Những năm gần đây, có xu hướng xảy ra đa thiên tai trong và sau một trận bão hoặc áp thấp nhiệt đới như: dông lốc (lốc xoáy), mưa lớn, sạt lở đất, lũ, lũ quét... Trước tình hình đó, thành phố Đà Nẵng đã chuẩn bị phương án ứng phó đa thiên tai với cường độ mạnh.
Lực lượng chức năng sơ tán nhân dân ra khỏi khu vực bị ngập sâu ở dọc tuyến cống từ Sân bay Đà Nẵng ra đường Trưng Nữ Vương trong đợt mưa lớn ngày 5-11-2024. Ảnh: NAM TRÂN |
Tại miền Trung nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng, các loại hình thiên tai xảy ra trong một trận (đa thiên tai) thường xuyên xuất hiện trong những năm gần đây. Mới đây do ảnh hưởng của bão số 6, ngày 27-10, trên địa bàn đã xảy ra mưa lớn và lũ quét trên sông Cu Đê, sạt lở đất, đá xuống đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Hòa Liên... Đặc biệt, vào sáng sớm 27-10, khi tâm bão đang ở cách Đà Nẵng khoảng 120km về phía đông bắc, đã xảy ra lốc xoáy ở một số khu vực trên địa bàn thành phố với sức gió đo được tại trạm Bà Nà cấp 6, giật cấp 13, gây tốc mái nhiều nhà dân ở các xã thuộc huyện Hòa Vang.
Chủ tịch UBND xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang) Nguyễn Văn Bửu cho biết: “Lúc đó vào khoảng 5 giờ sáng 27-10, gió giật rất mạnh, kéo dài khoảng 15 phút, làm 19 ngôi nhà trên địa bàn xã Hòa Phú bị tốc mái và một ít diện tích rừng trồng bị gãy, ngã đổ. Bên cạnh gió bão, xã Hòa Phú là địa bàn thường hay bị ảnh hưởng bởi các loại hình thiên tai như: mưa lớn, lũ, lũ quét (sông Túy Loan và sông Luông Đông), sạt lở đất, đá... Xã triển khai công tác phòng, chống đa thiên tai theo phương án đã xây dựng nhằm giảm thiểu thấp nhất các thiệt hại”.
Để ứng phó với đa thiên tai, vào đầu mưa mưa bão năm nay, phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà) tổ chức diễn tập điểm cấp quận về triển khai phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024 với tình huống giả định có bão mạnh đổ bộ với sức gió cấp 13-14, giật cấp 17 nhằm nâng cao năng lực và rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, chỉ huy, điều hành ứng phó với thiên tai hiệu quả.
Tiếp đó, quận Sơn Trà tổ chức diễn tập phòng thủ dân sự với tình huống ứng phó siêu bão đổ bộ, không chỉ tập trung ứng phó với gió bão rất mạnh, mà còn ứng phó với nguy cơ bị ngập nước trong đô thị; lũ quét và sạt lở đất ở bán đảo Sơn Trà. Đồng thời, triển khai phương án hướng dẫn, di chuyển tàu thuyền vào bờ, âu thuyền để tránh, trú bão an toàn và tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển...
Là địa bàn thường xảy ra nhiều loại hình thiên tai, trong công tác chỉ đạo ứng phó với thiên tai, huyện Hòa Vang đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị triển khai ứng phó nhiều loại hình thiên tai nhất là mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất… Trong đó, huyện triển khai sơ tán nhân dân tại các khu dân cư ở những vùng trũng, thấp, ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét…
UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành phương án phòng, chống và khắc phục hậu quả ứng với một số kịch bản thiên tai năm 2024 với 7 kịch bản thiên tai gồm: bão và bão mạnh (có sức gió mạnh nhất từ cấp 8-11); bão rất mạnh và siêu bão (gió từ cấp 12 trở lên); lũ; lũ quét, sạt lở đất; mưa lớn gây ngập lụt đô thị; vỡ hồ chứa nước; sóng thần.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Đăng Huy, kiêm Phó Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng cho rằng, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình hình thiên tai diễn biến ngày gia tăng về cường độ, tần suất và quy luật càng phức tạp. Đặc biệt là các loại hình thiên tai xảy ra trong một đợt mưa lớn hoặc bão, áp thấp nhiệt đới, thậm chí có xu hướng xảy ra dồn dập, chồng nhau, điển hình là các đợt mưa lớn gây ngập nước trên diện rộng trong đô thị và lũ, lũ quét, sạt lở đất, đá..., gây nhiều thiệt hại cho thành phố. Trước tình hình đó, công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, thích ứng với biến đổi khí hậu đã được cả hệ thống chính trị thành phố quan tâm, xem là công tác trọng tâm và thường xuyên.
Thành phố luôn tăng cường chỉ đạo thực hiện rà soát công tác phòng chống, ứng phó với thiên tai, cập nhật liên tục các các kịch bản ứng phó tương ứng với từng loại hình, cấp độ thiên tai và phù hợp với điều kiện của địa phương. Các nhiệm vụ phòng, chống thiên tai đã từng bước được lồng ghép vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương và các tổ chức trong, người nước, thành phố đã tổ chức triển khai thực hiện nhiều hoạt động về phòng ngừa, ứng phó, giảm nhẹ rủi ro thiên tai như: xây dựng các công trình phòng chống thiên tai; tập huấn, diễn tập nâng cao năng lực, khả năng ứng phó thiên tai; lập các chương trình, kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai, trong đó có phương án ứng phó đa thiên tai với cường độ lớn...
Trước và trong mỗi trận thiên tai, thành phố Đà Nẵng luôn chỉ đạo rà soát, kiểm tra, triển khai ứng phó với nhiều loại hình thiên tai cùng xảy ra như gió giật mạnh, mưa lớn, ngập lụt, lũ, lũ quét, sạt lở đất, đá..., góp phần rất lớn trong việc chủ động ứng phó và giảm thiểu thiệt hại do các loại hình thiên tai gây ra.
HOÀNG HIỆP