Đấu tranh, ngăn chặn tội phạm và vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên

.

Dù lực lượng chức năng trên địa bàn thành phố luôn tích cực, quyết liệt triển khai nhiều biện pháp đấu tranh, ngăn chặn, song tình hình phạm tội và vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên vẫn diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, tạo tâm lý bất an trong nhân dân.

Nguyên nhân thanh thiếu niên vi phạm pháp luật gia tăng là do nhận thức, hiểu biết pháp luật còn hạn chế; trong khi đó sự quan tâm, giáo dục, quản lý của một số bậc phụ huynh còn lỏng lẻo. Trong ảnh: Một nhóm thanh thiếu niên gây rối bị bắt giữ. Ảnh: TRÍ DŨNG
Nguyên nhân thanh thiếu niên vi phạm pháp luật gia tăng là do nhận thức, hiểu biết pháp luật còn hạn chế; trong khi đó sự quan tâm, giáo dục, quản lý của một số bậc phụ huynh còn lỏng lẻo. TRONG ẢNH: Một nhóm thanh thiếu niên gây rối bị bắt giữ. Ảnh: TRÍ DŨNG

Bài 1: Tội phạm thanh thiếu niên diễn biến phức tạp

Tình trạng thanh thiếu niên thường xuyên tụ tập điều khiển mô-tô, xe máy chạy tốc độ cao, lạng lách, đánh võng; mang theo hung khí để giải quyết mâu thuẫn, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng trên địa bàn thành phố vẫn diễn biến phức tạp. Đã có nhiều vụ va chạm, ẩu đả, thanh toán lẫn nhau giữa các nhóm thanh thiếu niên để lại hậu quả đau lòng cho bản thân, gia đình người vi phạm và các nạn nhân, sâu xa hơn là gây ra rất nhiều hệ lụy cho xã hội.

Những con số “biết nói”

Bỏ học, thường xuyên tụ tập chay mô-tô lạng lách trên đường, lao vào những cuộc vui thâu đêm suốt sáng là câu chuyện chung của một bộ phận thanh thiếu niên có nguy cơ vi phạm pháp luật. Theo thống kê của Công an thành phố, từ ngày 15-12-2023 đến 14-11-2024, trên địa bàn xảy ra 48 vụ/446 lượt đối tượng thanh thiếu niên tụ tập, sử dụng hung khí nguy hiểm đánh nhau, gây rối trật tự công cộng; 2 vụ/6 đối tượng thanh thiếu niên phạm tội cướp tài sản; 10 vụ/14 đối tượng thanh thiếu niên phạm tội cướp giật tài sản... 

Thường đi làm về muộn và ngang qua đoạn đường Như Nguyệt, anh T.H.T. (quận Thanh Khê) cho biết: “Từ 22 giờ trở đi, có nhiều thanh niên tụ tập, lái xe máy, rú ga, chạy với tốc độ cao, rất nguy hiểm. Mỗi lần qua đó, tôi phải lái xe chậm và nép sát vào lề đường vì sợ bị va phải”. Trong khi đó, chị T.T.T.M (quận Liên Chiểu) bức xúc: “Nhà tôi ở gần đường Nguyễn Tất Thành. Vào ban đêm, thanh niên tụ tập nhóm 5-7 người, điều khiển mô-tô, xe máy hò hét, mang theo vũ khí, chạy lạng lách trên đường. Tôi rất bất an, lo sợ mỗi khi thấy cảnh tượng đó. Nhỡ đụng phải người đi đường hoặc người vô tội, xảy ra tại nạn thì hậu quả khó lường”.

Công an thành phố cho biết, qua xác minh và điều tra, 100% vụ án, vụ việc liên quan đến các nhóm thanh, thiếu niên tụ tập càn quấy, sử dụng hung khí đánh nhau, gây rối trật tự công cộng xảy ra vào khoảng thời gian từ 20 giờ tối hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau trên các tuyến đường đô thị, nơi công cộng, có sử dụng xe máy và hung khí nguy hiểm. Hầu hết đối tượng là nam giới, dưới 18 tuổi; không có nghề nghiệp hoặc nghề nghiệp không ổn định; 100% do mâu thuẫn cá nhân bộc phát, mâu thuẫn nhỏ trên mạng xã hội; 30% số đối tượng tham gia dưới 10 người, 63% có số đối tượng tham gia 10 - 20 người, 32% có số đối tượng tham gia 20 - 50 người.

Trước thực trạng trên, cùng với tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về pháp luật cho lứa tuổi thanh thiếu niên, công an các đơn vị, địa phương tập trung triển khai các biện pháp nhằm kịp thời phát hiện, đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến nhóm đối tượng này.

