Nhiều khách Việt lựa chọn du lịch trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán để có thời gian nghỉ ngơi sau 1 năm làm việc căng thẳng.
![]() |
Đỉnh Fansipan chào đón du khách bằng sắc đỏ rực rỡ ngày đầu năm mới Ất Tỵ. Ảnh: H. Hà |
Thời khắc giao thừa Tết Ất Tỵ 2025 đã điểm, nhiều gia đình đã cùng nhau nâng ly chúc mừng năm mới tới. Trong khi đó, không ít người Việt đã lựa chọn đón Tết Nguyên đán xa nhà để tận hưởng một bầu không khí khác biệt.
Hướng dẫn viên Trương Mạnh Thắng (33 tuổi, Hà Nội) lên máy bay sau khoảnh khắc giao thừa đúng 1 tiếng. Đây là năm đầu tiên anh xa nhà để dẫn đoàn bao gồm 33 du khách tới Nhật Bản.
Anh không giấu nổi cảm xúc: “Tôi cũng khá buồn khi Tết năm nay tập trung vào công việc. Nhưng không sao, vì còn độc thân nên tôi có thể hỗ trợ các đồng nghiệp có gia đình khác trong dịp Tết”.
Không chỉ các đoàn khách nô nức du xuân trong kỳ nghỉ Tết, một số du khách Việt có xu hướng tự túc để tận hưởng hành trình theo cách của riêng mình.
Nghỉ hưu sớm ở tuổi 49, năm nay, chị Nguyễn Thị Kim Trinh (Quảng Ngãi) ở lại đảo Phú Quốc dịp Tết. Sau 10 năm ăn Tết ở nhiều quốc gia, với chị Trinh, hiện tại, ngày nào của chị bây giờ cũng là Tết.
“Tôi là kiểu người “đi ngược” với số đông nên giao thừa, tôi ở trong phòng. Ở Phú Quốc, ngày nào cũng bắn pháo hoa. Vì thế, tôi sẽ tận hưởng không gian riêng của mình trong khoảnh khắc đặc biệt này của năm mới”, nữ du khách tiết lộ.
Cũng thường xuyên "trốn" Tết, chị Phạm Bích Hạnh, 35 tuổi, đã bay tới Nga vào ngày 28 Tết. Trong 12 ngày, chị sẽ dạo chơi qua 3 tỉnh Moskva, Saint Petersburg và Murmansk. Nữ du khách tiết lộ không có nhiều kế hoạch cho chuyến đi mà sẽ tuỳ thuộc vào cung đường và địa điểm tới để vạch đích như dự định.
Buổi sáng ngày 29 Tết, chị Hạnh đi ngắm cá voi ở Teriberka. Sau đó, chị di chuyển 100km tới Murmansk để chiêm ngưỡng cực quang vào ngày mùng 1 Tết.
Nữ du khách chia sẻ: “Năm nay, tôi “trốn” Tết ở một nơi có nhiệt độ dao động từ -20 đến -10 độ C. Trước chuyến đi, tôi khá mong chờ buổi tối “săn” cực quang bởi đây là một hoạt động độc đáo”.
Cùng vợ và 3 con đi Campuchia - Lào và xuyên Việt vào Tết Nguyên đán, anh Trần Duy (39 tuổi, TP.HCM) đang dừng chân ở Lào. Theo quan sát của nam du khách, người dân địa phương không đón Tết Âm lịch như người Việt Nam. Tuy nhiên, vì khu vực gia đình anh ở một vùng khá gần Trung Quốc nên không khí đón năm mới rất rôm rả. Gia đình anh cũng mang theo bánh tét để “đỡ nhớ không khí Tết cổ truyền”.
Anh Duy bày tỏ: “Gia đình là “nhà”, chuyến đi này có đầy đủ vợ và các con, nên dù không ở trong ngôi nhà quen thuộc hàng ngày, mình vẫn cảm thấy vui và đầm ấm. Đi chơi vào dịp Tết tôi thấy thật thư thái, vì không còn phải giải quyết công việc như các dịp đi chơi trong năm, vì khách hàng cũng đã nghỉ Tết. Hơn nữa, chúng tôi có nhiều thời gian để dạy con về các tập tục của các địa phương”.
Xu hướng du lịch xuyên Tết không quá mới mẻ tại Việt Nam, nhu cầu của khách Việt dịch chuyển qua từng năm.
Theo thống kê của Công ty Du Lịch Việt, các tuyến bán chạy nhất mùa Tết năm nay là tour miền Bắc (Hà Nội, Hạ Long, Sa Pa, Ninh Bình), miền Trung (Đà Nẵng, Hội An). Còn các điểm đến quốc tế yêu thích của du khách là Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc)…
Bên cạnh đó, một xu hướng cũng bùng nổ trong mùa Tết năm nay là tour đi bằng xe với hành trình đến Nha Trang, Phan Thiết, Đà Lạt, Vũng Tàu, Quy Nhơn... khởi hành từ TPHCM; và Sa Pa, Hạ Long, Hà Giang, Ninh Bình… khởi hành từ Hà Nội. Nguyên nhân có thể do giá vé máy bay tăng cao, đường cao tốc thuận lợi.
Vietluxtour đánh giá nhu cầu du lịch xuyên Tết Nguyên đán 2025 của du khách có xu hướng tăng cao khoảng 25% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, xu hướng này rõ rệt ở các đô thị lớn như TPHCM và Hà Nội, tập trung nhiều nhất ở phân khúc khách đi du lịch theo nhóm gia đình 2-3 thế hệ.
Theo laodong.vn