Hỗ trợ tuyến dưới, giảm áp lực tuyến trên

.

Thời gian qua, hàng chục kỹ thuật khám, chữa bệnh (KCB) đã được đội ngũ bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng tích cực hỗ trợ cho bệnh viện tuyến dưới nhằm hiện thực hóa Đề án 1816 của Bộ Y tế về việc nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho tuyến dưới, góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến thành phố.

Hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới góp phần cân bằng việc khám, chữa bệnh giữa các hạng bệnh viện trong hệ thống công lập. Trong ảnh: Trung tâm Y tế quận Cẩm Lệ triển khai kỹ thuật phẫu thuật nội soi cắt túi mật.
Hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới góp phần cân bằng việc khám, chữa bệnh giữa các hạng bệnh viện trong hệ thống công lập. Trong ảnh: Trung tâm Y tế quận Cẩm Lệ triển khai kỹ thuật phẫu thuật nội soi cắt túi mật.

Trung tâm Y tế quận Cẩm Lệ vừa triển khai thành công kỹ thuật phẫu thuật nội soi cắt túi mật. Đây là nhiệm vụ cấp thiết, góp phần nâng cao chất lượng KCB của Trung tâm cũng như đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn và khu vực lân cận.

Bác sĩ Trần Thiện Hùng, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Cẩm Lệ cho biết, việc chuẩn bị triển khai kỹ thuật này được thực hiện trong vòng 2 năm. “Đơn vị luân phiên cử 9 nhân viên y tế gồm bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên trực tiếp đến Bệnh viện Đà Nẵng và một số cơ sở y tế tại Thành phố Hồ Chí Minh học hỏi nâng cao tay nghề. Ngoài ra, hệ thống trang thiết bị với tổng giá trị khoảng 4 tỷ đồng của Trung tâm cũng đã được đầu tư, thay mới”, bác sĩ Hùng chia sẻ.

Bên cạnh đó, để kỹ thuật phẫu thuật nội soi cắt túi mật được triển khai có hiệu quả, đơn vị cũng tiến hành cải cách thủ tục hành chính, lắp đặt hệ thống phần mềm quản lý người bệnh, tổ chức tập huấn, đào tạo đội ngũ nhân viên tiếp đón, hướng dẫn người bệnh.

Phẫu thuật nội soi là kỹ thuật y khoa được triển khai rộng rãi tại các bệnh viện tuyến 1, Trung tâm Y tế quận Cẩm Lệ là một trong 2 bệnh viện tuyến 2 trên địa bàn thành phố áp dụng thành công kỹ thuật này.

Trước đó, Sở Y tế đã có công văn đề nghị Bệnh viện Đà Nẵng hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật nội soi cắt túi mật cho Trung tâm Y tế quận Cẩm Lệ. Sau khi kiểm tra các trang thiết bị đáp ứng yêu cầu, phía Bệnh viện Đà Nẵng tham gia hội chẩn và chuyển giao kỹ thuật.

“10 ca phẫu thuật đầu tiên, phía Bệnh viện Đà Nẵng trực tiếp thực hiện với sự tham gia, hỗ trợ của đội ngũ bác sĩ tại Trung tâm Y tế quận Cẩm Lệ. Sau mỗi ca mổ, cả ekip sẽ cùng thảo luận, rút ra những bài học thực tế và hiệu quả”, bác sĩ Hồ Đắc Hạnh, Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Đà Nẵng cho biết.

Cũng theo bác sĩ Hạnh, hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật KCB là một trong những nhiệm vụ xuyên suốt của Phòng Chỉ đạo tuyến. Trong năm 2017, tại Bệnh viện Đà Nẵng, đơn vị đã đào tạo chuyển giao 25 kỹ thuật cho 7 cơ sở y tế với sự tham gia của 40 học viên. Ngoài ra, có 13 cơ sở y tế cũng đã được bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng đến hỗ trợ, chuyển giao 27 kỹ thuật.

“Thực hiện theo Đề án 1816 của Bộ Y tế, hằng năm Bệnh viện Đà Nẵng đều tổ chức khảo sát chuyên môn tại các cơ sở tuyến dưới để tiến hành hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật. Chúng tôi xem đây là chỉ tiêu thi đua hằng năm, trong đó mỗi khoa thực hiện chuyển giao ít nhất một kỹ thuật cho tuyến dưới”, bác sĩ Hạnh cho biết.

Theo bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế, việc tích cực hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật KCB cho các bệnh viện tuyến dưới là hoàn toàn phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay. Khi Thông tư 37 của Bộ Y tế cho phép thông tuyến KCB, đồng thời tính thêm phụ cấp tiền lương của nhân viên y tế, việc chuyển giao kỹ thuật góp phần cân bằng trong việc thực hiện KCB giữa các hạng bệnh viện trong hệ thống công lập, giảm bớt gánh nặng cho bệnh viện tuyến trên cũng như bảo đảm đời sống cho đội ngũ nhân viên y tế tuyến dưới.

Bài và ảnh: PHAN CHUNG

;
.
.
.
.
.
.