Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố vừa công bố quyết định thành lập và ra mắt nghiệp đoàn Hướng dẫn viên du lịch thành phố Đà Nẵng. Đây là kết quả mà Công đoàn thành phố đã nỗ lực tuyên truyền, vận động kết nạp đoàn viên nhằm bảo vệ và chăm lo cho người lao động khu vực phi chính thức.
Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Lê Văn Đại (thứ 2, bên phải sang) trao quyết định thành lập nghiệp đoàn cơ sở Hướng dẫn viên du lịch thành phố Đà Nẵng. Ảnh: ĐẠT NGUYỄN |
Ngày 15-11, LĐLĐ thành phố tổ chức công bố quyết định thành lập nghiệp đoàn Hướng dẫn viên du lịch thành phố Đà Nẵng. Đây là lần đầu tiên nghề hướng dẫn viên du lịch ở thành phố có nghiệp đoàn làm tổ chức đại diện với 111 đoàn viên. Ban Chấp hành nghiệp đoàn gồm 5 anh, chị là những hướng dẫn viên có uy tín, được tập thể tín nhiệm, trong đó anh Đinh Viết Văn Hải được cử làm Chủ tịch nghiệp đoàn.
Anh Hải cho biết, 111 đoàn viên là hướng dẫn viên này viết đơn tự nguyện gia nhập tổ chức Công đoàn, qua hình thức bằng đơn hoặc soạn theo form - thông tin biểu mẫu của LĐLĐ thành phố. Đây là kết quả sau gần 2 tháng nỗ lực của LĐLĐ thành phố khi chủ động gặp gỡ, tuyên truyền, vận động trực tiếp với Chi hội Hướng dẫn viên du lịch thành phố Đà Nẵng và các anh, chị, em làm hướng dẫn viên du lịch.
“Sau khi được thông tin, chia sẻ những nội dung, kiến thức về pháp luật Công đoàn cũng như chính sách, chủ trương phúc lợi và lợi ích thiết thực dành cho người lao động, cụ thể là ngành nghề hướng dẫn viên du lịch khi gia nhập tổ chức Công đoàn từ các anh chị ở LĐLĐ thành phố, nhiều bạn hướng dẫn viên rất nhiệt tình tự nguyện tham gia tổ chức. Tôi mong muốn thời gian tới con số này sẽ tăng lên, nghiệp đoàn mạnh hơn”, anh Hải nói.
Tại buổi ra mắt, LĐLĐ thành phố hỗ trợ Ban Chấp hành nghiệp đoàn cơ sở Hướng dẫn viên du lịch thành phố Đà Nẵng 5 triệu đồng kinh phí ban đầu để hoạt động và tặng 20 suất hỗ trợ gửi đến đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời, LĐLĐ thành phố tổ chức tuyên truyền về chính sách, pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội tự nguyện cho đoàn viên nghiệp đoàn.
Anh Nguyễn Văn Tài, đoàn viên nghiệp đoàn chia sẻ: “Hướng dẫn viên du lịch là nghề có mức thu nhập khá cao. Tuy nhiên, vẫn còn không ít hướng dẫn viên có thu nhập không ổn định, chưa được hưởng đầy đủ các chế độ phúc lợi, an sinh xã hội. Vào nghiệp đoàn, chúng tôi được tiếp cận các chính sách đặc thù của thành phố, nhất là trong lĩnh vực du lịch, cuộc sống chắc chắn sẽ cải thiện”. Dù vừa mới thành lập nhưng những đoàn viên nghiệp đoàn khó khăn như anh Tài vẫn được thụ hưởng các chương trình chăm lo Tết Ất Tỵ 2025 do Công đoàn thành phố tổ chức sắp đến như: hành trình Tết Công đoàn, đưa đoàn viên, người lao động về quê ăn Tết; tham gia các phiên chợ Tết Công đoàn, hay đăng ký thuê nhà ở xã hội.
Ông Lê Văn Đại, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố cho biết, tăng cường tập hợp lao động phi chính thức vào nghiệp đoàn là điểm sáng trong hoạt động Công đoàn của thành phố trong năm 2024, nhất là trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh, khiến người lao động bị mất việc, giãn việc. Theo thống kê, toàn thành phố có hơn 300.000 lao động đang làm việc trong khu vực phi chính thức.
Trong bối cảnh ấy, LĐLĐ thành phố đã nỗ lực để thành lập được nhiều nghiệp đoàn ở khu vực phi chính thức này. Đó là nghiệp đoàn các lớp mầm non độc lập tại địa bàn các quận, huyện của thành phố; ra mắt nghiệp đoàn Lái xe công nghệ Grab thành phố Đà Nẵng và đến nay là nghiệp đoàn Hướng dẫn viên du lịch thành phố Đà Nẵng, nâng số đoàn viên trong các nghiệp đoàn lên gần 2.000 đoàn viên.
Được LĐLĐ thành phố tuyên truyền, vận động, ngày 10-7, nghiệp đoàn Lái xe công nghệ Grab đã ra đời với 184 đoàn viên. Không chỉ tư vấn pháp luật cho đoàn viên, LĐLĐ thành phố còn hỗ trợ 5 triệu đồng kinh phí ban đầu để nghiệp đoàn hoạt động; tặng 50 suất quà trị giá 500.000 đồng/suất và 184 thẻ bảo hiểm tai nạn cho đoàn viên khó khăn. Thấy được lợi ích của nghiệp đoàn, nhiều tài xế chạy xe công nghệ đã làm đơn xin gia nhập. Hơn 4 tháng gia nhập nghiệp đoàn, bà Võ Thị Thu Sương, Chủ tịch nghiệp đoàn Lái xe công nghệ Grab Đà Nẵng, cho biết mình và đồng nghiệp ngày càng an tâm vì biết có tổ chức Công đoàn đồng hành.
Theo ông Lê Văn Đại, vào nghiệp đoàn, người lao động được đối xử bình đẳng trong chính sách việc làm, điều kiện làm việc, tiền lương; được hỗ trợ tổ chức đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể với những điều khoản có lợi, cao hơn quy định của pháp luật.
ĐẠT NGUYỄN