Hiện trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè vẫn xảy ra phổ biến ở các tuyến đường của thành phố không chỉ làm mất mỹ quan đô thị mà còn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
![]() |
Đường Trần Phú bị lấn chiếm vỉa hè. Ảnh: GIA MINH |
Thành phố đã thực hiện hàng loạt giải pháp quản lý vỉa hè, trong đó có kẻ vạch chia tách chức năng vỉa hè để bảo đảm lối đi cho người đi bộ. Tuy nhiên, dạo quanh một vòng qua các tuyến đường trung tâm thành phố sẽ thấy lòng đường, vỉa hè đang bị lấn chiếm; hàng hóa, bàn ghế, xe gắn máy, biển hiệu chiếm hết phần vỉa hè. Không chỉ ở khu vực trung tâm, mà các quận, huyện xa cũng xảy ra tình trạng này khiến cho việc di chuyển của người dân gặp rất nhiều khó khăn, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông đường bộ.
Ông Nguyễn Văn Hòa (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) bày tỏ: “đường Châu Thị Vĩnhh Tế này nhỏ nhưng hai bên đường, vỉa hè bị chiếm dụng hết nên muốn đi bộ thì phải xuống dưới lòng đường rất nguy hiểm, tai nạn giao thông có thể xảy ra bất kỳ lúc nào”. Bà Lê Thị Hà (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà) cho hay, cũng giống đường Châu Thị Vĩnh Tế, đường Phạm Cự Lượng bị các hộ dân buôn bán, chiếm dụng phần lớn vỉa hè nên người dân đi bộ phải đi xuống lòng đường. Trong khi đó, đây cũng là con đường có nhiều cơ quan, trường học, lưu lượng giao thông khá cao...
Theo ghi nhận, tại nhiều tuyến đường như Phạm Như Xương, Mẹ Suốt (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu); đường Bà Huyện Thanh Quan, Phan Tứ, Mai Thúc Lân (phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) có nhiều hàng quán, ki ốt, công trình tạm bợ như quán cà phê, mái che được dựng lên chiếm dụng phần lớn không gian dành cho người đi bộ.
Thực tế, bất cứ ai cũng đều nhận thức được hành vi lấn chiếm vỉa hè là sai quy định nhưng vẫn cố tình vi phạm. Thậm chí, có nhiều người còn chấp nhận nộp phạt để tiếp tục được kinh doanh. Không những vậy, khi thấy lực lượng chức năng đi kiểm tra thì hàng quán thu dọn bàn ghế gọn gàng nhưng khi hết kiểm tra lại bày tràn lan ra vỉa hè.
“Chúng tôi bức xúc lắm, lực lượng chức năng cứ giải quyết xong lại đâu vào đó, mình làm không lâu dài, không triệt để nên tình trạng này không chấm dứt được”, ông Nguyễn Văn Xuân nhà gần đường Phan Tứ than thở.
Theo Ban An toàn giao thông thành phố, lực lượng chức năng của thành phố, quận, huyện đã phối hợp UBND các phường cập nhật danh sách các hộ kinh doanh, buôn bán và cá nhân hoạt động thương mại, yêu cầu ký cam kết chịu trách nhiệm về chỗ để xe, hướng dẫn khách để xe đúng quy định; đồng thời kẻ vạch phân chia lối để xe và lối đi bộ...
Ngoài ra, kết hợp các hình thức xử lý trách nhiệm hộ kinh doanh vi phạm với các ràng buộc theo số lần bị xử phạt, trường hợp vi phạm nhiều lần có thể thu hồi giấy phép sử dụng vỉa hè và tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng buôn bán hàng rong không đúng nơi quy định trên các tuyến đường, nhất là tại các địa điểm du lịch, chợ lớn... Mặc dù lực lượng chắc năng đã triển khai nhiều đợt ra quân nhằm xử lý, ngăn chặn những hành vi vi phạm, thế nhưng, tình trạng này vẫn không hề giảm mà ngày càng phức tạp hơn.
Theo Điều 77 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024, lòng đường chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông, còn vỉa hè dành cho người đi bộ. Vì vậy, các trường hợp khác cần sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè phải có sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền; nếu không, hành vi đó sẽ bị xử lý theo Nghị định số 168/2024/NĐ-CP ngày 26-12-2024 của Chính phủ.
Cụ thể, mức xử phạt các hành vi vi phạm về lấn chiếm vỉa hè từ 200.000 - 250.000 đồng đối với cá nhân bán hàng rong, bán hàng hóa nhỏ lẻ trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng. Phạt tiền từ 250.000 - 350.000 đồng đối với cá nhân, từ 500.000 - 700.000 đồng đối với tổ chức để vật che khuất biển báo hiệu đường bộ, đèn tín hiệu giao thông. Phạt tiền từ 500.000 - 1 triệu đồng đối với cá nhân, từ 1-2 triệu đồng đối với tổ chức cản trở người, xe trên đường bộ; ném gạch, đất hoặc vật thể khác vào người; chiếm dụng dải phân cách.
Phạt từ 2-3 triệu đồng đối với cá nhân, từ 4-6 triệu đồng đối với tổ chức sử dụng vỉa hè để họp chợ, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bày bán hàng hóa, sửa chữa phương tiện, đặt biển quảng cáo trái phép. Phạt từ 3-5 triệu đồng đối với cá nhân, từ 6-10 triệu đồng đối với tổ chức bày bán máy móc, thiết bị, vật tư hoặc sản xuất, gia công hàng hóa trên vỉa hè. Phạt từ 10-15 triệu đồng đối với cá nhân, từ 20-30 triệu đồng đối với tổ chức sử dụng lòng đường, vỉa hè không có giấy phép hoặc có giấy phép nhưng đã hết hạn. Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, khôi phục hiện trạng ban đầu.
Để lập lại kỷ cương lòng đường, vỉa hè, cần phải tăng cường kiểm tra xử lý, tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là lực lượng mỏng, không đủ nhân lực cho việc tập trung nhắc nhở, đẩy đuổi, xử lý hằng ngày. Vì vậy, việc mở rộng camera phạt nguội để hỗ trợ quản lý, giám sát tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường sẽ là giải pháp hiệu quả mà cơ quan chức năng cần tính đến trong thời gian tới.
GIA MINH