Thực hiện Nghị định số 116/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy, các đơn vị, địa phương tăng cường các hoạt động hỗ trợ, đồng hành tiếp thêm niềm tin, động lực cho người đang cai nghiện và sau cai trên hành trình quay về nẻo thiện.
Cơ sở xã hội Bầu Bàng (thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) hiện là cơ sở công lập duy nhất của thành phố thực hiện tiếp nhận cai nghiện chữa bệnh, quản lý giáo dục, dạy nghề cho người nghiện ma túy, người bán dâm; điều trị bệnh cho người nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS.
Giám đốc Cơ sở xã hội Bầu Bàng Phạm Tấn Dũng cho biết, học viên vào cơ sở được cai nghiện theo 5 giai đoạn, gồm: tiếp nhận phân loại, điều trị cắt cơn, giải độc; điều trị các căn bệnh nhiễm trùng cơ hội; giáo dục tư vấn phục hồi hành vi nhân cách; lao động trị liệu, học nghề và phòng chống tái nghiện và chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng. Việc tổ chức điều trị cắt cơn theo phác đồ hướng dẫn của Bộ Y tế, phương pháp châm cứu thuốc nam, kết hợp các liệu pháp tư vấn tâm lý, vật lý trị liệu, xông hơi thải độc giúp học viên nhanh chóng hồi phục sức khỏe, ổn định tinh thần.
Song song điều trị cắt cơn, giải độc, Cơ sở xã hội Bầu Bàng cho học viên học văn hóa, học nghề và tham gia lao động trị liệu 4 giờ/ngày; xem thời sự, phim, đọc sách báo, gọi điện thoại cho gia đình hằng ngày, được thăm gặp gia đình 1 lần/tuần; bố trí sân bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, phòng tập thể hình; bổ sung sách, báo tại thư viện nhằm đáp ứng nhu cầu của học viên.
Trong các ngày lễ, Tết, cơ sở tổ chức giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục - thể thao, thi viết báo tường, vẽ tranh cổ động, trang trí cảnh quan… tạo sân chơi lành mạnh để học viên vui chơi, nâng cao tinh thần trong thời gian cai nghiện. Công tác giáo dục, tư vấn, dạy văn hóa, dạy nghề được cơ sở chú trọng. Trong 9 tháng đầu năm 2024, cơ sở phối hợp Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng mở 6 lớp nghề điện lạnh, điện ô-tô cho 180 học viên; mở 20 lớp chuyên đề giáo dục sức khỏe, pháp luật, kỹ năng phòng tránh tái nghiện cho 378 học viên.
Theo Phòng phòng, chống tệ nạn xã hội, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, nhằm nâng cao tỷ lệ người sau cai có việc làm, ổn định cuộc sống, sở phối hợp các địa phương thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 104/2023-HĐND của HĐND thành phố quy định nội dung, mức chi và chế độ hỗ trợ công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy trên địa bàn thành phố. Hỗ trợ sinh kế, tự học nghề cho người hoàn thành cai nghiện và quản lý sau cai tại cộng đồng mức 10 triệu đồng/người.
Sau khi hoàn thành cai nghiện tập trung, anh B.Q (SN 1996, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) trở về địa phương, quyết tâm làm lại cuộc đời. Vượt qua những mặc cảm, e ngại ban đầu, Q. dần hòa nhập với gia đình, hàng xóm. Để có thu nhập, Q. xin làm việc trong một cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ tại quận Ngũ Hành Sơn. Xét thấy Q. tu chí làm ăn, UBND xã Hòa Nhơn hỗ trợ xe máy trị giá 10 triệu đồng giúp anh có phương tiện đi làm. Tương tự, sau khi kết thúc cai nghiện, chị T.T.M.L (SN 1987, xã Hòa Nhơn) nỗ lực làm lại cuộc đời. Để giúp chị L. có thêm niềm tin trên hành trình quay về nẻo thiện, UBND xã Hòa Nhơn hỗ trợ xe máy làm phương tiện mưu sinh. Trong khi đó, anh H.N.P (SN 1983, xã Hòa Nhơn) được chính quyền địa phương hỗ trợ 10 triệu đồng để học nghề điện lạnh, giúp anh có sớm có việc làm, thu nhập ổn định.
Để giúp người sau cai ổn định cuộc sống, song song hỗ trợ sinh kế, chi phí học nghề, các địa phương phối hợp lực lượng công an cơ sở, hội, đoàn thể theo dõi, hỗ trợ, hướng dẫn các đối tượng sử dụng sinh kế hiệu quả; liên kết giới thiệu việc làm, tạo điều kiện giúp người sau cai nghiện hòa nhập cộng đồng, góp phần giảm tỷ lệ tái nghiện.
LAM PHƯƠNG