Bảo đảm an toàn thực phẩm dịp cuối năm

.

Cận Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng, mua sắm thực phẩm của người dân tăng cao. Đây cũng là thời điểm xảy ra nhiều vụ việc liên quan đến an toàn thực phẩm, gây lo ngại sức khỏe của người tiêu dùng. Làm gì để bảo đảm an toàn thực phẩm là mối quan tâm hàng đầu của nhiều bạn đọc.

Tại chợ Cồn, các mặt hàng bán lẻ đều được Ban Quản lý chợ yêu cầu tiểu thương dán nhãn phụ có đầy đủ thông tin sản phẩm, quầy hàng để bảo đảm các quyền lợi của người tiêu dùng. Ảnh: VĂN HOÀNG
Tại chợ Cồn, các mặt hàng bán lẻ đều được Ban Quản lý chợ yêu cầu tiểu thương dán nhãn phụ có đầy đủ thông tin sản phẩm, quầy hàng để bảo đảm các quyền lợi của người tiêu dùng. Ảnh: VĂN HOÀNG

Cần xử lý nghiêm để răn đe

Cuối tháng 12-2024, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an thành phố phối hợp các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra đột xuất nhiều cơ sở sản xuất chả trên địa bàn. Tại cơ sở sản xuất chả P.X.T (phường Hòa An, quận Cẩm Lệ), cơ quan chức năng phát hiện gần 1 tấn sản phẩm các loại, bao gồm: chả bò, chả heo, chả da heo, giò sống… dương tính với hàn the (Natri Borat). Đây là hóa chất độc hại, ảnh hưởng sức khỏe về lâu dài và có thể làm sa sút trí tuệ. Loại chất này không nằm trong danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm. Việc phát hiện số lượng lớn thực phẩm chứa hàn the tại cơ sở sản xuất chả P.X.T không chỉ gây lo ngại, dấy lên hồi chuông cảnh báo về an toàn thực phẩm, mà còn đặt ra câu hỏi cấp bách về hiệu quả của công tác quản lý và kiểm tra an toàn thực phẩm hiện nay.

Bạn đọc Trần Ngọc Nhật Kha (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) cho rằng, thời điểm cận Tết, vấn đề an toàn thực phẩm lại trở thành mối lo lớn của nhiều người. Việc phát hiện cơ sở sản xuất chả chứa hàn the khiến người dân không khỏi băn khoăn khi chọn mua thực phẩm ở các chợ. “Dịp Tết, gia đình nào cũng muốn có bữa ăn ngon, an toàn để quây quần bên nhau, nhưng nếu thực phẩm không bảo đảm, thì sức khỏe mọi người sẽ bị ảnh hưởng. Tôi mong các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm để răn đe, bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng”, anh Kha cho biết.

Trong khi đó, bạn đọc Nguyễn Thị Chung (phường Mân Thái, quận Sơn Trà) cho rằng, ngoài việc kiểm tra, kiểm soát từ phía cơ quan chức năng, người dân cần thay đổi thói quen mua hàng, ưu tiên chọn sản phẩm có thương hiệu, nguồn gốc rõ ràng, tươi ngon, an toàn để bảo vệ sức khỏe cho chính mình và gia đình Nhiều năm kinh doanh tại chợ Cồn, bà Nguyễn Thị Kim Hồng, chủ quầy bánh kẹo Hà Cường cho biết, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm, đặc biệt là trong dịp Tết. Tại chợ Cồn, quầy hàng của bà luôn nhập hàng từ những nhà cung cấp uy tín, có giấy tờ đầy đủ về nguồn gốc xuất xứ, bảo đảm các thông tin để khách hàng dễ dàng kiểm tra. “Tôi luôn nghĩ rằng việc bán hàng chất lượng không chỉ bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng, mà còn giúp mình giữ chữ tín, làm ăn lâu dài. Đây là trách nhiệm của người kinh doanh với cộng đồng”, bà Hồng chia sẻ.

Triển khai đồng bộ nhiều biện pháp

Theo ông Phan Thành Thoại, Trưởng ban quản lý chợ Cồn, công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm luôn được coi là nhiệm vụ trọng tâm và thực hiện thường xuyên. Ban quản lý yêu cầu các tiểu thương tuân thủ nghiêm ngặt việc kinh doanh hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo đảm các mặt hàng bán lẻ đều có thông tin, nhãn hiệu và địa chỉ của cơ sở kinh doanh, nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. “Dịp cao điểm trước Tết, chúng tôi sẽ phối hợp các đơn vị liên quan để tăng cường tuyên truyền và kiểm tra, kiểm soát tình hình, bảo đảm không xảy ra các vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe người dân” ông Thoại nhấn mạnh.

Theo Ban quản lý An toàn thực phẩm thành phố, để bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Ất Tỵ, Ban quản lý  thành lập 3 đoàn thanh tra liên ngành, tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất và kinh doanh thực phẩm trên toàn thành phố. Qua đó, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các vi phạm để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Trước nhu cầu tiêu thụ thực phẩm gia tăng mạnh mẽ trong dịp Tết, Ban quản lý cũng khuyến cáo người dân không nên mua hoặc sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác hoặc thiếu thông tin về hạn sử dụng.

Bên cạnh đó, cần chú ý đọc kỹ nhãn sản phẩm và chỉ chọn mua thực phẩm có đầy đủ thông tin rõ ràng. Người tiêu dùng nên kiểm tra sơ bộ, bảo đảm sản phẩm không có dấu hiệu bất thường như: màu sắc lạ, mùi hôi hay dấu hiệu mốc meo, hư hỏng. Ban quản lý hiện đang triển khai dự án truy xuất nguồn gốc thực phẩm (giai đoạn 1) đối với các sản phẩm thịt heo, thịt bò, thịt gà và trứng gà. Dự án có khoảng 50 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã đăng ký tham gia vào hệ thống truy xuất nguồn gốc. Các sản phẩm của doanh nghiệp tham gia đều được dán tem QR truy xuất nguồn gốc điện tử, người dân có thể sử dụng ứng dụng ‘Danang City Food’ để kiểm tra thông tin sản phẩm trước khi mua.

Ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng ban An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố cho biết, hiện đơn vị đang triển khai kế hoạch hướng dẫn sử dụng và vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm theo chiều rộng tại các chợ đã được công nhận an toàn thực phẩm nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, phục vụ cho người tiêu dùng và du khách. “Bên cạnh việc kiểm tra chất lượng, Ban quản lý cũng đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền, giúp người dân nâng cao nhận thức của việc bảo vệ sức khỏe qua việc tiêu dùng thực phẩm an toàn. Ban quản lý sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm, đồng thời triển khai các giải pháp công nghệ để người dân có thể an tâm lựa chọn sản phẩm cho gia đình trong dịp Tết sắp đến”, ông Hải cho hay.

VĂN HOÀNG

;
;
.
.
.
.
.