nước và các sông hồ, đầm tham gia vào hệ thống thoát nước.

Việc sử dụng công nghệ thoát nước mới hợp lý và phù hợp với điều kiện của địa phương là cách để nâng cao khả năng thoát nước, góp phần phát triển đô thị, phát triển kinh tế và nâng cao điều kiện sống của người dân. Thành phố cần xã hội hóa, huy động các nguồn lực trong nước và quốc tế cho đầu tư xây dựng và quản lý vận hành hệ thống thoát nước.

Hướng tới mục tiêu thoát nước bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu bằng các giải pháp quy hoạch xây dựng (từ quy hoạch phân khu tới quy hoạch chi tiết) tại các vùng mở rộng thành phố theo điều chỉnh quy hoạch chung, cũng như điều chỉnh các quy hoạch đã thực hiện và có giải pháp phù hợp khi quy hoạch chỉnh trang các khu dân cư cũ.

Hiện nay đồ án đã cơ bản hoàn chỉnh, đang trong giai đoạn lấy ý kiến góp ý của Bộ Xây dựng. UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương ưu tiên dành quỹ đất để bố trí hành lang thoát lũ, hình thành các hồ điều hòa và tăng diện tích hành lang xanh, mảng xanh đô thị, hạn chế tối đa việc bê-tông hóa nếu không thật sự cần thiết. Lựa chọn chu kỳ lặp lại trận mưa tính toán cao hơn yêu cầu tối thiểu theo QCVN 01:2021/BXD trong đồ án quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt và các dự án thoát nước được đầu tư xây dựng mới.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Theo quy định của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), mưa lớn được chia làm 3 cấp:
- Mưa vừa: Lượng mưa đo được từ 16 đến 50 mm/24 giờ, hoặc 8 đến 25 mm/12 giờ.
- Mưa to: Lượng mưa đo được từ 51 đến 100 mm/24 giờ, hoặc 26 đến 50mm/12 giờ.
- Mưa rất to: Lượng mưa đo được > 100 mm/24 giờ, hoặc > 50 mm/12 giờ.
Trong các nghiên cứu về ảnh hưởng của mưa thì từ cấp mưa to (51-100 mm/24 giờ) trở lên đã bắt đầu có những ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống con người.

TRỌNG HÙNG thực hiện

;
;
.
.
.
.
.