Nơi ươm mầm thiện

.

ĐNO - Thời gian qua, Cơ sở xã hội Bàu Bàng thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã làm tốt công tác chữa trị, giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách cho người cai nghiện ma túy theo tinh thần “đến để chữa bệnh chứ không phải để cách ly”. Nhiều học viên sau khi hoàn thành chương trình cai nghiện ma túy đã trở về hòa nhập cộng đồng.

Học viện cai nghiện ma túy đang học nghề điện ô tô
Học viện cai nghiện ma túy đang học nghề điện tại Cơ sở xã hội Bàu Bàng.

Chiều cuối tuần tại Cơ sở xã hội Bàu Bàng, sau khi hoàn thành công việc lao động trị liệu, học tập các chuyên đề về pháp luật, học văn hóa, tư vấn tâm lý, học viên được tham gia sinh hoạt tập thể. Nhìn những thanh niên khỏe mạnh đang say sưa chơi bóng chuyền, cầu lông, bóng đá, xung quanh là những tiếng cổ vũ nồng nhiệt của “bạn học”, ít ai nghĩ rằng khi mới bước chân vào đây, tất cả đều gầy gò, mệt mỏi, đi không vững, ánh mắt vô hồn. Có nhiều trường hợp mắc hội chứng cai dẫn đến rối loạn hành vi, có suy nghĩ tiêu cực, thậm chí có người định tự vẫn.

Từng theo học lái máy bay ở nước ngoài, rồi có công việc ổn định, nhưng Tr.Th.V, trú phường Thanh Bình lại vướng vào ma túy. Sau lần cai nghiện đầu tiên, V đã bỏ ma túy được 7 năm để tập trung làm ăn. Nhưng sau biến cố về cuộc sống gia đình, V lại tìm đến ma túy để quên đi những buồn đau mình đang đối mặt. Thế là V đi cai nghiện lần 2.

Sau 2 tháng cai nghiện, tinh thần V khá thoải mái, V cho biết: “Em đang cố gắng từng giờ, từng ngày để làm lại cuộc đời. Được sự động viên, chia sẻ, giáo dục của các thầy cô, em hiểu hơn về trách nhiệm của mình. Nhìn cách làm việc, ứng xử, cách sống của thầy cô, em càng có thêm niềm tin và động lực phấn đấu”.

Năm nay 23 tuổi, Ph.Th.T, trú quận Hải Châu có 3 lần cai nghiện tại đây. Là con một trong gia đình nên tất cả tình thương yêu ba mẹ đều dành cả cho T. với mong muốn mang lại những gì tốt nhất cho con, ba mẹ đã cho T vào Thành phố Hồ Chí Minh ở với người thân để có điều kiện tốt hơn cho việc học tập. Ở môi trường xa lạ, T đã bị bạn bè lôi kéo sử dụng ma túy, bỏ bê việc học. Ba mẹ biết được nên đưa T về đi cai nghiện.

“Sau lần đầu, em đi làm được một thời gian và hoàn toàn không sử dụng ma túy. Dù rất phấn đấu nhưng bạn bè cứ mãi tác động, nên em lại vướng vào. Giờ đây, sau thời gian dài suy nghĩ và được các thầy cô quan tâm, động viên bằng cả tình thương và sự nghiêm khắc đã giúp em vượt qua những cám dỗ”, T tâm sự.

“Mới vào, phần lớn người cai nghiện sẽ thấy mất tự do, tù túng, khó chịu, chưa kể những cơn đói thuốc hành hạ, cảm giác buồn bực, bứt rứt khó diễn tả. Nhưng khi được cắt cơn giải độc theo phát đồ, lao động nề nếp, thực hiện sinh hoạt đúng quy định với sự chỉ dẫn trực tiếp của các thầy cô, em dần quên đi cảm giác thèm nhớ ma túy, ăn được, ngủ được; làm việc, sinh hoạt theo giờ giấc quy định nên sức khỏe cũng tốt hơn”, T cho biết thêm.

