Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển các ngành kinh tế trọng điểm của thành phố, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp không ngừng phát triển đội ngũ nhà giáo, xây dựng chương trình đào tạo chất lượng cao, đầu tư cơ sở vật chất, liên kết doanh nghiệp trong đào tạo.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chú trọng phát triển, chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo. TRONG ẢNH: Giảng viên Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng hướng dẫn sinh viên thực hành kỹ thuật hàn. Ảnh: LAM PHƯƠNG |
Chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo
Thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Theo Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng Nguyễn Thanh Thảo, trường hiện có 125 giảng viên, nên nâng cao chất lượng đào tạo, chuẩn hóa đội ngũ giảng viên rất cần thiết. Hằng năm, trường tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, ngoại ngữ, tin học và kỹ năng mềm cho giảng viên.
Với đội ngũ giảng viên dạy các nghề trọng điểm cấp độ quốc tế, khu vực, trường đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm phát triển đội ngũ giảng viên thông qua việc trao đổi chuyên gia, giáo viên dạy nghề giữa các nước trong khu vực và thế giới; mở rộng quan hệ hợp tác với một số nước có nền giáo dục nghề nghiệp phát triển trong khu vực Asean, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức để đưa nhà giáo đi đào tạo hoặc mời chuyên gia nước ngoài về đào tạo. Đồng thời hợp tác nghiên cứu khoa học, trao đổi kinh nghiệm về đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ vào hoạt động giảng dạy.
Trường Cao đẳng Giao thông vận tải Trung ương V là 1 trong những trường cao đẳng công lập được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phê duyệt ngành, nghề trọng điểm giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025. Trường hiện có 149 nhà giáo, trong đó có 5 tiến sĩ, 104 thạc sĩ. Theo thầy Nguyễn Văn Tươi, Hiệu trưởng nhà trường, để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, nhà trường tạo điều kiện để giảng viên tham gia học tập, thực tập tại doanh nghiệp, cơ quan chuyên môn; trải nghiệm thực tế môi trường sản xuất, tạo cơ hội để giảng viên cập nhật kỹ năng, công nghệ mới từ thị trường lao động. Đồng thời, có các chế độ, chính sách khuyến khích giảng viên tự học, phát triển chuyên môn, ứng dụng công nghệ và đổi mới phương pháp giảng dạy, tích cực nghiên cứu khoa học, thiết kế thiết bị dạy học.
Liên quan đến công tác nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thế Tuân cho biết, trong năm 2024, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cử 1.298 lượt nhà giáo, cán bộ quản lý đi đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, chủ động mời chuyên gia về tập huấn phương pháp giảng dạy tích hợp. Hằng năm, sở tổ chức hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp nhằm đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt, khuyến khích, động viên nhà giáo học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, góp phần chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo trên địa bàn thành phố.
Nâng cao chất lượng đào tạo
Xu hướng liên kết doanh nghiệp, đào tạo nghề theo nhu cầu thị trường; tăng thời lượng thực hành, thực tập cho người học đang được các cơ sở giáo dục nghề nghiệp áp dụng nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Trường Cao đẳng Giao thông vận tải Trung ương V đang đào tạo 58 ngành, nghề. Số lượng tuyển sinh hằng năm khoảng 2.000 học sinh, sinh viên ở 3 trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp. Vừa kết thúc kỳ thực tập tại doanh nghiệp, em Hồ Bá Học, sinh viên năm cuối ngành Công nghệ ô-tô Trường Cao đẳng Giao thông vận tải Trung ương V cho biết, đây là cơ hội để sinh viên tiếp cận thực tiễn, ứng dụng các kiến thức đã học vào thực tế, trau dồi thêm kỹ năng sử dụng các máy móc, thiết bị về ngành nghề đang theo học; đồng thời mở ra cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.
Theo thầy Nguyễn Văn Tươi, nhà trường tăng cường khảo sát doanh nghiệp, tiếp nhận phản hồi từ người học và doanh nghiệp, nghiên cứu các xu hướng ngành nghề để cập nhập, cải tiến chương trình đào tạo bám sát nhu cầu thị trường. Song song đó, mời đội ngũ chuyên gia, doanh nghiệp, nhà quản lý, nhà giáo giỏi của các cơ sở giáo dục tham gia xây dựng, cải tiến chương trình đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu xã hội.
Tại Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng, khoảng 70% thời gian học là thực hành và thực tập tại doanh nghiệp. Để nâng cao chất lượng đào tạo, trường chủ động kết nối doanh nghiệp, đưa học sinh, sinh viên đi thực tập, kiến tập, mời doanh nghiệp về trường giảng dạy, hợp tác đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, đưa giảng viên đi học tập, tìm hiểu thực tế tại doanh nghiệp… Em Ngô Trần Thị Tuyết Minh, sinh viên năm cuối ngành May thời trang Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng cho biết, trong 2,5 năm học hệ cao đẳng, sinh viên có 1 đợt kiến tập 2 tuần và 1 đợt thực tập 2 tháng.
“Tôi đang thực tập tại Công ty CP Dệt may 29-3 để được học cách vận hành, sử dụng nhiều loại máy móc chuyên dụng trong ngành may, cách cắt may, quy trình may, bảng màu, cách thức hoạt động của một dây chuyền may chuyên nghiệp... Qua đó củng cố thêm kiến thức, kỹ năng để thuận tiện tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp”, Tuyết Minh chia sẻ.
Theo thầy Nguyễn Thanh Thảo, để phát triển thành trường chất lượng cao, bên cạnh chương trình đào tạo thông thường, nhà trường đang đào tạo 3 nghề chất lượng cao đạt chuẩn quốc tế theo chương trình chuyển giao từ các nước Úc, Đức, Pháp, gồm: cơ điện tử, điện công nghiệp, công nghệ ô-tô. Các chương trình này có chuẩn đầu ra về kiến thức chuyên môn, kỹ năng, phẩm chất nghề nghiệp, năng lực ngoại ngữ, năng lực công nghệ thông tin cao hơn thông thường, tạo ra nguồn lao động chất lượng, chuyên nghiệp theo chuẩn quốc tế, cung cấp cho thị trường lao động trong và ngoài nước.
LAM PHƯƠNG