Tập trung ứng phó mưa lớn, ngập nước đô thị

.

Trong ngày 5-11, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã có mưa rất to và tập trung từ 3-8 giờ sáng gây ngập nước diện rộng trên địa bàn thành phố.

Từ rạng sáng 5-11, nhiều đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố đã khẩn trương triển khai lực lượng, sơ tán nhân dân tại các khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, nhất là khu vực dân cư giáp hồ Ba Sen Vàng (phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu); Khe Cạn (phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê); khu vực bên trong các đường Mẹ Suốt (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu); Hà Thị Thân (phường An Hải Tây, quận Sơn Trà)... Một số khe, suối tại bán đảo Sơn Trà chảy tràn, kéo theo nhiều đất, đá bồi lấp mặt đường và có hiện tượng đá rơi. Mưa lớn gây ngập lụt cục bộ nhiều đoạn đường, khu vực thấp trũng trên địa bàn huyện Hòa Vang, đặc biệt là xuất hiện lũ quét trên thượng nguồn sông Cu Đê gây ngập đường bê-tông nông thôn tại 2 thôn Nam Yên và Lộc Mỹ thuộc xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang).

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hải Vân hỗ trợ người dân di dời đến nơi an toàn. Ảnh: LAM PHƯƠNG
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hải Vân hỗ trợ người dân di dời đến nơi an toàn. Ảnh: LAM PHƯƠNG

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh kiểm tra tình hình mưa lớn

Sáng 5-11, đến kiểm tra tình hình mưa lớn, ngập úng, sạt lở một số khu vực trên địa bàn huyện Hòa Vang; kiểm tra đập dâng Nam Mỹ (xã Hòa Bắc), Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố đề nghị Sở Xây dựng chỉ đạo Trung tâm Quản lý hạ tầng đô thị Đà Nẵng vận hành công trình hồ chứa Nam Mỹ theo đúng quy trình, bảo đảm an toàn công trình đập và các công trình có liên quan theo chỉ tiêu phòng lũ, an toàn tính mạng của người dân hạ lưu đập, an toàn cấp nước cho thành phố. Còn đối với một số điểm có nguy cơ sạt lở đoạn qua đèo La Ngà, hồ Hố Dư, đường ĐT 601, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố giao UBND huyện Hòa Vang, UBND xã Hòa Bắc và UBND xã Hòa Nhơn tăng cường giám sát, kiểm tra các vị trí xung yếu có nguy cơ sạt lở, kịp thời phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan đề xuất phương án xử lý khẩn cấp (nếu có); đồng thời chủ động vận động, di dời, sơ tán người dân đến khu vực an toàn, các điểm sơ tán tập trung đã bố trí. PV

Lực lượng vũ trang thành phố triển khai hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ có mặt tại các khu vực ngập sâu để hỗ trợ, giúp đỡ và di chuyển người dân đến nơi an toàn. Theo Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, từ đêm 4-11 đến sáng 5-11, lực lượng vũ trang thành phố có mặt tại các điểm xung yếu, thấp trũng giúp người dân di dời đồ đạc lên vị trí cao hơn, đưa người bị bệnh đến trung tâm y tế cấp cứu, khơi thông cống rãnh, dòng chảy các tuyến đường. Đồng thời, túc trực tại các tuyến đường để bảo đảm trật tự an toàn giao thông, hỗ trợ người và phương tiện gặp nạn trong mưa, lụt.

Trong khi đó, Công an thành phố huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ có mặt khắp các khu vực thấp trũng để hỗ trợ sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Công an 56 phường, xã bám địa bàn cơ sở, những vùng trũng thấp hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân di chuyển tài sản và người đến nơi an toàn. Đặc biệt, lực lượng Cảnh sát giao thông kịp thời hướng dẫn, phân luồng giao thông để người dân đi lại an toàn.

Giá rau, củ ở chợ tăng nhẹ

Sáng 5-11, ghi nhận tại các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố, lượng người đến chợ giảm so với ngày trước do mưa lớn, giá một số loại rau xanh tăng nhẹ. Tuy nhiên, theo dự báo của các tiểu thương và ban quản lý chợ, nếu thời tiết tiếp tục diễn biến xấu thì khả năng giá rau xanh sẽ tăng cao trong những ngày tới. Tại chợ Đống Đa (quận Hải Châu), giá rau xanh như rau lang, rau muống, mồng tơi dao động từ 10.000 -15.000 đồng/bó; cải xanh (cải cay) dao động 13.000-18.000 đồng/bó…, cá biệt rau gia vị tăng mạnh so với thời điểm trước mưa như rau húng lủi từ 50.000-70.000 đồng (tùy thời điểm), nay tăng lên 150.000 đồng/kg. (N.HÀ - M.LY)

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ, từ nay đến chiều 7-11, tại các tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông với tổng lượng mưa phổ biến 70-250mm, có nơi trên 300mm; cần đề phòng có mưa cục bộ cường suất lớn hơn 120mm trong 3 giờ.

Riêng tại Đà Nẵng, từ nay đến ngày 7-11, tại các quận, huyện thuộc thành phố Đà Nẵng có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông với tổng lượng mưa phổ biến 80-180mm, có nơi trên 250mm. Từ chiều tối và đêm 7-11, mưa lớn có xu hướng giảm dần, còn có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to với tổng lượng mưa phổ biến 20-40mm, có nơi trên 60mm. Cần đề phòng xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập úng tại khu vực trũng, thấp và các khu đô thị.

Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng thông báo tạm dừng các hoạt động tham quan bán đảo Sơn Trà, tắm biển và các hoạt động vui chơi giải trí dưới nước từ 7 giờ 30 ngày 5-11 cho đến khi có thông báo mới. UBND quận Sơn Trà đã có văn bản cấm các phương tiện lưu thông lên bán đảo Sơn Trà (trừ xe công vụ) do ảnh hưởng của mưa lớn. Thời gian tạm dừng lưu thông từ 8 giờ ngày 5-11 cho đến khi có thông báo mới.  Sở Giao thông vận tải đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, huy động máy móc, trang thiết bị, khẩn trương tổ chức cào, dọn đất đá tràn xuống mặt đường; huy động nhân lực phát dọn cây cối đổ ra đường, vệ sinh mặt đường, mặt tràn, khơi thông rãnh dọc, cống thoát nước... trên tuyến giao thông lên bán đảo Sơn Trà. (T.LÂN)

Trước dự báo còn mưa lớn trong những ngày tới, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng đề nghị các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện và đơn vị theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai; sẵn sàng triển khai phương án phòng, chống thiên tai; tổ chức thực hiện nghiêm Công văn số 6192/UBND-SNN ngày 2-11-2024 của Chủ tịch UBND thành phố về chủ động ứng phó với mưa lớn trong thời gian tới. UBND các quận, huyện tiếp tục rà soát, chủ động triển khai sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất; phối hợp với các đơn vị liên quan chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm thiết yếu theo phương châm “4 tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó với thiên tai.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, UBND các quận ven biển, Đài Thông tin duyên hải Đà Nẵng và các đơn vị liên quan thông báo kịp thời cho các chủ phương tiện, tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển biết tin không khí lạnh để chủ động phòng tránh. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng chủ động thực hiện việc quản lý tàu thuyền ra khơi; quản lý chặt chẽ và giữ thông tin liên lạc với các tàu thuyền, phương tiện đang hoạt động trên biển và những tàu thuyền nhỏ đang hoạt động ven bờ để kịp thời tổ chức ứng cứu khi cần thiết.

H.HIỆP - L.PHƯƠNG - L.HÙNG - N.QUỐC - X.DŨNG

;
;
.
.
.
.