Ông Phạm Tấn Dũng, Giám đốc Cơ sở xã hội Bàu Bàng tâm sự: “Ở đây, học viên cao tuổi nhất cũng đã gần 60, thấp nhất là 16, chủ yếu là nam. Phần lớn học viên có tiền án, tiền sự, thời gian dài sử dụng ma túy, nhiều em bị gia đình xa lánh, tâm sinh lý không ổn định nên hay chây ỳ, chống đối. Người xưa có câu “tre non dễ uốn”, trong khi học viên ở đây phần lớn là “tre già”. Vì vậy, đội ngũ cán bộ phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, trau dồi phương pháp sư phạm thì mới giúp học viên hợp tác và cai nghiện tốt”.

Việc cai nghiện thành công đòi hỏi rất nhiều yếu tố, trong đó quyết tâm của người cai nghiện là yếu tố hàng đầu, mang tính quyết định, nhưng lại rất cần những người thầy, người cô “đặc biệt”.

Nhìn học viên xếp hàng ngay ngắn, trật tự khi tham gia các hoạt động, sinh hoạt tập thể hăng say; im lặng làm việc; tích cực trao đổi, chia sẻ trong các buổi tư vấn, học tập chuyên đề mới thấy hết sự vất vả, gian nan của những người “ươm mầm thiện” nơi đây.

Mỗi lần đứng lớp giảng dạy chuyên đề “Giá trị sống”, anh Dương Thế Vũ, cử nhân Sư phạm lại nhận thấy trong mỗi học viên đều khát khao hướng thiện. Vì vậy, các lớp tuyên truyền về kỹ năng sống, tái hòa nhập cộng đồng được tổ chức thường xuyên.

Để việc học tập, rèn luyện, lao động trị liệu trong ngày của học viên cai nghiện bảo đảm, mọi công việc đều được thầy cô trao đổi, giao việc cho học viên vào 18 giờ 30 hôm trước trong lúc thực hiện giao ban. Công việc của một ngày khép lại lúc 21 giờ, sau khi thầy cô tổ chức đánh giá kết quả trong ngày để gọt giũa hành vi, nhân cách, giúp học viên tiếp tục phát huy những mặt tích cực, kết quả tốt, đồng thời uốn nắn những học viên có suy nghĩ, hành vi lệch chuẩn.

Để đường về nẻo thiện của các em được thuận lợi, Cơ sở xã hội Bàu Bàng đã phối hợp với Trường Cao đẳng nghề thành phố tổ chức dạy nghề như điện ô-tô, điện lạnh, nghiệp vụ buồng phòng, nghiệp vụ lễ tân.

Em Ng.Th.Th.Nh chia sẻ, giờ đây, em đã vững tin hơn sau chuỗi ngày dài vấp ngã. Tại đây, em không chỉ được dạy những điều hay lẽ phải, mà còn được học lớp nghiệp vụ lễ tân. Em sẽ cố gắng tìm việc và sống bằng chính công việc này để ổn định cuộc sống, làm nền tảng để từ bỏ ma túy.

Công việc của những thầy cô ở Cơ sở xã hội Bàu Bàng được ví như “chẻ lạt bằng tre già, nếu không khéo léo lạt sẽ gãy ngay”. Học trò vừa “chữa bệnh”, vừa học nghề, do đó, song hành với sự kiên trì, thuyết phục, nêu gương, thầy cô của cơ sở phải cùng học viên tìm ra hướng giải quyết hiệu quả nhất.

Thầy Trần Xuân Thắng, Trưởng phòng Công tác xã hội, người đã có gần 20 năm công tác, cũng đã trải qua biết bao vui buồn nghề nghiệp. Thầy Thắng tâm sự, những học viên tuy cùng mắc nghiện nhưng nguyên nhân dẫn đến thì không ai giống ai, biểu hiện cũng vậy.

Sau những tháng ngày tận tụy làm công tác cai nghiện, một công việc chưa từng có ai nói là dễ, niềm vui của những người thầy người cô ở đây chính là khi được nhìn thấy học trò của mình lễ phép, trưởng thành.

Tuy nhiên, có một thực tế khiến tất cả thầy cô luôn trăn trở đó là, tỷ lệ tái nghiện còn cao, không ít học viên sau khi được điều trị ổn định, sức khỏe khá lên đã trở về cộng đồng nhưng vì không dũng cảm vượt qua cám dỗ, nhiều em thiếu kiềm chế nên đã tái nghiện. Bởi vậy, hiểu được tác hại dai dẳng của ma túy và tránh xa cạm bẫy đó luôn là giải pháp hữu hiệu nhất.

HỮU LINH

;
;
.
.
.
.
.
.