Cuối năm, chúng tôi về thăm bia chứng tích tội ác Giáng Đông nằm ở thôn Giáng Đông, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang. 126 nạn nhân vô tội của thôn Giáng Đông bị giặc Pháp thảm sát được khắc tên lên bia tưởng niệm. Đây là cơ sở cách mạng kiên trung của ta trong buổi đầu kháng chiến khó khăn. Với ý nghĩa lịch sử quan trọng này, ngày 7-8-2010, di tích được UBND thành phố công nhận là di tích lịch sử cấp thành phố.
Nhà bia chứng tích tội ác Giáng Đông ở thôn Giáng Đông, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang. Ảnh: Đ.G.H |
Theo lịch sử địa phương, trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, nhằm thực hiện âm mưu tiêu diệt lực lượng, phá hoại phong trào kháng chiến của ta, đồng thời nhằm xây dựng một vành đai sắt ở ngoại ô phía nam bảo vệ khu căn cứ Đà Nẵng, thực dân Pháp đã thiết lập ở đây một hệ thống đồn bốt dày đặc trên các trục đường chính hoặc gần khu căn cứ, thôn xóm.
Tại khu vực trọng điểm, nay là địa phận thuộc các xã Hòa Châu, Hòa Phước, Hòa Tiến (huyện Hòa Vang) và phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ), thực dân Pháp thiết lập hệ thống gồm 9 đồn bốt, lô cốt với một lực lượng quân sự mạnh và cơ động khống chế toàn bộ khu vực này. Trực tiếp khống chế khu vực Hòa Châu, Hòa Phước, Hòa Tiến là hai đồn Quá Giáng và đồn Lệ Sơn cách nhau khoảng 4km.
Hai đồn này liên lạc, tiếp tế cho nhau một tháng bốn lần bằng xe tải quân sự; đồ tiếp tế chủ yếu là lương thực và quân trang, quân dụng bằng con đường cái Hà Thanh (nay là đường tỉnh lộ 605) chạy qua thôn Hà Thanh (nay là thôn Hà Đông, xã Điện Hòa, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) cách thôn Giáng Đông khoảng gần 200m.
Du kích địa phương phối hợp cùng nhân dân nắm bắt quy luật vận động tiếp tế của địch, những đêm trăng sáng, ta huy động quần chúng nhân dân trong thôn Giáng Đông và thôn Hà Thanh cùng du kích ra đào phá con đường này khiến cho chúng liên lạc, tiếp tế với nhau rất khó khăn. Mỗi lần ta phá đi, chúng lại cưỡng bức nhân dân địa phương ra đào đắp lại đường, thông tuyến cho chúng tiếp tế.
Vào ngày 12-6-1948 (tức ngày mồng 6 tháng 5 âm lịch), địch cho quân đi càn, phát hiện đường Hà Thanh bị nhân dân ta đào phá mất một đoạn lớn, chúng điên cuồng cực độ. Địch huy động quân từ cả hai đồn Lệ Sơn và Quá Giáng hành quân đến thôn Hà Thanh và Giáng Đông nhằm khủng bố nhân dân ta.
Nghe tin địch hành quân đến thôn, một bộ phận dân chúng chủ yếu là thanh niên và trai tráng di tản, những người ở lại chủ yếu là phụ nữ, người già và trẻ em. Khoảng 10 giờ sáng hôm đó, 2 cánh quân từ 2 đồn của địch càn đến thôn Giáng Đông và Hà Thanh, chúng cho bọn tề ngụy đi kêu gọi, một mặt chia nhau đi lùng sục bắt bớ nhân dân trong cả hai thôn Giáng Đông và Hà Thanh rồi đưa những người chúng bắt được tới mạch Cửu Nhung (mạch nước lớn trước nhà ông Cửu phẩm tên Nhung thuộc thôn Hà Đông, xã Điện Hòa, cách đường 605 hiện nay khoảng 100m).
Khoảng 13 giờ chiều, tại mạch nước này, chúng cho bố trí súng tự động liên thanh xung quanh rồi tổ chức cho nhân dân kiểm điểm. Chúng cho mọi người ngồi thành hàng, khi đã khủng bố tinh thần nhân dân xong, chúng lừa dối rằng “quan lớn đã hiểu, cho mọi người về”, khi mọi người đứng lên ra về thì chúng bất ngờ xả súng dữ dội làm nhân dân trở tay không kịp, không người nào có thể tháo thân chạy thoát trước thủ đoạn tàn ác, đê hèn của chúng, chỉ có một số ít những em bé, người trẻ tuổi, được cha mẹ bồng bế, che đạn thì thoát chết.
Chưa dừng lại ở đó, chúng tiếp tục thực hiện một thủ đoạn vô cùng tàn ác khác, đó là sau khi tàn sát đồng bào ta ở mạch Cửu Nhung, chúng rút quân về đồn để đồng bào di tản quay về nhà nhưng đến cuối giờ chiều hôm đó, chúng quay trở lại thôn lùng giết và đốt sạch nhà cửa nhằm triệt hạ thôn Giáng Đông.
Có gia đình bị thực dân Pháp giết sạch không còn một ai. Khi tình hình lắng dịu, đồng bào di tản đã quay về thôn, cấp ủy và chính quyền của ta chỉ đạo lực lượng vũ trang địa phương và nhân dân trong cả hai thôn nhanh chóng an táng cho các nạn nhân. Sau này, trong kháng chiến chống Mỹ, đồng bào thôn Giáng Đông đã lập một bia nhỏ ngay tại địa điểm di tích hiện nay để tưởng niệm các nạn nhân của vụ thảm sát và lấy ngày mồng 5 tháng 5 âm lịch nhằm ngày Tết Đoan Ngọ làm lễ truy điệu thường niên.
ĐOÀN GIA HUY