Cuối chiều 31-12, Bộ Nội vụ đã tổ chức họp báo thông tin nhiều nội dung liên quan đến Nghị định 178/2024/NĐ-CP về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, vừa được Chính phủ ban hành chiều cùng ngày.
Chánh Văn phòng Ban Cán sự đảng Bộ Nội vụ Nguyễn Quang Dũng cho biết, việc ban hành nghị định này nhằm có chính sách tốt, bảo đảm quyền lợi cho cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc do sắp xếp tổ chức bộ máy, góp phần thực hiện mục tiêu sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Các chính sách được áp dụng với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến cấp huyện; cán bộ, công chức cấp xã; lực lượng vũ trang (gồm Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và cơ yếu) trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính các cấp của hệ thống chính trị.
Nghị định đưa ra 8 nhóm chính sách chính: Chính sách áp dụng đối với người nghỉ hưu trước tuổi; chính sách nghỉ thôi việc đối với cán bộ, công chức; chính sách nghỉ thôi việc đối với viên chức và người lao động; chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý thôi giữ chức vụ hoặc được bầu cử, bổ nhiệm vào chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý thấp hơn; chính sách đối với người đi công tác ở cơ sở; chính sách trọng dụng người có phẩm chất, năng lực nổi trội; chính sách đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ, công chức sau khi sắp xếp; chính sách, chế độ đối với đối tượng thuộc lực lượng vũ trang.
Theo ông Dũng, đối với người nghỉ hưu trước tuổi, trường hợp có tuổi đời đủ 10 năm trở xuống so với tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường và đủ 5 năm trở xuống so với tuổi nghỉ hưu trong điều kiện làm việc ở vùng đặc biệt khó khăn và đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc để nghỉ hưu thì được hưởng 3 loại chế độ.
Chế độ thứ nhất là được hưởng trợ cấp hưu trí một lần cho thời gian nghỉ sớm. Trường hợp nghỉ trong thời hạn 12 tháng, nếu có tuổi đời còn từ đủ 5 năm trở xuống đến tuổi nghỉ hưu, được hưởng trợ cấp bằng 1 tháng tiền lương hiện hưởng nhân với số tháng nghỉ sớm; nếu có tuổi đời còn từ đủ 5 năm đến đủ 10 năm đến tuổi nghỉ hưu, được hưởng trợ cấp bằng 0,9 tháng tiền lương hiện hưởng nhân với 60 tháng. Trường hợp nghỉ từ tháng thứ 13 trở đi thì được hưởng bằng 0,5 mức trợ cấp của trường hợp nghỉ trong 12 tháng nêu trên.
Chế độ thứ 2 là được hưởng chính sách nghỉ hưu trước tuổi, gồm được hưởng lương hưu và không bị trừ tỷ lệ lương hưu, được hưởng trợ cấp nghỉ hưu trước tuổi. Trong đó đối với người còn từ đủ 2 năm đến dưới 5 năm đến tuổi nghỉ hưu thì được trợ cấp bằng 5 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm nghỉ sớm. Đối với người còn từ đủ 5 năm đến đủ 10 năm đến tuổi nghỉ hưu thì được trợ cấp bằng 4 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm nghỉ hưu sớm. Ngoài ra, được hưởng trợ cấp theo thời gian công tác có trên 20 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Trường hợp có tuổi đời còn dưới 2 năm đến tuổi nghỉ hưu quy định và có đủ thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc để được hưởng lương hưu, thì được hưởng chế độ hưu trí theo quy định và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi.
Chế độ thứ 3 là cán bộ, công chức, viên chức được nghỉ hưu trước tuổi thuộc đối tượng khen thưởng quá trình cống hiến mà còn thiếu thời gian công tác giữ chức vụ lãnh đạo tại thời điểm nghỉ hưu thì được tính thời gian nghỉ hưu sớm tương ứng với thời gian còn lại của nhiệm kỳ bầu cử hoặc thời gian bổ nhiệm của chức vụ hiện đảm nhiệm để xét khen thưởng quá trình cống hiến.
