Nhiều trẻ mắc viêm não Nhật BảnChiều 26-6, theo thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương, thời gian gần đây, gia tăng nhiều trường hợp bệnh nhi mắc bệnh viêm não Nhật Bản. Đặc biệt, nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng và để lại nhiều di chứng nặng nề.
Tính từ đầu năm 2017 đến nay, khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Trung ương) đã tiếp nhận 176 ca viêm não, trong đó có 24 trường hợp là viêm não Nhật Bản. Chỉ tính riêng trong tháng 6, có 21 trẻ nhập viện vì bệnh này.
TS. Nguyễn Văn Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm cho biết, viêm não Nhật Bản được xem là một trong những bệnh nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong và di chứng cao ở trẻ nhỏ (từ 25-35%). Những di chứng này khiến người bệnh giảm khả năng giao tiếp, giảm hoặc mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Viêm não Nhật Bản có thể diễn ra quanh năm, cao điểm từ tháng 5 đến tháng 9. Hiện nay, tuy đa số các trẻ đã được tiêm phòng đầy đủ nhưng vẫn còn rải rác các trường hợp trẻ mắc bệnh do sức đề kháng kém, chưa tiêm vắc-xin phòng bệnh hoặc tiêm không đủ số mũi.
Theo TS. Lâm, viêm não Nhật Bản là bệnh cấp tính lây truyền qua đường máu do virus viêm não Nhật Bản gây nên. Ở Việt Nam, loại muỗi Culex tritaeniorhynchus sinh sản mạnh vào mùa hè (nhất là từ tháng 3 đến tháng 7), hoạt động mạnh vào lúc chiều tối. Loại muỗi này có mật độ cao ở vùng đồng bằng, trung du và là trung gian chủ yếu truyền bệnh viêm não Nhật Bản.
Bệnh thường khởi phát đột ngột với triệu chứng sốt cao 39 độ C hoặc hơn. Trong thời kỳ này, bệnh nhân đau đầu, đau bụng, buồn nôn và nôn. Ngay trong 1-2 ngày đầu của bệnh, bệnh nhi đã xuất hiện cứng gáy, tăng trương lực cơ, rối loạn sự vận động nhãn cầu, lú lẫn hoặc mất ý thức. Ở một số trẻ nhỏ tuổi, ngoài sốt cao, có thể thấy đi ngoài phân lỏng, đau bụng, nôn.
Để phòng bệnh, TS. Lâm khuyến cáo việc tiêm chủng là biện pháp tốt nhất để phòng viêm não Nhật Bản; tiêm 2 lần cách nhau từ 7-14 ngày, sau đó 1 năm nhắc lại mũi thứ 3, cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại.
Theo Vietnamplus