Trong một số đợt mưa lớn vừa qua, khu vực thượng lưu sông Cu Đê xuất hiện lũ quét làm mực nước sông tại đập dâng Nam Mỹ, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang lên nhanh và bất ngờ, gây ngập một số nhà dân ở thượng lưu đập. Trung tâm Quản lý hạ tầng đô thị Đà Nẵng (Sở Xây dựng) đã rút kinh nghiệm trong vận hành bảo đảm an toàn công trình và vùng thượng lưu đập dâng Nam Mỹ.
Lũ từ thượng nguồn sông Cu Đê đổ về đập dâng Nam Mỹ trong ngày 27-10-2024. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Ngày 27-10, UBND xã Hòa Bắc nhận được phản ánh của một số hộ dân thôn Nam Mỹ về việc điều tiết lũ tại đập dâng Nam Mỹ gây ngập úng, hư hỏng thiết bị, làm chết vật nuôi, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Tại thời điểm khoảng 8 giờ 30 ngày 27-10, do mực nước tại cầu Bưu Điện (thôn Nam Mỹ) lên quá cao, lực lượng xung kích phòng chống thiên tai từ trụ sở UBND xã Hòa Bắc không thể vượt qua để ứng cứu nhân dân tại tổ 2, thôn Nam Mỹ.
Xã đã chỉ đạo lực lượng tại chỗ của thôn Nam Mỹ ở phía bên kia triển khai hỗ trợ ứng cứu tài sản, đưa người dân đi sơ tán. Đến ngày 31-10, UBND xã tiếp tục nhận được đơn khiếu nại tập thể của các hộ dân ở thôn Nam Mỹ bị nước ngập vào nhà do lỗi vận hành của đập dâng Nam Mỹ. UBND xã Hòa Bắc tổ chức buổi làm việc để giải quyết vấn đề này và đại diện Trung tâm Quản lý hạ tầng đô thị Đà Nẵng có nhận một phần trách nhiệm vì lỗi khách quan là lũ về quá nhanh; đồng thời, cam kết không để xảy ra sự việc tượng tự, ảnh hưởng đến người dân. UBND xã Hòa Bắc cũng đề nghị Trung tâm Quản lý hạ tầng đô thị Đà Nẵng chủ động tổ chức rút kinh nghiệm, không để xảy ra trường hợp tương tự về sau.
Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc Thái Văn Hoài Nam cho rằng, trong phạm vi lòng hồ chứa nước trên sông Cu Đê ở phía thượng lưu đập dâng Nam Mỹ (xã Hòa Bắc) có 10 hộ dân thuộc diện giải tỏa, nhưng chậm được bố trí đất tái định cư thực tế đã kéo dài mấy năm nay. Trong đó, có 3 hộ dân có nhà ở, vườn tược bị ngập trong trận lũ quét xảy ra vào ngày 27-10.
Do lũ quét trên thượng nguồn đổ về quá nhanh, các cán bộ, kỹ sư vận hành đập dâng Nam Mỹ đã phải vận hành máy phát điện riêng và kết hợp kéo từng cửa van lên bằng tay, dẫn đến tốc độ kéo cửa van bị chậm hơn so với quy trình vận hành (quy trình vận hành được lập là kéo cửa van thông qua 2 hệ thống điều khiển tự động và kéo bằng điện).
Đến hơn 7 giờ sáng 27-10, tất cả các cửa van đều đã được kéo lên trên mặt nước lũ. Trong khi đó, đỉnh lũ xuất hiện tại đập dâng Nam Mỹ là vào khoảng 11 giờ trưa cùng ngày (thời gian xuất hiện đỉnh lũ quét tại cầu Tà Lang - Giàn Bí là 11 giờ 10 ngày 27-10). Mặt khác, đập dâng Nam Mỹ cũng được thiết kế, xây dựng có cửa tràn ở vai trái đập, nên trong trường hợp lũ quét về quá nhanh thì chảy qua cửa tràn này để bảo đảm an toàn cho công trình và vùng thượng lưu.
Theo tìm hiểu, trận lũ quét xảy ra vào ngày 27-10, mực nước tại đập dâng Nam Mỹ khoảng 11,3m. Còn trong trận lũ quét xảy ra vào ngày 14-10-2022, mực nước tại đập dâng Nam Mỹ là hơn 12m và tràn qua mặt đập. Có thể thấy, lũ quét trên sông Cu Đê làm mực nước dâng cao hơn 10m là xu hướng thường hay xuất hiện trong những năm gần đây, nhất là trong bối cảnh thiên tai cực đoan do biến đổi khí hậu. Vì vậy, các hộ thuộc diện giải tỏa ở trong lòng hồ tương ứng với cao trình mực nước 10m cần sớm di dời đến nơi ở mới.
Bên cạnh đó các đơn vị, địa phương cần rà soát, đo đạc các điểm dân cư, đoạn đường, cơ sở hạ tầng... bị ngập lũ tương ứng với cao trình 11-12m để có giải pháp bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước.
HOÀNG HIỆP