Đưa ánh sáng tri thức về nông thôn

.

So với trung tâm thành phố, sách tại các thư viện trường học và các thiết chế văn hóa xã ở vùng nông thôn vẫn còn thiếu. Việc đưa sách về các xã vùng sâu, vùng xa của huyện Hòa Vang thông qua những chuyến xe lưu động không chỉ làm phong phú, đa dạng thêm nguồn sách mà còn giúp người dân nông thôn dễ dàng tiếp cận nhiều hơn với sách, qua đó hình thành và lan tỏa giá trị văn hóa đọc trong cộng đồng.

Học sinh xã Hòa Phong đến đọc sách tại không gian trưng bày và triển lãm ảnh, tài nguyên thông tin với chủ đề “Hòa Vang - 50 năm hình thành và phát triển” ở Trung tâm Hành chính huyện Hòa Vang. Ảnh: ĐOÀN HẠO LƯƠNG
Học sinh xã Hòa Phong đến đọc sách tại không gian trưng bày và triển lãm ảnh, tài nguyên thông tin với chủ đề “Hòa Vang - 50 năm hình thành và phát triển” ở Trung tâm Hành chính huyện Hòa Vang. Ảnh: ĐOÀN HẠO LƯƠNG

Bổ sung đa dạng nguồn sách

Cứ đến dịp hè, những chuyến xe lưu động của Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng lại mang “ánh sáng tri thức” đến với các em học sinh các xã của huyện Hòa Vang. Điểm khác biệt của mô hình này so với thư viện truyền thống là cách thức phục vụ linh hoạt, giúp các em học sinh có thể đọc sách ngay tại trường hoặc trung tâm văn hóa xã trong một không gian mở cùng với các trò chơi, từ đó tạo sự sáng tạo và niềm yêu thích đọc sách. Bà Vũ Thị Ân, Phó Giám đốc Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng cho biết, trong 2 năm qua, thư viện thường xuyên tổ chức các chuyến xe lưu động đa phương tiện đến các xã Hòa Liên, Hòa Phước, Hòa Bắc...

“Mỗi chuyến xe đi trong ngày đến trung tâm các xã, các trường học mang theo khoảng hơn 3.000 bản sách và các trang thiết bị phục vụ đọc sách như máy tính, màn hình, ti-vi… Qua đó, tổ chức nhiều hoạt động văn hóa đọc như đọc sách, kể chuyện theo sách, chiếu phim miễn phí và phục vụ thư viện điện tử, thư viện số. Mỗi sự kiện thu hút khoảng hơn 100 học sinh tham gia. Bên cạnh đó, thư viện còn phối hợp với Trung tâm Công tác xã hội thành phố tuyên truyền các nội dung liên quan đến giáo dục giới tính và xâm hại tình dục”, bà Ân nhấn mạnh.

Để khắc phục khó khăn của hệ thống thư viện cơ sở, hiện nay các xã Hòa Liên, Hòa Sơn, Hòa Bắc… đều có điểm tiếp nhận luân chuyển sách từ thư viện để phục vụ nhân dân tốt hơn. Theo bà Vũ Thị Ân, tùy từng địa bàn mà thư viện luân chuyển sách có nội dung phù hợp, trong đó tập trung chủ yếu vào các loại sách hữu ích cho bà con và trẻ em nông thôn như phát triển nông nghiệp, pháp luật, sách thiếu nhi, sách về kỹ năng sống, y học, sức khỏe giới tính, tâm lý học…

Bên cạnh đó, thư viện còn thực hiện luân chuyển sách phục vụ cho các học viên của Trung tâm xã hội Bầu Bàng ở xã Hòa Bắc và Trường giáo dưỡng số 3 (Bộ Công an) ở xã Hòa Phú. Mỗi đợt luân chuyển 1.000 đến 1.500 sách theo định kỳ 3 tháng hoặc 6 tháng/lần tùy nhu cầu của từng đơn vị, trong đó tập trung vào các nội dung chính như đạo đức, đào tạo hướng nghiệp, tâm lý, văn học, pháp luật, định hướng nghề nghiệp… để giúp các học viên bồi bổ thêm kiến thức trong quá trình học tập và rèn luyện tại nơi đây.

Thay đổi nhận thức cộng đồng về văn hóa đọc

Hưởng ứng ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 4 năm 2025 và kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng huyện Hòa vang, năm nay UBND huyện phối hợp với Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng triển lãm ảnh, tài nguyên thông tin với chủ đề “Hòa Vang - 50 năm hình thành và phát triển” tại Trung tâm Hành chính huyện.

Triển lãm trưng bày và giới thiệu hàng trăm tư liệu quý bao gồm sách, báo, bản đồ, sắc phong, hình ảnh về quá trình đấu tranh cách mạng, sự đổi thay của Đà Nẵng nói chung và huyện Hòa Vang nói riêng qua các thời kỳ. Đặc biệt, khu vực trưng bày sách luôn thu hút các em học sinh trên địa bàn huyện đến tham quan và đọc sách. Thường xuyên có mặt tại gian hàng sách thiếu nhi, hai anh em Hồ Quang Anh và Hồ Quang Hào (học lớp 3/1 và lớp 1/2, Trường Tiểu học An Phước) cho biết: “Ở đây có nhiều truyện tranh rất hấp dẫn, nhất là sách về thế giới rô-bốt, khủng long... Con có thể tự do lựa chọn đọc thoải mái ngay giữa không gian thoáng đãng và mát mẻ”.

Trong khuôn khổ của sự kiện còn tổ chức hội thi xếp sách mô hình nghệ thuật theo chủ đề “Hòa Vang 50 năm - những chặng đường phát triển” với sự tham gia của các đoàn viên, thanh niên các xã trên địa bàn huyện và các hoạt động giao lưu văn hóa bổ ích như tọa đàm “Văn hóa văn nghệ dân gian Quảng Nam-Đà Nẵng”, đêm thơ và nhạc Trịnh Công Sơn, tọa đàm “Phát triển văn hóa đọc trong thời đại 4.0”, hát dân ca bài chòi…

Qua đó thu hút đông đảo các em học sinh và người dân đến với sách. Chia sẻ về hoạt động ý nghĩa này, ông Nguyễn Thúc Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hòa Vang cho biết, triển lãm với mong muốn đem đến cho người dân những góc nhìn khái quát chân thực bằng hình ảnh, tư liệu thông tin về quá trình hình thành và phát triển của thành phố Đà Nẵng và huyện Hòa Vang qua các thời kỳ.

Mỗi tư liệu, hình ảnh được chọn lọc kỹ lưỡng và trưng bày trong một không gian hài hòa, bảo đảm tính lịch sử khoa học, thẩm mỹ và phù hợp với mọi độc giả để có thể tiếp cận một cách gần gũi nhất. Đặc biệt, từ tài nguyên thông tin, sách báo, bản đồ, sắc phong cổ - những minh chứng lịch sử quan trọng này, giúp độc giả, nhất là các thế hệ trẻ hiểu và trân trọng hơn về quê hương, từ đó nuôi dưỡng lòng tự hào, tinh thần, trách nhiệm trong công cuộc xây dựng và phát triển thành phố trong giai đoạn mới.

Ngoài hoạt động triển lãm và những chuyến xe lưu động của Thư viện Khoa học tổng hợp, hiện nay còn xuất hiện nhiều phong trào thiện nguyện vì cộng đồng, trong đó có phong trào đưa sách về nông thôn, góp phần thay đổi nhận thức cộng đồng về văn hóa đọc.

ĐOÀN HẠO LƯƠNG

;
;
.
.
.
.