Khí cười: Những tác hại khôn lường

.

Thời gian gần đây, trên địa bàn Đà Nẵng xuất hiện một số xe lưu động bán khí cười, bong bóng cười (N­2O bơm vào bong bóng) vào ban đêm. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự mà còn đe dọa sức khỏe, tính mạng của một bộ phận không nhỏ thanh, thiếu niên, bởi hít nhiều khí này sẽ bị ngộ độc, thậm chí ung thư và các rối loạn khác trong cơ thể.

Các bạn trẻ đang hít thử khí cười.
Các bạn trẻ đang hít thử khí cười.

Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã cấm khí cười vì mối nguy hại khôn lường cho sức khỏe. Tuy nhiên, ở Đà Nẵng thời gian gần đây rộ lên trào lưu hít khí cười. Hít loại khí trong bong bóng sẽ có cảm giác lâng lâng, phấn khích, cười ngặt nghẽo cả tiếng đồng hồ. Việc sử dụng bóng cười rất đơn giản. Bơm khí cười N­2O vào bong bóng, sau đó hít vào rồi thổi ra vài lần, để khí cười thấm vào mạch máu, sau đó N­2O sẽ theo máu lên não bộ, tác động đến hệ thần kinh. Các phản ứng của bộ não làm người hít khí cười dữ dội.

Có mặt trên tuyến đường biển Võ Nguyên Giáp - Hoàng Sa từ sau 23 giờ, không khó để nhận ra các xe bán dạo khí cười. Anh Trần Bính, chủ quán nhậu trên tuyến đường này cho biết: “Hằng đêm thường có một xe bán khí cười dạo ở khu vực này. Với 100.000 đồng, bạn có thể mua được một quả bóng cười rồi tha hồ hít... Không chỉ người lớn, thanh niên mà cả thiếu niên cũng sử dụng bóng cười này. Tuy nhiên, khí cười được bơm vào bóng cười lại không tuân thủ nguyên tắc này mà bơm trực tiếp khí N2O vào bóng khiến người chơi có thể bị ngạt thở”.

Thạc sĩ Mai Văn Bảy, giảng viên khoa Hóa, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) cảnh báo: “Khí cười có công thức hóa học là N­2O, tên gọi là nitrous oxide; là chất khí, không màu, không mùi, có vị hơi ngọt; được dùng làm chất gây mê, giảm đau, an thần... trong y tế. Hít N2O gây cảm giác hưng phấn, thư giãn, chóng mặt, gây cười bộc phát, có thể gây ảo giác nhẹ...”.

Thạc sĩ Mai Văn Bảy cũng cho biết, khí cười được cho là có độc tính tương đối thấp. Tuy nhiên, nó có thể gây chóng mặt nên có nguy cơ gây chấn thương do té ngã. Sử dụng N­2O thường xuyên có thể dẫn đến thiếu hụt vitamin và thiếu máu do thiếu vitamin B12 trong cơ thể. Thiếu vitamin B có thể gây ngứa ở ngón tay, ngón chân và các chi cuối có thể kéo dài hằng giờ hoặc hằng ngày. Các trường hợp nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến tê liệt và đi bộ khó khăn, nguy cơ bị tăng lên ở những người đã bị thiếu máu ở nhóm B12. Tại Mỹ, Anh..., khí cười bị cấm sử dụng cho mục đích giải trí, được xếp vào danh mục thuốc, sử dụng phải có sự chỉ định của bác sĩ.

Một số chuyên gia cảnh báo hít nhiều khí cười chắc chắn sẽ bị ngộ độc và gây các rối loạn khác trong cơ thể như thần kinh, đặc biệt là tổn thương não bộ vĩnh viễn. Dược sĩ Nguyễn Xuân Thanh, Giám đốc Nhà thuốc Thanh Hải cho biết: “Khí cười được sử dụng trong y học từ hơn 150 năm trước để gây mê toàn thân. Hiện nay, N­2O vẫn có trong danh mục các thuốc thiết yếu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Trong gây mê, để tránh gây ngạt khí cho bệnh nhân, N2O thường được trộn chung với O2 theo tỷ lệ 2:1... Tuy nhiên, hiện nay khí cười được bơm vào bóng cười trực tiếp, không theo nguyên tắc nào khiến người hít có thể bị ngạt thở...”.

Bài và ảnh: PHƯƠNG UYÊN
 

;
.
.
.
.
.