Phương hay Thuốc quý

Ba kích bổ thận tráng dương

.

Ba kích là vị thuốc bổ thận tráng dương được ghi nhận trong tác phẩm Thần Nông Bản thảo kinh, bộ sách dược học đầu tiên của Đông y xuất hiện cách đây khoảng 5.000 năm. Trong đợt điều tra tháng 5-2016, chúng tôi đã phát hiện cây thuốc quý này có mọc hoang tại rừng thứ sinh tiểu khu 37, trực thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà – Núi Chúa.

Ba kích được nhân giống tại trang trại của ông Ngô Văn Lâm (bìa trái) tại Khánh Sơn, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu. (Ảnh: P.C.T)
Ba kích được nhân giống tại trang trại của ông Ngô Văn Lâm (bìa trái) tại Khánh Sơn, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu. (Ảnh: P.C.T)

Sách đỏ Việt Nam 1996 và Danh lục đỏ cây thuốc Việt Nam 2007 đã đưa Ba kích vào danh sách các cây thuốc cần bảo vệ và khuyến khích phát triển trồng.

Theo một số cán bộ trạm quản lý bảo vệ rừng Cà Nhông, trước đây Ba kích mọc hoang nhiều, anh em thường khai thác rễ đem ngâm rượu uống bồi bổ sức khỏe, nhưng hiện nay do khai thác cạn kiệt và tình trạng phá rừng trồng keo nên loài này đã trở nên khan hiếm.

Cũng theo điều tra của chúng tôi, tại khu Khánh Sơn, phường Hòa Khánh Nam, có một trang trại cây giống của anh Ngô Văn Lâm bước đầu đã nhân giống Ba kích để cung cấp cho nhiều hộ nông dân ở Quảng Nam và Đà Nẵng trồng xen canh dưới các tán rừng để tăng thêm thu nhập từ nguồn lâm sản ngoài gỗ.

Theo Từ điển cây thuốc Việt Nam, Ba kích còn có tên là Ba kích thiên, Dây ruột gà - Morinda officinalis How, thuộc họ Cà-phê - Rubiaceae. Đây là dây leo, sống nhiều năm, thân non màu tím, có lông, sau nhẵn, cành non có cạnh. Lá mọc đối hình ngọn giáo hay bầu dục dài 6-14cm, rộng 2,5-6cm, lúc non có lông dài ở mặt dưới, sau đó ít lông và màu trắng mốc; lá kèm hình ống. Hoa nhỏ màu trắng, sau hơi vàng, mọc thành tán ở nách lá, đầu cành. Quả tròn, khi chín màu đỏ. Hoa tháng 5-6, quả tháng 7-10.

Mọc hoang ở ven rừng thứ sinh, trung du và miền núi các tỉnh phía Bắc. Hiện một số nơi ở Quảng Ninh, Hà Tây, Vĩnh Phú, Quảng Nam đã trồng loài cây này. Trồng bằng những đoạn rễ trên đất nhiều màu, ẩm, mát, được che bóng, có giá tựa cho cây leo. Sau 3 năm có thể thu hoạch. Có thể đào rễ quanh năm, tốt nhất là vào mùa thu - đông, rửa sạch, cắt bỏ rễ con, phơi hay sấy cho gần khô, đập dẹt rồi phơi, sấy tiếp đến khô hẳn.

Phân tích thành phần hóa học cho thấy rễ tươi chứa chất đường, nhựa acid hữu cơ, tinh dầu,  anthraglucosid, phytosterol và vitamin C.

Theo Đông y, Ba kích có vị cay ngọt, tính hơi ấm, có tác dụng ôn thận trợ dương, mạnh gân cốt, trừ phong thấp. Nước sắc Ba kích làm tăng sức dẻo dai, tăng cường sức đề kháng chung cho cơ thể, chống viêm, làm tăng sự co bóp của ruột và giảm huyết áp.

Trên lâm sàng thường dùng Ba kích chữa thận dương suy gây di mộng tinh, xuất tinh sớm, liệt dương, tiểu đêm nhiều, tiểu đục; nữ giới lạnh tử cung, kinh ít, đới hạ, hiếm muộn vô sinh; các chứng phong thấp cước khí lâu ngày, gân cốt yếu, mềm, lưng gối mỏi đau, cao huyết áp. Ngày dùng 8-16g dạng thuốc sắc, cao lỏng, viên chế từ cao hoặc rượu thuốc. Người ta thường đào củ cây mọc hoang về nấu với thịt và ăn hoặc ngâm rượu uống để bồi bổ sức khỏe.

Ðơn thuốc:

1. Huyết áp cao: Ba kích, Tiên mao, Dâm dương hoắc, Tri mẫu, Hoàng bá, Ðương quy, mỗi vị 12g, nước 600ml, sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày, thời gian điều trị là 3 tháng.

2. Lưng gối mỏi đau, mặt trắng nhợt nhạt, chân tay lạnh: Ba kích, Tục đoạn, Phá cố chỉ mỗi vị 12g, Hồ đào nhục 5 quả sắc uống hoặc tán bột nóng.

3. Liệt dương do thận dương hư: Ba kích, Dâm dương hoắc đều 15g; Câu kỷ tử và Nhân sâm đều 10. Sắc uống.

4. Tiểu đêm nhiều, nước tiểu trong dài: Ba kích, Hoài sơn đều 15g; Ích trí nhân, Kim anh tử đều 10g. Sắc uống.

5. Di tinh do thận hư: Ba kích, Thục địa, mỗi vị 15g. Sơn thù du, Kim anh mỗi vị 12g sắc uống.

6. Phụ nữ vô sinh do tử cung lạnh, kinh nguyệt ít: Ba kích, Phụ tử chế đều 10g; Nhục quế, Ngô thù du đều 6g; Đương quy, Thục địa đều 12g. Sắc uống.

7. Phụ nữ khí hư sắc trắng, trong loãng, kèm đau lưng: Ba kích, Đỗ trọng đều 15g, Lộc giác sương 30. Sắc uống.

8. Phong thấp cước khí lâu ngày, gân cốt yếu mềm, đau mỏi toàn thân: Ba kích, Ngũ gia bì đều 15g, hầm với xương sống heo hoặc bò ăn thường xuyên.

Ghi chú: Không dùng khi rong kinh, kinh sớm. Người âm hư quá vượng, đại tiện táo bón không nên dùng Ba kích.

PHAN CÔNG TUẤN

;
.
.
.
.
.