Để vượt qua biến cố, tai nạn, những bệnh nhân đến điều trị tại Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng Đà Nẵng đều phải hết sức bền bỉ tập luyện cùng sự chia sẻ, hỗ trợ của nhân viên y tế.
Các kỹ thuật viên đang hỗ trợ tập luyện cho bệnh nhân. |
Bệnh nhân Phạm Văn K., (72 tuổi, trú quận Thanh Khê) bị tai biến từ năm 2015 khiến một nửa thân bên phải rất khó vận động. Cứ 2 tháng một lần, ông được người nhà đưa xuống bệnh viện khám, điều trị nội trú một thời gian. “Bệnh tình đã rõ ràng, các bác sĩ cũng kê đơn thuốc đầy đủ, nhưng quan trọng nhất vẫn là phần tập luyện, vận động để ông đi lại dễ dàng hơn”, chị Nga, con gái ông K., chia sẻ. Tại phòng điều trị phục hồi chức năng, ngoài ông K. còn có hơn 50 bệnh nhân đang nỗ lực vận động theo các bài tập được các kỹ thuật viên tại đây hướng dẫn và hỗ trợ. Anh Trần Ngọc Duy, kỹ thuật viên vật lý trị liệu cho biết, bệnh nhân đến tập luyện ở đây rất đa dạng như bị tai biến, chấn thương sọ não, tổn thương tủy sống, thoát vị đĩa đệm... “Hành trình tập luyện gồm bài tập, thời gian tập, cường độ phụ thuộc vào trạng thái của từng bệnh nhân cụ thể. Có bệnh nhân phải điều trị, tập luyện 2-3 năm, bệnh tình biến chuyển rất chậm. Việc tập luyện đòi hỏi sự nỗ lực, kiên trì của chính người bệnh, tuyệt đối không được nản chí mặc dù đây là quá trình khó khăn”, anh Duy chia sẻ.
Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng Đà Nẵng hiện tiếp nhận điều trị khoảng 220 bệnh nhân gồm những bệnh nhân đang phục hồi chức năng sau chấn thương sọ não, cơ xương khớp, đứt dây chằng và trẻ em bị bại não, rối loạn ngôn ngữ. Đội ngũ nhân viên y tế tại đây không ngừng tiếp cận, ứng dụng nhiều phương pháp mới trong điều trị. Theo bác sĩ Huỳnh Tấn Tuệ, Trưởng Khoa Phục hồi chức năng, các bác sĩ sau khi nhận về công tác tại khoa đều được cử đi học thêm chuyên khoa về phục hồi chức năng. Tổ điều trị đau, đặc biệt là điều trị tổn thương về cột sống được hỗ trợ, ứng dụng nhiều phương pháp mới như sử dụng sóng xung kích có tác dụng giảm đau, xóa vôi hóa can-xi, phương pháp o-xy cao áp để điều trị cho bệnh nhân bị suy nhược thần kinh, nhất là sau tai biến mạch máu não. “Ngoài ra, còn nhiều phương pháp khác như phong bế ngoài màng cứng, phương pháp sóng ngắn, thủy trị liệu có tác dụng tạo sự thoải mái, giảm đau các phần chấn thương cho bệnh nhân”, bác sĩ Tuệ cho biết.
Tuy là bệnh viện chuyên khoa hạng 2 với quy mô 200 giường nhưng Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng Đà Nẵng đã tham gia mổ thành công rất nhiều trường hợp chấn thương, phẫu thuật chỉnh hình nối khớp háng, cổ chân, khuỷu tay cho nhiều trường hợp bị thương tích nghiêm trọng. Trong những năm qua, đơn vị này cũng đã làm chân, tay giả miễn phí cho hơn 1.000 người là những bệnh nhân nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi. Bác sĩ Võ Văn Thành, Giám đốc Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng Đà Nẵng cho biết: “Bệnh viện may mắn nhận được sự hợp tác của nhiều chương trình, tổ chức nhân đạo, từ thiện trong nước và quốc tế. Thông qua các hoạt động khám, chữa bệnh, phẫu thuật, lắp chân giả miễn phí, đội ngũ nhân viên y tế tại bệnh viện có thêm cơ hội tiếp cận những tiến bộ trong y khoa cũng như tinh thần hết lòng vì người bệnh”.
Bài và ảnh: PHAN CHUNG