Đất quê ta mênh mông

.

Chiến tranh đã đi qua đến nay tròn nửa thế kỷ, nhưng ký ức về những năm tháng hào hùng đó của cả dân tộc Việt Nam, về sự gắn bó máu thịt giữa quân và dân đã đồng tâm, hiệp sức đấu tranh chống Mỹ giải phóng quê hương, thống nhất Tổ quốc vẫn còn âm vang trong lòng mọi người. Được sống và chứng kiến trong những ngày mưa bom, bão đạn, giặc cày đi xới lại những vùng đất khô cằn, nghèo khó mà lòng dân với cách mạng vững chãi như dải Trường Sơn, tôi càng cảm nhận cái “tình đồng chí, nghĩa đồng bào” nó giản dị đến mức như “câu chuyện thường ngày” trong cuộc sống nhưng lớn lao, vĩ đại biết bao nhiêu.

Vào những năm 1968 - 1969, vùng đông của huyện Thăng Bình và Duy Xuyên (Quảng Nam) là các xã: Bình Dương, Bình Đào, Bình Phục hay Xuyên Thọ, Xuyên Nghĩa, Xuyên Phước…vốn là vùng giải phóng của ta lâu nay. Đây cũng được xem là cái nôi của cách mạng, nơi đứng chân của nhiều cơ quan và các đơn vị vũ trang của ta, trong đó có thị xã Hội An. Vì hầu hết các xã vùng ven của Hội An bị địch kiểm soát nên buộc phải dựa vào các xã vùng đông của hai huyện để bảo toàn lực lượng và tổ chức các đội công tác đi vào nội thị gây dựng phong trào cách mạng và tiến hành các trấn đánh lớn theo chỉ đạo của cấp trên.

Sau chiến dịch tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, địch điên cuồng đánh phá các vùng giải phóng của ta. Hằng ngày, địch thường xuyên nã đại bác từ các căn cứ như Tuần Dưỡng, Cấm Dơi, Bồ Bồ hay chi khu quân sự Hiếu Nhơn ở Hội An xuống các địa phương này. Đặc biệt là pháo từ tàu Mỹ neo ở ngoài vùng biển Cù Lao Chàm đêm đêm bắn vào thì không sao kể xiết. Không những vậy, ngoài các trận càn quét khốc liệt thì trên trời máy bay tàu rà quần đảo liên tục.

Thi thoảng có các máy bay tàu gáo từ Chu Lai lượn ra bất cứ lúc nào, nhất là khi máy bay trinh sát địch phát hiện có người di chuyển trên những vùng cát trắng để tấn công hoặc bắt sống cán bộ, bộ đội ta. Nhưng vượt qua tất cả sự khốc liệt của chiến tranh, những người dân còn bám trụ lại ở những địa phương này vẫn kiên trung với cách mạng, dành cả sức lực và của cải cho cách mạng.

Hồi đó, đơn vị Giao bưu thị xã Hội An của tôi đóng chân ở xã Xuyên Thọ, từ chợ Nồi Rang đi vào chừng 800m. Lán trại bằng lá dừa dựng trên lòng con mương khi mùa mưa lớn mới có nước chảy qua. Hai bên là dương liễu phủ kín lán trại. Chiếc hầm tránh bom đạn làm theo kiểu mái nhà có thể chứa được vài chục người. Nhưng khi có giặc đi càn thì lán trại bỏ hoang và tất cả anh chị em trong đơn vị đều tản vào nhà dân để trú ẩn hoặc xuống các hầm bí mật do dân làm để trốn giặc.

Đây có lẽ là câu chuyện thú vị về những căn hầm bí mật của người dân vùng đông Thăng Bình và Duy Xuyên mà tôi muốn nói đến trong câu chuyện này. Câu chuyện về những căn hầm bí mật, về lòng dân của vùng đất đầy nắng, đầy cát trắng, đầy khó khăn, gian khổ, đầy đạm bom của kẻ thù trút xuống trong những năm chiến tranh chống Mỹ vô cùng khốc liệt đối với cách mạng.

Nếu tôi không nhầm thì chỉ riêng vùng đất mênh mông cát trắng và dương liễu bạt ngàn cùng với những khóm rừng cây xen lẫn gai xương rồng quanh co của 6 xã vùng đông Thăng Bình và Duy Xuyên trong những năm đó nhân dân đã dày công đào đắp và ngụy trang vô cùng khéo léo đến hàng ngàn, hàng vạn căn hầm bí mật khác nhau. Hầu hết các hầm bí mật đó ngưởi dân ít dùng mà chủ yếu để dành cho cán bộ, bộ đội của ta đóng chân trên địa bàn hay một số cán bộ trong những chuyến đến công tác mà bất ngờ có địch tiến hành càn quét có nơi ẩn nấp.

Vì các cơ quan dân chính, các đơn vị bộ đội địa phương và chủ lực của ta không đóng riêng mà dựa vào nhà dân là chính. Khi có cán bộ ở trên tỉnh hay các địa phương bạn về công tác, nếu có địch càn quét thì người dân liền thu xếp đưa ra các hầm bí mật trú ẩn và theo dõi tình hình địch như thế nào để lo cơm nước chu đáo hoặc ra tín hiệu báo an toàn để ra khỏi hầm bí mật.

