Để ngư dân yên tâm vươn khơi

.

Nhằm cụ thể hóa quan điểm, định hướng của Chính phủ, thành phố chú trọng thực hiện mục tiêu phát triển khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững. Trong đó, triển khai nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ, phù hợp điều kiện đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nghề cá như đóng mới tàu cá, hỗ trợ đào tạo chuyển đổi ngành nghề khai thác, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong khai thác, bảo quản, chế biến hải sản, trang bị thiết bị hiện đại… Điều này giúp ngư dân có động lực vươn khơi bám biển phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng Tổ quốc.

Ngoài nhận hỗ trợ các chính sách để yên tâm vươn khơi, ngư dân được trang bị kiến thức bảo vệ nguồn lợi hải sản lâu dài và nâng cao ý thức khai thác đúng nơi quy định.  TRONG ẢNH: Bộ đội Biên phòng tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân. Ảnh: HUỲNH VŨ
Ngoài nhận hỗ trợ các chính sách để yên tâm vươn khơi, ngư dân được trang bị kiến thức bảo vệ nguồn lợi hải sản lâu dài và nâng cao ý thức khai thác đúng nơi quy định. TRONG ẢNH: Bộ đội Biên phòng tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân. Ảnh: HUỲNH VŨ

Ngư dân Lê Hữu Thảo (SN 1969, phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê) cho biết, năm 2012, khi đóng mới chiếc tàu công suất 450CV, ông vui mừng được Nhà nước hỗ trợ 400 triệu đồng để trang trải chi phí. Về sau, từ con tàu này  ông quyết định chuyển đổi ngành nghề đánh bắt tại vùng khơi và nâng công suất máy lên 885CV, làm nghề rê tầng nổi. Nhờ vậy, kinh tế gia đình cải thiện hơn trước và giúp nhiều thuyền viên trong khu vực có công việc ổn định.

“Không chỉ nhận sự hỗ trợ từ Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi còn được hỗ trợ chi phí đóng mới tàu thuyền, trang bị các thiết bị hiện đại như pin năng lượng mặt trời, máy giám sát hành trình, bảo hiểm thân tàu 90% và bảo hiểm thuyền viên 100%... Những giải pháp hỗ trợ giúp bớt gánh nặng chi phí, có khoản tiết kiệm chi phí đầu tư cho tàu và quan trọng hơn là yên tâm vươn khơi, là cột mốc sống giữ gìn chủ quyền biển, đảo”, ngư dân Thảo nói.

Tương tự, ngư dân Đặng Văn Cu (SN 1965, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) cho hay, những hỗ trợ của Nhà nước là sự sẻ chia về tinh thần rất lớn để ngư dân cảm thấy không đơn độc trên hành trình rẽ sóng bám biển. Ngoài ra, sự hỗ trợ giúp ngư dân có niềm tin vươn khơi, bảo vệ nguồn lợi hải sản lâu dài và nâng cao ý thức khai thác đúng nơi quy định.

Theo Trưởng phòng Kinh tế quận Thanh Khê Võ Kim Tú, quận có 113 tàu cá, tổng lao động 942 người. Những năm qua, quận thực hiện chính sách hỗ trợ vươn khơi  giúp ngư dân yên tâm bám biển. Ngoài ra, quận đóng mới 21 tàu cá, hỗ trợ mô hình thủy sản pin năng lượng mặt trời, máy nhận dạng… Đồng thời, từ nguồn vốn hỗ trợ của Trung tâm Khuyến ngư nông lâm, hằng năm, quận thực hiện 2 hầm mô hình bảo quản sản phẩm khai thác, 9 máy nhận dạng, 7 pin năng lượng mặt trời cho ngư dân. Song song, quận hỗ trợ ngư dân thực hiện chuyển đổi mô hình nghề cá truyền thống sang nghề cá hiện đại theo hướng chất lượng và an toàn.

Trưởng phòng Kinh tế quận Sơn Trà Nguyễn Thị Kim Minh chia sẻ, những chính sách hỗ trợ vươn khơi góp phần lớn tháo gỡ khó khăn cho ngư dân trong việc trang trải chi phí hoạt động sản xuất đánh bắt thủy, hải sản. Thời gian đến, phòng tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn và thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, để ngư dân nắm bắt kịp thời các chủ trương, chính sách, bảo đảm quyền lợi.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Lưu Quang Khánh nhận định, ngoài các chính sách hỗ trợ như Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg, Nghị định số 67/2014/NĐ-CP và Quyết định số 118/2007/QĐ-TTg, thành phố kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ đặc thù như đóng mới tàu cá khai thác xa bờ, xả bản phương tiện khai thác ven bờ, bảo hiểm thân tàu, thuyền viên, trang thiết bị khai thác, bảo quản sản phẩm, thiết bị giám sát hành trình…

Đến nay, toàn thành phố có 148 tàu cá vùng khơi đóng mới, 584 tàu cá hỗ trợ kinh phí lắp đặt thiết bị máy giám sát hành trình và phí thuê bao năm đầu tiên, 666 lượt tàu hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm thân tàu và 4 tàu cá trang bị máy, thiết bị dùng trong bảo quản sản phẩm trong khai thác hải sản. Đồng thời, hỗ trợ phá dỡ 130 phương tiện khai thác ven bờ và hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho 330 lao động khai thác ven bờ. Qua đó, cơ cấu tàu thuyền của thành phố đang chuyển đổi theo hướng giảm số lượng tàu khai thác ở vùng biển ven bờ và vùng lộng, tăng số lượng tàu cá khai thác ở vùng khơi, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện mục tiêu phát triển thủy sản tại địa phương.

“Bên cạnh đó, cơ cấu nghề khai thác cũng có sự chuyển biến, giảm các nghề khai thác cấm, hủy diệt nguồn lợi thủy sản (lưới kéo đôi, kéo đơn), tăng nghề khai thác vùng khơi có hiệu quả kinh tế và không gây cạn kiệt nguồn lợi thuỷ sản. Đồng thời, công tác khuyến ngư được chú trọng trong thực hiện cơ giới hóa, ứng dụng khoa học công nghệ giúp ngư dân nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm sức lao động trực tiếp cho thuyền viên (trên 85 lượt tàu cá), bảo đảm an toàn cho người và tàu cá (hỗ trợ 747 máy thông tin liên lạc tầm xa) và trang bị 3 trạm bờ phục vụ xây dựng mạng lưới thông tin liên lạc biển”, ông Khánh cho biết.

HUỲNH VŨ

;
;
.
.
.
.
.