Hương Tết ngày xưa

.

ĐNO - Cứ mỗi độ tết đến xuân về, những người thế hệ 6X như chúng tôi lại hồi tưởng lại những cái tết của những năm tháng xưa cũ mà đến bây giờ dù đã “xuyên 2 thế kỷ” rồi nhưng  có những điều vẫn còn lắng đọng lại trong trí nhớ của thế hệ chúng tôi về những hình ảnh, câu chuyện, kỷ niệm, đôi khi tưởng như đơn giản, bình thường nhưng không hiểu sao nó lại khó quên đến tận bây giờ, dù nhiều cái tết đi qua cuộc đời.

Trong những sắc thái tết đó có những thứ vô hình nhưng lại in đậm trong ký ức những cảm nhận mà đến bây giờ như còn phảng phất đâu đây. Đó là cái hương vị của tết.

Trước hết là nói về mùi hương quyến rũ lâng lâng của của hương (nhang) tết. Hầu như gia đình Việt Nam nào vào dịp tết đều không thể bỏ qua chuyện “hương khói” trên bàn thờ ông bà tổ tiên, người ta thường thắm hương để tưởng nhớ những người thân đã khuất, cũng như lòng thành kính và biết ơn đến ông bà tổ tiên. Nhớ lại những năm còn khó khăn, đặc biệt là khi đất nước còn chia cắt, trước năm 1975, rất nhiều gia đình, đặc biệt là những gia đình có ba mẹ là cán bộ tập kết sống trên đất Bắc như gia đình tôi, chuyện hương khói, cúng kiếng hầu như rất ít xảy ra trong năm. Và cũng không có khái niệm rằm, mùng 1.

Chuyện giỗ chạp cũng rất hạn chế. Tất cả cái gì gọi là “hương khói” chỉ hiện hữu ra trong “ba ngày tết”. Có lẽ chính vì điều đó mà tôi nhớ hương tết đến lạ. Nó thơm vô cùng, thơm một cách thuần khiết đến mê mẩn. Hương thơm lan tỏa một mùi dịu nhẹ, làm cho không khí trong nhà mấy ngày tết thêm yên bình và ấm áp, nhất là thời kỳ miến Bắc còn đang trải qua chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, nên sự yên ả và trầm mặc từ khói hương có một giá trị thật đặc biệt. Hương thời đó cũng thuộc loại hiếm nên quý, mỗi lần thắp cũng không nhiều, mỗi lần chỉ một cây trên “Bàn thờ Tổ quốc”, được lập ra trong ba ngày tết. Chủng loại cũng không phong phú, tôi còn nhớ loại hương đó có tên là hương bài, hương cây mà nhờ nhà hàng xóm có nhà ở Hà Nội mua giúp vài thẻ...

Sau ngày đất nước thống nhất, về lại quê hương  Quảng Nam-Đà Nẵng, được tiếp xúc với hương nhiều dự cá đám giỗ, đám chạp nên cũng có ít nhiều cảm nhận được hương vị của nhiều loại hương. Thế nhưng, tuy thời gian đã trôi qua khá lâu nhưng đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ rất rõ mùi thơm của một loại hương vào dịp tết của những năm tháng gian khó ấy, phải nói là nó thơm đến ngất ngây, mê mẩn...

Có một loại hương nữa thường xuất hiện trong dịp tết, đó là mùi thơm của một loại gạo rất quen thuộc với người Việt Nam - gạo nếp. Nói về loại gạo này, người ta sẽ nghĩ đến những món cơm dèo, thơm, gọi là cơm nếp hay đơn giản hơn là xôi. Ngược dòng ký ức, những năm tháng thời bao cấp, tôi còn nhớ, vào dịp tết, má tôi lại nấu xôi cho cả nhà thường thức.

Mùi thơm của xôi làn tỏa khắp nơi, mới bước vào nhà là đã biết hôm nay được má cho ăn xôi rồi. nQuar thật là khó mà quên được cái mùi cơm nếp của thời thơ ấu. Những năm tháng khó khăn ấy, không phải cứ thèm xôi là được ăn ngay, mà ra chợ mua thì cũng không có nhiều loại nếp mà lựa chọn như bây giờ. Nhưng khi ấy, đã nói đến xôi là hình dung ngày đến loại cơm vừa dẻo vừa thơm. Không chỉ là xôi, vị thơm của nếp còn thể hiện trong từng cái bánh chưng, bánh tét nhất là trong dịp tết.

Ngày ấy, mỗi khi nhà hay hàng xóm gói bánh chưng, có cảm giác như hương nếp dậy mùi từ lúc ngâm gạo, đãi nếp và đậu đỗ, thơm đến khi gói bánh và hơn thế, mùi thơm cứ quyện lấy tấm bánh chưng suốt những ngày tết. Mùi hương của bánh quyện với mùi khói bếp bay tỏa, xua đi những cơ gió lạnh buốt nhưng lại lại có sự giục giã xuân hãy mau về. Bây giờ ở khắp nơi, từ chợ đến siêu thị đều thấy có bán đủ các loại nếp với các thương hiệu nổi tiếng như Nếp cái hoa vàng, nếp hương..., rồi cả nếp ngoại nhập đến từ Thái Lan, Lào...

Phong phú là vậy nhưng khi mua về thì đa số chỉ có mùi hương thoang thoảng rồi sau đó hầu như không còn cái gì gọi là “hương” nữa. Để tạo hương cho nồi xôi, người ta đã phổ biến cho nhau cách nấu để xôi thơm bằng việc  bỏ thêm lá dứa hoặc bột lá dứa đã qua chế biến vào xôi và nó chẳng hơn cơm là bao nhiêu, ngoài độ dẻo, dính. Quả là thời bây giờ sao mà khó được thưởng thức mùi thơm mang tính “nguyên thủy” của cơm nếp như hồi xưa đến vậy.

Ngoài cảm nhận về những cái hương “điển hình tết” ở trên, có những “hương tết” còn nhắc nhớ tôi vào mỗi dịp tết đến xuân về như hương gừng tươi tỏa ra mỗi khi ba má gọt, thái trước khi làm mứt tết. Mùi mứt gừng cay cay thơm nồng bay trong gió, quyện cùng với mùi nước đường làm ấm cả một không gian. Và đặc biệt hơn, trong ký ức tuổi thơ của mình còn lắng đọng một loại “hương” đến tận bây giờ, đó là mùi của...quần áo mới. Đơn giản là cứ tết đến là chị em chúng tôi được ba má sắm cho bộ quần áo mới thường là vải Pô pơ lin hay kaki mua từ cửa hàng “Mậu dịch quốc doanh”. Ôi chao! cái mùi của vải mới sao mà nói quyến rũ đến lạ. Nó làm cho không khi tết có sức hấp dẫn thật khó diễn tả

Nhân dịp tết đến xuân về, người viết có chút “lan man” về chuyện “hương tết”. Quả thật, những cái “hương” ấy đã ăn sâu vào tiềm thức của tôi. Và cái hình thái “phi vật thể” ấy, giống như chất xúc tác của cuộc sống, đã góp phần tạo nên một vẻ đẹp nhân văn, truyền từ đời này qua đời khác. “Mùi của tết” không có tên trong từ điển  tiếng Việt, khó miêu tả bằng từ ngữ nhưng nó có sức mạnh níu giữ mỗi người trong cái ồn ào, náo nhiệt của cuộc sống công nghiệp hôm nay những ký ức thật ngọt ngào, khó phai.

DÂN HÙNG

 

;
;
.
.
.
.