Như nhiều địa phương khác trên cả nước, bệnh sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đang diễn biến phức tạp. Ngành Y tế thành phố khuyến cáo cần đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch; trong đó vai trò của người dân, hội, đoàn thể cơ sở hết sức quan trọng.
Nên loại bỏ những vật dụng chứa nước không cần thiết như chai nhựa, hạn chế khả năng sinh sản của muỗi. |
Tham gia công tác y tế dự phòng (YTDP) nhiều năm qua, bác sĩ Nguyễn Tam Lãm, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vắc-xin sinh phẩm, Trung tâm YTDP thành phố cho biết, các loại dịch bệnh, đặc biệt SXH đang diễn biến khó lường và không lặp lại chu kỳ hằng năm.
“Nếu những năm trước, dịch bệnh gia tăng theo những thời điểm như giao mùa, thời tiết có mưa, dịp cuối năm thì nay những quy luật đó hoàn toàn không còn ý nghĩa. Có địa phương năm trước rất ít ca mắc, nay lại tăng cao và tăng nhanh”, bác sĩ Lãm cho biết. Thực tế này khiến công tác phòng, chống dịch SXH gặp không ít khó khăn”.
Theo Trung tâm YTDP, trong 2 tuần qua, toàn thành phố ghi nhận trên 260 ca mắc SXH, nâng tổng số ca mắc SXH từ đầu năm 2017 đến nay lên 3.458 trường hợp, cao hơn cùng kỳ năm ngoái 1.500 trường hợp.
Các địa phương liên tục ghi nhận những trường hợp mắc SXH mới trong 2 tuần qua như quận Cẩm Lệ (35 ca), quận Liên Chiểu (45 ca), quận Hải Châu (44 ca)… Các phường Hòa Khánh Bắc, Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu), phường An Hải Tây, Thọ Quang (quận Sơn Trà) liên tục ghi nhận thêm nhiều trường hợp mắc SXH. Mỗi tuần, cán bộ YTDP phát hiện khoảng 10 ổ dịch, tập trung nhiều nhất tại các vùng ven như phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn), xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang), phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu)…
Người dân cần chủ động, tự giác và hợp tác trong việc phòng, chống dịch sốt xuất huyết. Trong ảnh: Phun hóa chất diệt lăng quăng tại quận Sơn Trà. Ảnh: PHAN CHUNG |
Đặc thù của công tác YTDP là sự chủ động, phối hợp từ cơ sở; tuy nhiên trên thực tế, nhiệm vụ hết sức quan trọng này vẫn đang bị xem nhẹ. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Quang, Đội trưởng Đội YTDP, Trung tâm Y tế quận Sơn Trà, khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là sự thờ ơ, bất hợp tác của người dân.
“Trong quá trình khảo sát chỉ số bọ gậy, chúng tôi phát hiện có những địa phương xuất hiện rất nhiều ổ dịch. Tiến hành kiểm tra và phun hóa chất, chúng tôi ghi nhận khu vực này có nhiều vật dụng chứa nước nằm xung quanh nhà, tạo môi trường cho bọ gậy, muỗi sinh sôi”, bác sĩ Quang nói. Đội YTDP quận Sơn Trà cũng vừa kiểm tra, phát hiện 28 ổ dịch SXH trên địa bàn quận và phun hóa chất dập dịch diện rộng. “Nhiều gia đình không chịu hợp tác với lực lượng chức năng trong việc tham gia vệ sinh, diệt lăng quăng, bọ gậy khu vực xung quanh nơi mình sinh sống dù công việc này hết sức đơn giản. Họ vẫn nghĩ đó là nhiệm vụ của cơ quan chức năng”, bác sĩ Quang cho biết thêm.
Theo Trung tâm YTDP thành phố, một số địa phương báo cáo chỉ số bọ gậy tăng đột biến và xuất hiện nhiều ổ dịch không lường trước. “Dịch có nguy cơ bùng phát trên diện rộng. Thời tiết nắng mưa bất thường là điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sôi, các địa phương cần mạnh tay hơn trong việc phòng, chống dịch bệnh; đồng thời tuyên truyền, vận động và giám sát người dân tham gia phòng dịch bằng cách vệ sinh nơi mình sinh sống, lật úp những vật dụng dư thừa có khả năng chứa nước nhằm hạn chế tối đa môi trường sinh sản của muỗi”, bác sĩ Nguyễn Tam Lãm nói.
6 tháng, cả nước có 14 người tử vong do SXH Sáng 13-7, Cục trưởng Cục YTDP (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu cho biết, dịch SXH tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền Nam và miền Trung, chiếm tới 85% tổng số ca bệnh SXH trên cả nước. Khu vực phía bắc ghi nhận chủ yếu ở Hà Nội. Theo thống kê của Bộ Y tế, trong 6 tháng đầu năm, cả nước ghi nhận hơn 45.000 trường hợp mắc SXH, trong đó có 14 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2016, số trường hợp nhập viện tăng 0,3%, số trường hợp tử vong tăng 2 trường hợp. 10 tỉnh có số mắc SXH cao như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cà Mau, Đồng Tháp... Bộ Y tế khuyến cáo người dân tự diệt muỗi, lăng quăng phòng chống bệnh do virus Zika và bệnh SXH; thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, thay rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước, thay rửa bình hoa... Hằng tuần, người dân cần loại bỏ, lật úp các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảng chai, vỏ dừa, hốc tre, bẹ lá; ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày; tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. (TTXVN) |
PHAN CHUNG