Đối với cán bộ, công chức, viên chức không thuộc đối tượng xét khen thưởng quá trình cống hiến thì được cấp có thẩm quyền xem xét các hình thức khen thưởng phù hợp với thành tích đạt được.
Đối với cán bộ, công chức nghỉ thôi việc, ông Dũng cho biết, cán bộ, công chức có tuổi đời còn hơn 2 năm đến tuổi nghỉ hưu và không đủ điều kiện hưởng chính sách, chế độ nghỉ hưu trước tuổi, nếu nghỉ thôi việc thì được hưởng 4 chế độ.
Một là, được hưởng trợ cấp thôi việc. Nếu nghỉ trong thời hạn 12 tháng thì được hưởng trợ cấp bằng 0,8 tháng tiền lương hiện hưởng nhân với số tháng tính hưởng trợ cấp thôi việc; nếu nghỉ từ tháng thứ 13 trở đi thì được hưởng bằng 0,4 tháng tiền lương hiện hưởng nhân với số tháng tính hưởng trợ cấp thôi việc (tối đa 60 tháng).
Hai là, được trợ cấp 1,5 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Ba là, được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội hoặc hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Bốn là, được trợ cấp 3 tháng tiền lương hiện hưởng để tìm việc làm.
Viên chức và người lao động nghỉ thôi việc được hưởng 4 chế độ như cán bộ, công chức nghỉ thôi việc, nhưng khác chế độ thứ 4 là viên chức và người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp do quỹ Bảo hiểm thất nghiệp chi trả do tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Đối với cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý thôi giữ chức vụ hoặc được bầu cử, bổ nhiệm vào chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý thấp hơn thì được bảo lưu mức lương chức vụ hoặc phụ cấp chức vụ lãnh đạo cũ đến hết nhiệm kỳ bầu cử hoặc thời hạn bổ nhiệm.
Để tăng cường cán bộ, công chức, viên chức ở Trung ương, cấp tỉnh đi công tác ở cơ sở (thời gian 3 năm), Nghị định quy định 5 chế độ. Cụ thể là được tiếp tục hưởng tiền lương (bao gồm cả phụ cấp) theo vị trí việc làm trước khi được cơ quan, tổ chức, đơn vị cử đi; được hưởng trợ cấp lần đầu bằng 10 tháng lương cơ sở tại thời điểm nhận công tác; trường hợp đơn vị công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì được hưởng chính sách quy định tại Nghị định số 76/2019/NĐ-CP của Chính phủ.
Ngoài ra, sau khi cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành tốt nhiệm vụ tại cơ sở, được tiếp nhận trở lại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi cử đi hoặc được cơ quan có thẩm quyền bố trí công tác phù hợp không thấp hơn vị trí việc làm trước khi đi tăng cường; đồng thời, được nâng lương vượt 1 bậc và được bộ, ban, ngành và tỉnh xem xét khen thưởng theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng.
Bên cạnh đó, Nghị định quy định chính sách trọng dụng người có phẩm chất, năng lực nổi trội gồm: được nâng lương vượt 1 bậc; được hưởng tiền thưởng do thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị quyết định trong tối đa 50% quỹ tiền thưởng của cơ quan, tổ chức, đơn vị; được quan tâm, ưu tiên quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí vào vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả vượt cấp. Ngoài ra, họ còn được hưởng chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại Nghị định của Chính phủ.
Nghị định 178 quy định chính sách, chế độ đối với đối tượng thuộc lực lượng vũ trang trong quá trình thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy như đối với cán bộ, công chức, viên chức và lao động hợp đồng trong cơ quan nhà nước.
Nghị định gồm 3 chương và 27 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025. Chính phủ giao trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức thực hiện cho các bộ, ngành ở Trung ương; UBND cấp tỉnh và các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong việc ban hành tiêu chí đánh giá và tiến hành thực hiện rà soát tổng thể chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý. Trên cơ sở đó, xác định đối tượng phải nghỉ việc do sắp xếp thuộc đối tượng của nghị định này để sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
Theo baotintuc.vn