Như tôi từng biết, các trạm dân y T1 và T2 của Ban dân y thị xã Hội An đứng chân trên vùng đất của xã Xuyên Thọ (huyện Duy Xuyên) và xã Bình Dương (huyện Thăng Bình) thường xuyên điều trị cho hàng chục thương bệnh binh từ nhẹ đến nặng. Thương bệnh binh từ một đến ba bốn người trong mỗi nhà dân. Hằng ngày các y sĩ, hộ lý đến từng nhà để chăm sóc, rửa vết thương. Khi có tin địch càn quét, cán bộ của trạm đến tận nhà cùng với bà con đưa thương bệnh binh ra hầm bí mật trú ẩn. Những chiếc hầm mà dân làm dành cho thương bệnh binh, nhất là các ca bệnh nặng thì rất đặc biệt. Đó là nắp hầm chui xuống phải rộng hơn, căn hầm phải thoáng hơn chút và có nhiều lỗ thông hơi. Khi đưa thương bệnh binh xuống hầm bí mật là cả một vấn đề, vì nếu bó bột nhiều các anh phải chịu đau đớn và cách đưa xuống hầm cũng vô cùng vất vả. Rồi bà con phải giúp lo canh giới địch, lo cơm nước hộ nếu địch đóng quân ở gần khu vực trú ẩn phải ở dưới hầm cả ngày đêm…

Tôi còn nhớ, trong một lần vào đầu tháng 2 -1969, vào sáng sớm trên đường công tác từ Xuyên Tân trở về Xuyên Thọ, nơi đơn vị đóng quân, thì bất ngờ có địch đổ bộ bằng máy bay trực thăng giữa nổng cát Xuyên Nghĩa để tiến hành chiến dịch càn quét chớp nhoáng. Bí thế, tôi chạy vào một nhà dân gần bờ sông Trường Giang, thì được bác gái chủ nhà dẫn ngay ra cuối vườn nhà có lùm cây gai to tướng, đi vòng vèo chừng 10 mét thì dừng lại. Nhìn một lúc, bác gái bước tới đống lá khô lấy tay bới nhẹ ra rồi dỡ lên chiếc nắp hầm vừa người chui xuống. Bác gái nói cháu chui xuống đi bác ngụy trang cho nhanh, khi nào an toàn bác sẽ báo tin. Trên mặt đất thi thoảng tiếng súng đại liên bắn liên tục hoặc tiếng đạn đại bác nổ rung chuyển cả căn hầm. Mãi đến chiều bác gái mới ra dỡ nắp hầm báo cho tôi biết địch đã rút quân. Tôi phấn khởi chui lên thở phào sảng khoái, ăn vội củ khoai lang nhà bác nấu rồi tạm biệt để đi về đơn vị.

Sự vô tư của lòng dân đối với cách mạng là vậy đó. Họ trung kiên bám trụ lại vùng đất đã gắn bó từ bao đời nay không chỉ để ở theo nghĩa thông thường, mà hơn thế, vượt qua sự tàn phá khốc liệt bom đạn của kẻ thù để giúp cán bộ và bộ đội ta gây dựng phong trào, tổ chức nuôi quân, đánh giặc.

Họ làm tất cả những công việc có tên trên mặt đất mỗi ngày lẫn những việc không tên dưới lòng đất để che dấu cán bộ, bộ đội trước con mắt của kẻ thù. Đặc biệt là sự tin tưởng lẫn nhau của người dân nơi đây. Kẻ thù không thể nào khai thác được thông tin về những chiếc hầm bí mật nằm khắp nơi khi những cụ già, những bà mẹ, nhưng trẻ em bị chúng bắt khảo tra rất tàn bạo.

Họ chỉ nói với kẻ thù rằng, tôi không biết, các ông giỏi thì đi tìm trên vùng đất mênh mông này đi, còn chúng tôi là những người dân bình thường sinh sống có biết hầm hào bí mật gì đâu mà chỉ có chiếc hầm tránh bom đạn của các ông nằm bên cạnh nhà tôi đó. Chính sự tin yêu đó, lòng quả cảm đó, sự hy sinh vô bờ bến đó của nhân dân…đã tạo nên sức mạnh của Việt Nam để cùng cho đoàn quân cách mạng làm nên chiến thắng vẻ vang, mà ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước là mốc son lịch sử trên chặng đường đấu tranh oai hùng của cả dân tộc do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.

Đúng như nhà thơ Dương Hương Ly, người đã từng gắn bó với vùng đông Duy Xuyên, Thăng Bình trong những năm 1968 - 1969 khốc liệt, từng chứng kiến về những căn hầm bí mật mà nhân dân xây dựng đó, nên trong bài thơ “Đất quê ta mênh mông” anh đã viết:

Đất quê ta mênh mông
Quân thù không xăm hết được
Lòng mẹ rộng vô cùng
Đủ giấu cả sư đoàn dưới đất
Nơi hầm tối lại là nơi sáng nhất
Nơi con nhìn ra sức mạnh Việt Nam.

LÊ MINH HÙNG
Ngày 15-12-2024

;
;
.
.
.
.
.