Nắp ấm - cây thuốc có trong Sách Đỏ

.

Ngày xưa, mỗi dịp Tết Đoan Ngọ, mẹ tôi thường sai mấy anh em đi tìm hàng chục loại cây lá về bằm phơi để dành nấu uống thay nước chè quanh năm. Cây Nắp ấm là một thành phần không thể thiếu trong hỗn hợp lá Mồng Năm đó.

Phát hiện quần thể Nắp ấm ở rú bụi gần hồ Hòa Trung xã Hòa Liên. Ảnh: NGUYỄN TẬP
Phát hiện quần thể Nắp ấm ở rú bụi gần hồ Hòa Trung xã Hòa Liên. Ảnh: NGUYỄN TẬP

Cây Nắp ấm, là loài cây có dạng túi nhỏ để bẫy côn trùng. Ở Hòa Khương quê tôi, trước đây có rất nhiều ở các rú bụi trên Hóc Riết, Khe Môn, chân núi Sơn Gà.

Năm ngoái, thực hiện đề tài điều tra cây thuốc cho thành phố, một lần về quê, tôi tranh thủ đi thăm lại “thế giới chăn bò tuổi nhỏ, chỉ thấy mênh mông nghĩa địa, chẳng tìm được một cây Nắp ấm nào. 

May mắn cho đoàn điều tra chúng tôi, sau mấy tuần lặn lội, mãi khi đến vùng chân đập hồ Hòa Trung, xã Hòa Liên, mới bắt gặp một quần thể Nắp ấm tương đối dày dặn.

Một thành viên trong đoàn là PGS.TS Nguyễn Tập, từng tham gia biên soạn Sách Đỏ Việt Nam,  cho biết Nắp ấm hay Nắp ấm trung bộ, Nắp bình, tên khoa học là Nepenthes annamensis, tên đồng nghĩa

Nepenthes geoffrayi, thuộc họ Nắp ấm _ Nepenthaceae. Là loài đã được ghi trong Sách Đỏ với cấp đánh giá “hiếm” (bậc R). Đây là nguồn gen hiếm, có ở Quảng Trị, Đà Nẵng, Lâm Đồng, còn có ở Campuchia, nhưng khu phân bố bị thu hẹp dần, nơi cư trú thường bị xâm hại do tác động khai phá đất rừng của con người; cần bảo vệ ở trong khu bảo tồn và đem trồng ở các vườn thực vật.

Ở nước ta ngoài cây này, còn có Nắp ấm - Nepenthes mirabilis  (có ở Trung Quốc, gọi là Trư lung thảo  - 猪笼草), cũng được ghi nhận làm thuốc với công năng tương tự.

Theo Từ điển cây thuốc Việt Nam, Nắp ấm trung bộ là cây mảnh leo, thân dài 0,2 - 0,3m hay hơn, hình trụ. Lá không cuống hay gần như có cuống ôm thân, hơi men xuống, rộng dần từ hai đầu, mặt dưới phủ lông sẫm và lá lấm chấm đỏ, 3-4 đôi gân bên dọc. Cuống bình khá ngắn, (5-10cm), mặt trên lõm và có lông. Nắp hình trái xoan, ngoài mặt có lông và lấm chấm, mặt trong có ít tuyến. Hoa đực có lá đài hình trái xoan, có lông màu gỉ sắt ở mặt ngoài, mặt trong phủ nhiều tuyến, cột nhị có lông ở gốc, bao phấn xếp thành một dãy. Hoa cái có 4 lá đài hình mũi mác, mặt ngoài có lông, mặt trong có tuyến; bầu thượng. Quả có cuống rõ rệt, màu hơi xám, dài 1,5cm, có lông, hạt hình thoi, dài 5-6mm.

Cây mọc ở đầm lầy nước ngọt, nước tù đọng và đất chua vùng thấp cho đến ẩm lầy dưới tán rừng thông. Mùa hoa quả từ tháng 5-12. Tái sinh bằng hạt, bằng cành.

Dân gian dùng thân, lá làm thuốc lợi tiểu, trị phù thũng, mụn nhọt và dùng thay thế loài Nắp ấm - Nepenthes mirabilis.

Theo Đông y, Nắp ấm có vị ngọt, tính mát; có công năng nhuận phổi, giảm ho, lợi tiểu, bài sỏi, giải độc, tiêu phù. Chủ trị phổi ráo ho ra máu, ho do cảm mạo, ho gà, viêm gan vàng da, viêm loét dạ dày – hành tá tràng, kiết lỵ, sỏi niệu, phù thũng, cao huyết áp, tiểu đường, nhọt độc sưng lở, trùng thú cắn. Liều dùng 15-30g khô, 30-60g tươi. Dùng ngoài giã đắp tùy thích.

Nghiên cứu dược lý cho thấy cao toàn cây Nắp ấm có tác dụng ức chế tụ cầu khuẩn vàng.
Đơn thuốc:

1. Viêm gan vàng da, bệnh đường tiết niệu, sỏi: Nắp ấm, Mã đề, Kim tiền thảo, đều 30g, sắc uống.

2. Huyết áp cao: Nắp ấm 30-50g, nấu uống. Có thể phối hợp với Câu đằng 9g và Hy thiêm 15g.

3. Đái tháo đường, khát nước nhiều, khô cổ:  Nắp ấm 30g, Giảo cổ lam 25g, Thiên môn đông 25g. Nấu với 3 lít nước giữ sôi 20 phút. Chia 3-4 lần uống trong ngày, liên tục 1-3 tháng. (Chú ý theo dõi đường huyết thường xuyên). Đây là bài thuốc kinh nghiệm của Lương y Nguyễn Đức Nghĩa ở TP.HCM.

4. Chữa sỏi niệu quản: Một kinh nghiệm cũng là kỷ niệm đáng nhớ của người viết bài này, tại Tuệ Tĩnh Đường Hòa Nam (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang), gặp một bệnh nhân nữ 28 tuổi, đang ôm bụng đau đớn do sỏi niệu quản, đã được bệnh viện chẩn đoán xác định và chỉ định mổ nhưng bệnh nhân sợ và không đủ tiền nên xin về đến xin thuốc nam. Tôi kê đơn gồm: Nắp ấm 30g, Chó đẻ 20g, Râu bắp 20g. Cho 3 thang, bệnh nhân mới uống hết 2 thang thì đi tiểu tống ra viên sỏi, hết đau hẳn.

Lưu ý: Không dùng Nắp ấm cho phụ nữ có thai; Uống nước nắp ấm, nước tiểu sẽ có màu đỏ sẫm như màu cà-phê, không cần phải lo lắng.

PHAN CÔNG TUẤN
 

;
.
.
.
.
.