Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ: thành phố rà soát, bảo đảm thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, tạo việc làm, giảm nghèo đa chiều ổn định, bền vững. Thời gian qua, cả hệ thống chính trị thành phố đã và đang tiếp tục làm tốt công tác an sinh xã hội, với tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Thành phố dành nhiều chính sách chăm lo an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân. TRONG ẢNH: UBND quận Thanh Khê tổ chức trao sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Ảnh: LAM PHƯƠNG |
Kế thừa, điều chỉnh phù hợp thực tiễn
Xác định công tác an sinh xã hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền thành phố đặc biệt quan tâm, đầu tư xây dựng nhiều chế độ, chính sách đặc thù. Nhờ đó, hệ thống an sinh xã hội ngày càng hoàn thiện, không ngừng mở rộng diện bao phủ. Đời sống vật chất và tinh thần nhân dân nâng lên. Hệ thống chính sách an sinh xã hội trở thành chỗ dựa vững chắc cho người nghèo và đối tượng yếu thế trong xã hội.
Theo ông Nguyễn Thuận, nguyên Phó Chủ tịch Hội Luật gia thành phố, thành phố có những chương trình đột phá, trở thành thương hiệu như: thành phố “5 không” (ra đời năm 2000), “3 có” (ra đời năm 2005), “4 an” (ra đời năm 2016) giúp thay đổi hoàn toàn bộ mặt đô thị, đời sống, an sinh xã hội, an ninh trật tự trên địa bàn thành phố.
Theo ông Thuận, để thực hiện có hiệu quả Kết luận số 79-KL/TW, thời gian tới, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội cần tiếp tục nâng cao các chính sách an sinh xã hội trên cơ sở kế thừa và phát huy kết quả đạt được, nghiên cứu điều chỉnh các tiêu chí để phù hợp thực tiễn. Trong đó, chú trọng các chính sách hỗ trợ mang tính bền vững là việc làm và nhà ở.
Cùng quan điểm này, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Đà Nẵng Bùi Văn Tiếng chia sẻ: “Tôi còn nhớ khi triển khai chương trình thành phố “5 không”, chính quyền thành phố từng điều chỉnh mục tiêu theo hướng nâng cấp cho phù hợp với thực tiễn. Chẳng hạn, đã điều chỉnh mục tiêu “không có hộ đói” thành “không có hộ đặc biệt nghèo”, điều chỉnh mục tiêu “không có người mù chữ” thành “không có học sinh bỏ học vì lý do kinh tế”. Đây là bài học cần được vận dụng trong quá trình tiếp tục xây dựng các “thương hiệu” thành phố “5 không”, thành phố “3 có”, thành phố “4 an” trong thời gian tới”.
Những chính sách an sinh xã hội vượt trội của thành phố giúp hàng nghìn hộ nghèo, đối tượng yếu thế nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. TRONG ẢNH: Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu) bàn giao nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo. Ảnh: LAM PHƯƠNG |
Chú trọng các chính sách bền vững
Giải quyết việc làm là yếu tố quan trọng góp phần bảo đảm an sinh xã hội, nên thành phố đang triển khai đồng bộ các giải pháp, chính sách hỗ trợ dạy nghề, kết nối việc làm, phát triển thị trường lao động nhằm cụ thể hóa chương trình “Có việc làm”. Theo đó, thành phố ban hành các đề án về tổ chức chợ việc làm định kỳ, hệ thống thông tin thị trường lao động; quy hoạch phát triển đào tạo nghề, đào tạo lao động dịch vụ chất lượng cao…
Bên cạnh triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ học nghề của Trung ương, HĐND thành phố ban hành Nghị quyết số 103/2023/NQ-HĐND ngày 14-12-2023 quy định chính sách hỗ trợ học nghề đối với lao động thuộc diện chính sách, xã hội trên địa bàn thành phố. Trong đó, quy định đối tượng là lao động trong các hộ bị thu hồi đất, lao động là thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật, học sinh bỏ học, lao động là người hoạt động mại dâm hoàn lương với mức hỗ trợ 2-3 triệu đồng/người/khóa học. Qua đó giúp hàng trăm đối tượng được học nghề, có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, đời sống.
“Bên cạnh tiếp tục triển khai đầy đủ các chính sách hỗ trợ dạy nghề, kết nối việc làm, thành phố cần đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình trọng điểm, nhất là các dự án phát triển kinh tế- xã hội; cụm, khu công nghiệp nhằm tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần giải quyết việc làm trên địa bàn thành phố”, ông Nguyễn Thuận nói.
Thực hiện chương trình “Có nhà ở”, bên cạnh thực hiện đầy đủ các chính sách của Trung ương, thành phố có thêm những chính sách vượt trội như: nâng mức hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo nhằm góp phần giúp người nghèo, đối tượng yếu thế, người có công với cách mạng an cư.
Ông Nguyễn Thuận cho rằng, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả tiêu chí “Có nhà ở”, thành phố cần quan tâm hơn đến đối tượng công nhân lao động, nhất là công nhân lao động ngoại tỉnh. Theo đó, cần có thêm những dự án nhà ở xã hội dành riêng cho công nhân lao động với mức giá bình ổn giúp họ có nơi ở để yên tâm phục vụ lao động, sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn thành phố.
Trong khi đó, ông Bùi Văn Tiếng, cho rằng, bên cạnh các giải pháp hỗ trợ từ ngân sách thành phố cần đẩy mạnh xã hội hóa trong thực hiện các chính sách hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, công nhân lao động. Đặc biệt, cần huy động sự hỗ trợ trực tiếp của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nơi đối tượng thụ hưởng đang làm việc nhằm phát huy vai trò xã hội của đơn vị, doanh nghiệp trong chung tay chăm lo an sinh xã hội cho nhân dân nói chung. Cũng theo ông Tiếng, cần xác định đúng đối tượng được thụ hưởng chính sách về nhà ở xã hội nhằm tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, tránh tình trạng ỷ lại, lợi dụng chính sách.
LAM PHƯƠNG