Thượng tá Lê Văn Tín, Phó phòng Cảnh sát hình sự (Công an thành phố) cho biết, trong năm 2024, công an các đơn vị, địa phương phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh làm rõ 51 nhóm thanh thiếu niên có các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn xã hội trên đường phố; khởi tố điều tra 43 vụ, 389 đối tượng về các tội giết người, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng; ngăn chặn sớm 10 nhóm/36 đối tượng tụ tập gây rối trật tự công cộng, mang theo hung khí chuẩn bị đánh nhau; giải tán 7 nhóm/54 đối tượng khác có biểu hiện tụ tập, vi phạm trật tự an toàn giao thông, nghi vấn gây rối trật tự công cộng trên đường phố; thu giữ 4.273 vũ khí (súng quân dụng, súng tự chế, vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ); tạm giữ 229 xe mô tô “độ chế” hoặc đã thay đổi kết cấu; lập hồ sơ đề nghị đưa 13 đối tượng vào trường giáo dưỡng.

Hệ lụy từ sự buông lỏng quản lý của phụ huynh

Lãnh đạo Phòng Cảnh sát hình sự (Công an thành phố) cho rằng, nguyên nhân phần lớn là do nhận thức, hiểu biết pháp luật của một bộ phận thanh thiếu niên còn hạn chế. Trong khi đó, sự quan tâm, giáo dục, quản lý của một số bậc phụ huynh còn lỏng lẻo; một số thanh thiếu niên có lối sống thiếu lý tưởng, hoài bão, lười học tập, rèn luyện, thích lối sống hưởng thụ hoặc do ảnh hưởng thiếu lành mạnh của các trang mạng xã hội…

Gần đây, có những vụ án nguyên nhân xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ, các đối tượng đều dưới 18 tuổi đã bất chấp, coi thường pháp luật, “kêu gọi”, lôi kéo nhiều thanh thiếu niên cùng trang lứa, tụ tập giải quyết mâu thuẫn bằng hung khí, rượt đuổi, giết người, gây rối trật tự công cộng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự xã hội, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân; gây tang thương mất mát đối với các gia đình người bị hại, những thanh thiếu niên vi phạm phải vào vòng lao lý.

“Tình trạng thanh thiếu niên phạm tội không phải là hiện tượng mới. Nhưng qua những vụ việc có tính chất nguy hiểm trong thời gian gần đây, là hồi chuông cảnh báo để mỗi gia đình, nhà trường tăng cường việc quản lý, giáo dục con em, học sinh. Đồng thời là vấn đề cấp bách cần sự trách nhiệm, quyết liệt hơn của chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp cùng toàn thể xã hội trong trợ giúp, giáo dục, quản lý ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật nói chung và hành vi phạm tội trong thanh thiếu niên nói riêng”, Thượng tá Lê Văn Tín chia sẻ.

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cho rằng, bên cạnh những ảnh hưởng tâm lý lứa tuổi, việc bùng nổ các phương tiện nghe nhìn, internet, nhưng kiểm soát chưa chặt chẽ cũng dẫn đến thanh thiếu niên phạm tội. Các trang mạng xã hội phát triển mạnh, tạo điều kiện cho các em dễ dàng tiếp cận những trò chơi, phim ảnh có nội dung bạo lực. Những trang có mạng có nội dung xấu, cổ xúy cho hành vi tiêu cực trong xã hội, dần hình thành cách suy nghĩ lệch lạc so với chuẩn mực đạo đức xã hội, kéo theo việc các em thực hiện các hành vi nguy hiểm cho xã hội.

Bên cạnh đó, do các em chưa được trang bị kiến thức cơ bản để phòng ngừa các thông tin, hình ảnh xấu, độc hại trên mạng nên có nguy cơ tiếp cận các hình ảnh bạo lực, phản cảm, qua đó lập các nhóm kín để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, thậm chí đăng tải, khoe khoang, coi đây là thành công của bản thân. Vì các em chưa nhận thức được việc làm của mình nên hành động phạm tội thường dẫn đến hậu quả rất nghiêm trọng.

Qua nghiên cứu, phân tích, đánh giá về tình hình tội phạm vị thành viên, đặc biệt là các nhóm thanh thiếu niên vi phạm pháp luật trên địa bàn thành phố thời gian qua, cơ quan công an nhận định, phần lớn các đối tượng phạm tội là thành phần bất hảo, thiếu sự quan tâm giáo dục của gia đình, bỏ học sớm, tụ tập đua đòi với các thói hư, tật xấu. Một số trường hợp có nguyên nhân từ việc bố mẹ nuông chiều, giáo dục không phù hợp khiến cho những đứa trẻ chỉ quen đón nhận, hưởng thụ mà không biết chia sẻ, nhường nhịn với người khác.

“Khi quyền lợi bị xâm phạm, cảm thấy bị thiệt thòi, không đạt được mong muốn thì sẵn sàng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, người chưa thành niên phạm tội cũng có nhiều trường hợp liên quan đến mâu thuẫn tình cảm của tuổi mới lớn, thiếu hiểu biết pháp luật, thiếu kiểm chế cảm xúc, dễ bị lôi kéo dẫn đến thực hiện hành vi vi phạm pháp luật”, Thượng tá Lê Văn Tín nhìn nhận.

TRÍ DŨNG - TRIỀU SAN

;
;
.
.
.
.