Phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em

.

Bảo đảm an toàn thể chất và tinh thần trẻ em là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, quyết định đến chất lượng chăm sóc, giáo dục ở các trường mầm non. Đây còn là trách nhiệm, thể hiện mức độ uy tín của nhà trường đối với học sinh, phụ huynh cũng như cộng đồng xã hội.

Cuối tháng 2-2025, tại nhóm mầm non độc lập trên địa bàn quận Cẩm Lệ xảy ra vụ việc một trẻ mầm non va chạm với bạn và bị ngã cầu thang, gây xôn xao mạng xã hội. Ngay khi xảy ra sự việc, các giáo viên đưa cháu bé đến bệnh viện gần đó để kiểm tra sức khỏe. Qua kiểm tra, cháu bé chỉ bị xây xát nhẹ. Dù chỉ là sự cố, nhưng sự việc này cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc bảo đảm an toàn cho trẻ mầm non, đặc biệt là vấn đề phòng, chống tai nạn thương tích trong nhà trường.

Chị Nguyễn Thị Thiên Ý, phường Hòa Phát (quận Cẩm Lệ) chia sẻ, khi chọn trường mầm non cho con, vấn đề an toàn sức khỏe luôn được các phụ huynh quan tâm hàng đầu. Trong đó, điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng trường lớp là yếu tố đặc biệt quan trọng, có thể ảnh hưởng đến sự an toàn của con. “Ở độ tuổi mầm non, các bé thường khá hiếu động, chưa biết tự bảo vệ bản thân hoặc có kỹ năng phòng tránh tai nạn. Trong khi đó, mỗi giáo viên phải trông nom, chăm sóc rất nhiều trẻ, nên không thể lúc nào cũng bên cạnh một bé nào đó để bảo đảm an toàn tuyệt đối. Vì vậy, lúc chọn trường cho bé, tôi luôn chọn những trường có cơ sở vật chất rộng rãi, ít có chướng ngại nguy hiểm, đặc biệt là cầu thang cao, dốc”, chị Ý bày tỏ.

Năm học 2024-2025, huyện Hòa Vang có gần 11.000 trẻ trong độ tuổi mầm non học tại 15 cơ sở giáo dục mầm non công lập, 4 trường tư thục và gần 110 các cơ sở, nhóm trẻ độc lập. Xác định bảo đảm an toàn cho trẻ là nhiệm vụ hàng đầu đối với cấp học mầm non, huyện thường xuyên theo dõi giám sát, quản lý chặt chẽ hoạt động của các cơ sở mầm non. Đồng thời phối hợp UBND các xã kiểm tra và xử lý kịp thời các nguy cơ mất an toàn, rủi ro có thể xảy ra đối với tính mạng của trẻ. Đến nay, 100% các cơ sở giáo dục mầm non đều được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất toàn diện, hơn 95% phòng học kiên cố.

Cô Ngô Thị Mỹ Lệ, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Mai (xã Hòa Châu) cho biết, từ đầu năm học, nhà trường rà soát, sửa chữa kịp thời cơ sở vật chất bị hư hỏng, loại bỏ các yếu tố gây mất an toàn cho trẻ. Trong các hoạt động giáo dục, ban giám hiệu luôn nhắc nhở đội ngũ giáo viên phải ân cần, gần gũi, chăm sóc trẻ tận tình, chu đáo; tuyệt đối không dùng bất kỳ một hình thức phạt nào ảnh hưởng đến thể chất và tâm lý trẻ. Ngoài ra, trường thường xuyên tổ chức các hoạt động trải nghiệm, tăng cường nhận thức, kỹ năng sống cho trẻ. Nhờ đó, nhiều năm học qua, trường bảo đảm an toàn tuyệt đối cả về thể chất và tinh thần cho trẻ.

Tương tự, tại quận Thanh Khê, việc xây dựng môi trường an toàn, phòng chống tai nạn thương tích trong các cơ sở giáo dục mầm non được địa phương thực hiện nghiêm túc. Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Lê Thị Hoàng Chinh, phòng chỉ đạo mỗi cơ sở giáo dục mầm non có kế hoạch bảo đảm an toàn, phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ; thực hiện cam kết giữa giáo viên và nhà trường tuyệt đối không bạo hành trẻ em. Đặc biệt, chú trọng đến trình độ đào tạo chuẩn và trang bị kiến thức về công tác sơ cấp cứu, phòng chống tai nạn thương tích cho giáo viên mầm non; yêu cầu các cơ sở giáo dục mầm non nâng cao hiệu quả chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, “Xây dựng trường học hạnh phúc, lớp học hạnh phúc”, nhằm đem đến cho trẻ môi trường học tập lành mạnh, thân thiện và an toàn.

Năm học này, phòng tổ chức tập huấn tăng cường công tác đảm bảo an toàn cho trẻ trong cơ sở giáo dục mầm non độc lập dành cho chủ nhóm, giáo viên trong các cơ sở giáo dục mầm non độc lập và phó hiệu trưởng các trường mầm non công lập. “Bảo đảm an toàn cho trẻ là trách nhiệm, thể hiện mức độ uy tín của nhà trường. Đây cũng là tiền đề để trẻ phát triển toàn diện, đủ hành trang sẵn sàng bước vào bậc học tiếp theo”, bà Chinh chia sẻ.

KHÔI NGUYÊN

;
;
.
.
.
.