Với sắc cam là màu chủ đạo, những năm qua, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thành phố triển khai nhiều chương trình, hoạt động, mô hình thúc đẩy bình đẳng và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Từ đó, tạo hiệu ứng lan tỏa, huy động sự chung tay của cộng đồng vì mục tiêu xây dựng môi trường an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em.
Cán bộ Công an thành phố tuyên truyền, tập huấn công tác can thiệp, hòa giải các trường hợp bạo lực ở địa phương cho thành viên các CLB về phòng chống bạo lực phụ nữ và trẻ em. Ảnh: X.D |
Nhân ngày Gia đình Việt Nam (28-6) hằng năm, Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới (15-11 đến 15-12), các cấp Hội LHPN thành phố tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng ngừa, ứng phó bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em. Trong đó, chuỗi sự kiện “Sắc cam - Thắp sáng và hành động” là thương hiệu riêng của Hội LHPN thành phố được tổ chức định kỳ để hưởng ứng Tháng hành động với nhiều hoạt động thiết thực và có tính lan tỏa trong cộng đồng. Trưởng ban Tuyên giáo - Chính sách pháp luật, Hội LHPN thành phố Nguyễn Thị Hà Thu cho hay, trong chuỗi sự kiện này, ánh sáng cam được bật liên tục các tối 15-11 đến 15-12 tại cầu Rồng và tòa nhà Hội LHPN thành phố.
Bên cạnh đó, các cấp hội ra quân truyền thông trong sắc cam nhận diện dưới nhiều hình thức như: diễu hành xe đạp, đi bộ, xe buýt, tổ chức tập huấn, ra mắt trạm dừng chân xe buýt an toàn… “Màu cam được sử dụng xuyên suốt trong các hoạt động của hội hưởng ứng Tháng hành động, nhằm truyền đi thông điệp kêu gọi cộng đồng chung tay xóa bỏ bạo lực, vì một thành phố an toàn, không bạo lực với phụ nữ và trẻ em”, bà Thu chia sẻ.
Bên cạnh các chủ trương, chính sách của thành phố về thúc đẩy bình đẳng giới, các cấp hội phụ nữ từ thành phố đến cơ sở có nhiều nỗ lực trong tổ chức các hoạt động truyền thông về bình đẳng giới, tập huấn cung cấp kiến thức, kỹ năng phục vụ công tác phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em. Đặc biệt, xây dựng nhiều mô hình để hội viên tiếp cận, nâng cao năng lực, kiến thức tự bảo vệ mình cũng như chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ, nhằm tránh được các hành vi bạo lực, tiêu biểu như: “Sắc cam - Hãy lên tiếng khi bạn cần”, “Chuyến xe an toàn cùng em đến trường”, “Tổ phản ứng nhanh”, CLB “Chia sẻ và yêu thương”, CLB “Nam giới tiên phong trong phòng ngừa bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái”…
Ông Nguyễn Công Cường, phường Hòa Thuận Đông (quận Hải Châu) chia sẻ: “Những hoạt động truyền thông, tập huấn của hội phụ nữ đã tác động mạnh mẽ đến nhận thức và hành vi của phái mạnh đối với công tác phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Từ đó, ngày càng nhiều nam giới tham gia vào các CLB về phòng, chống bạo lực gia đình, bảo vệ phụ nữ và trẻ em ở địa phương, khu dân cư, góp phần tạo ra môi trường an toàn, bình đẳng và văn minh”.
Nói đến công tác phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, không thể không nói đến phòng, chống bạo lực gia đình. Vì thế, các cấp Hội LHPN thành phố luôn tích cực, chủ động phối hợp các địa phương, đoàn thể ở cơ sở thực hiện công tác tuyên truyền, xây dựng các địa chỉ tin cậy, tổ hòa giải ở khu dân cư, tổ dân phố. Đến nay, toàn thành phố có gần 400 mô hình địa chỉ tin cậy, “nhà tạm lánh”, làm nơi trú ẩn khẩn cấp, an toàn cho nạn nhân của bạo lực giới.
Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Minh Phạm Tiến Thành cho biết, từ năm 2022, địa phương xây dựng mô hình địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh, nhằm thực hiện chức năng bảo vệ an toàn, chăm sóc sức khỏe, tâm lý cho người bị bạo lực và can thiệp, xử lý người gây ra bạo lực. Nhờ có mô hình này, số vụ bạo lực giảm dần qua các năm và không có vụ việc mang tính chất nghiêm trọng. Ngoài ra, địa phương luôn quan tâm tuyên truyền cộng đồng dân cư chấp hành pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; xây dựng đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở nhằm ứng phó kịp thời khi có tình huống bạo lực gia đình xảy ra.
Từ những nỗ lực không ngừng nghỉ, Hội LHPN thành phố đã góp phần đưa Đà Nẵng trở thành thành phố thứ 2 tại Việt Nam được Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) công nhận là thành phố tham gia sáng kiến chủ đạo toàn cầu “Thành phố an toàn và không gian công cộng an toàn”. Điều này khẳng định vị thế tổ chức tiên phong của Hội LHPN thành phố trong hành động vì hạnh phúc và bình đẳng; đồng thời thể hiện quyết tâm và cam kết mạnh mẽ của Đà Nẵng trong xây dựng thành phố an toàn - không bạo lực với phụ nữ và trẻ em.
Phó Chủ tịch Hội LHPN thành phố Lương Thị Đạo nhấn mạnh, hội tiếp tục chủ trì, phối hợp các ngành liên quan hợp tác chặt chẽ với UN Women trong quá trình triển khai các hoạt động trong khuôn khổ sáng kiến chủ đạo toàn cầu trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, phát huy những kết quả đạt được, triển khai đồng bộ các giải pháp theo tinh thần Chỉ thị số 39-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về xây dựng thành phố an toàn - không bạo lực với phụ nữ và trẻ em và Đề án 1006 của UBND thành phố thực hiện nội dung chỉ thị này. Ngoài ra, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ tham gia bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần thu hẹp khoảng cách về giới.
THIÊN DUYÊN