ĐNO - Chiều 3-12, tại lễ vinh danh và trao giải thưởng thành phố thông minh Việt Nam năm 2024, Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) đã trao giải thưởng “Thành phố quản lý môi trường thông minh, xanh, sạch” cho Đà Nẵng.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đặng Quang Vinh (giữa) nhận giải thưởng “Thành phố quản lý môi trường thông minh, xanh, sạch”. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Theo đó, ban tổ chức giải thưởng đã đánh giá cao thành phố Đà Nẵng đoạt giải thưởng này lần thứ 3 (năm 2021, 2023 và 2024), thể hiện sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của các cấp lãnh đạo, sự chủ động của các sở, ban, ngành, địa phương và sự hỗ trợ tích cực của các bộ, ngành Trung ương cùng các tổ chức, địa phương trong và ngoài nước. Đặc biệt, là sự chung tay của người dân, du khách, nhằm xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố môi trường, hướng đến đô thị sinh thái.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đặng Quang Vinh, cho biết, Đà Nẵng tiếp tục được vinh danh ở lĩnh vực “Thành phố quản lý môi trường thông minh, xanh, sạch” lần thứ 3 từ những kết quả điển hình như: thành phố đã thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình xe rác và hệ thống camera trên xe rác để theo dõi, giám sát chất lượng hoạt động thu gom rác; xây dựng hệ thống camera giám sát và nhận dạng tự động tại khu vực âu thuyền Thọ Quang để phát hiện, quản lý thuyền ra, vào âu thuyền cũng như kịp thời phát hiện, xử lý hành vi xả chất thải trái quy định; triển khai xây dựng kho tư liệu ngành Tài nguyên và Môi trường; kết nối, tích hợp dữ liệu môi trường về trung tâm IOC của thành phố...
Thành phố cũng xây dựng phân hệ quản lý giám sát việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên phần mềm cơ sở dữ liệu và quản lý nhà nước chuyên ngành Tài nguyên và Môi trường; 100% dịch vụ công trực tuyến đã được đăng ký và triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; thực hiện số hoá dữ liệu điểm xả thải ven biển trên nền GIS,…
Năm 2024, thành phố tiếp tục triển khai dự án Xây dựng hệ thống thông tin kho lưu trữ ngành Tài nguyên và Môi trường; ban hành quy trình thí điểm liên thông giải quyết một số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Tài nguyên và Môi trường với 4 quy trình gồm: quy trình liên thông giải quyết thủ tục thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, thủ tục cấp giấy phép nhận chìm ở biển và thủ tục giao khu vực biển để nhận chìm trên biển; quy trình liên thông giải quyết thủ tục cấp giấy phép nhận chìm ở biển và thủ tục giao khu vực biển để nhận chìm trên biển; quy trình liên thông giải quyết thủ tục sửa đổi, bổ sung giấy phép nhận chìm ở biển và thủ tục sửa đổi, bổ sung quyết định giao khu vực biển để nhận chìm trên biển; quy trình liên thông giải quyết thủ tục gia hạn giấy phép nhận chìm ở biển và thủ tục gia hạn quyết định giao khu vực biển để nhận chìm trên biển.
Việc xây dựng các quy trình liên thông nêu trên, đã giảm tổng cộng được 301 ngày làm việc so với tổng số thực hiện thủ tục so với quy định thông thường; qua đó tiết kiệm thời gian đối với các tổ chức, cá nhân và các cơ quan quản lý; tạo đòn bẩy thúc đẩy thực hiện chính sách “3 giảm” trong cải cách thủ tục hành chính của Sở Tài nguyên và Môi trường (giảm thủ tục, giảm thời gian, giảm chi phí cho nhà đầu tư).
Thành phố Đà Nẵng nhiều lần nhận giải thưởng này. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Hiện nay, các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố và Khu Công nghệ cao Đà Nẵng đều có hệ thống xử lý nước thải tập trung với công suất xử lý 33.700 m3/ngày và đã được lắp đặt trạm quan trắc nước thải tự động, liên tục và kết nối dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường.
Thành phố cũng tổ chức Giải Báo chí “Thành phố môi trường” thường niên nhằm ghi nhận và cổ vũ động viên các cá nhân, đơn vị tham gia vào việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách quan trọng của thành phố về bảo vệ môi trường; nâng cao nhận thức trong cộng đồng, vận động, khuyến khích toàn thể nhân dân chung tay xây dựng thành phố môi trường.
Đồng thời, phát động phong trào viết về gương người tốt, việc tốt, lan tỏa những thông điệp, hành động đẹp, những mô hình, sáng kiến hay trong thực hiện bảo vệ môi trường; các bài viết đấu tranh, phản bác các thông tin xấu, độc liên quan đến công tác bảo vệ môi trường tại thành phố Đà Nẵng. Qua đó, góp phần đẩy mạnh công tác truyền thông hình ảnh thành phố môi trường.
Thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường kết nối, hợp tác với các đô thị thông minh trong và ngoài nước, tiêu biểu như: Nhật Bản, Hàn Quốc cùng các nước có nhiều nhà đầu tư tại Đà Nẵng. Qua đó, thành phố học tập kinh nghiệm, ứng dụng những mô hình đã được thực hiện thành công, khả thi, nhằm góp phần thực hiện tốt Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030, đáp ứng với định hướng đô thị sinh thái.
HOÀNG HIỆP