Theo Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) thành phố, trong vòng 10 năm trở lại đây, Đà Nẵng không có trường hợp tử vong do động vật cắn. Đây là tín hiệu đáng mừng, bởi ý thức phòng ngừa của người dân dần được nâng cao.
Bác sĩ tư vấn cho người dân phòng ngừa bệnh. |
Theo thống kê, trong 3 tháng đầu năm 2018, tại Đà Nẵng đã có 2.800 người tiêm vắc-xin phòng dại. Số lượng người đến tiêm tăng dần theo các năm và tăng mạnh trong mùa nắng nóng so với các thời điểm khác trong năm.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh, TTYTDP thành phố đã phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và thú y thực hiện kế hoạch liên ngành phòng chống bệnh lây truyền từ động vật sang người. Theo đó, hai bên xây dựng kế hoạch phối hợp tổ chức các buổi tập huấn, tuyên truyền phòng, chống bệnh dại nhằm tăng cường, nâng cao kiến thức và thực hành, ứng phó kịp thời với các tình huống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người có khả năng xuất hiện và bùng phát tại địa phương.
Bên cạnh đó, hai bên thực hiện việc giám sát, phòng và chống bệnh lây truyền từ động vật sang người như: chia sẻ thông tin, phối hợp tổ chức điều tra, xử lý ca bệnh, ổ dịch, chia sẻ mẫu bệnh phẩm, triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh...
Hiện trên địa bàn thành phố có 5 điểm tiêm phòng dại. Ngoài TTYTDP thành phố, Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu, quận Ngũ Hành Sơn, quận Cẩm Lệ và huyện Hòa Vang đều có chương trình tiêm vắc-xin phòng bệnh dại do động vật cắn. Qua theo dõi cho thấy, 100% các trường hợp bị chó, mèo cắn được tiêm phòng đều không bị mắc bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Trí Thức, Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, TTYTDP thành phố chia sẻ, ngay sau khi bị chó dại cắn hoặc tiếp xúc với nước dãi của động vật nghi bị dại, nạn nhân cần ngay lập tức rửa vết thương dưới vòi nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn như xà phòng để diệt vi-rút, tuyệt đối không nặn hoặc băng kín vết thương.
Sau đó, tới ngay cơ sở y tế để được tiêm phòng dại và điều trị dự phòng bằng kháng huyết thanh dại. Thời gian vàng để điều trị dự phòng bệnh dại là 24-48 giờ sau khi bị cắn. Thời gian càng kéo dài thì hiệu quả điều trị càng kém và nạn nhân càng có nguy cơ cao bị tổn thương tế bào thần kinh.
Vì thế, sau khi bị cắn, người bệnh cần đến cơ sở y tế ngay lập tức, không nên chờ đợi, đồng thời theo dõi chó, nếu chó chết mới đi tiêm phòng.
Bác sĩ Thức cho biết thêm, nhiều người không tiêm ngừa vì cho rằng tiêm phòng chó dại có thể ảnh hưởng đến sự phát triển trí não. Đó là do trước đây trình độ y tế chưa phát triển cao, vắc-xin tiêm phòng chó dại có thể gây biến chứng về thần kinh, có thể gây suy giảm trí nhớ cho nạn nhân.
Nhưng hiện nay vắc-xin phòng bệnh dại Verorab của Pháp có độ an toàn rất cao và hầu như không gây biến chứng thần kinh, không suy giảm trí nhớ hay sức khỏe mà chỉ có tác dụng phụ như toàn thân sốt phát ban, nổi mề đay, hoặc ngứa, sưng tấy đỏ tại nơi tiêm kéo dài vài ngày sau đó sẽ hết.
Để chủ động phòng bệnh dại cho người và động vật, việc tiêm vắc-xin dại cho động vật là hết sức cần thiết. Hằng năm, Chi cục Chăn nuôi và thú y thành phố đều tổ chức đợt tiêm phòng tập trung bệnh dại cho chó, mèo tại 56 xã, phường trên địa bàn vào khoảng từ tháng 3 đến cuối tháng 5.
Năm nay, đợt tiêm phòng bắt đầu từ ngày 31-3. Hiện, Chi cục Chăn nuôi và thú y phối hợp với các địa phương tổ chức đợt tiêm phòng theo đúng kế hoạch và đã hoàn tất tiêm phòng tại 5 quận, huyện; đồng thời chuẩn bị tiến hành tại quận Liên Chiểu và Ngũ Hành Sơn.
Bên cạnh việc tiêm phòng bệnh dại cho người và động vật, các địa phương cần tích cực tuyên truyền cho người dân cách phòng, chống bệnh dại, vận động các gia đình đưa chó, mèo đi tiêm phòng dại, không thả rông và đeo rọ mõm khi chó ra đường, có dây xích và có người dắt.
Các phụ huynh cần nhắc nhở con em không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo. Trường hợp bị chó, mèo cắn cần nhanh chóng sát trùng vết thương và đến ngay trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm vắc-xin kịp thời.
Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm vi-rút cấp tính của hệ thần kinh trung ương dẫn đến tử vong chắc chắn. Bệnh có thể xuất hiện quanh năm trên động vật và lây truyền sang người, nhưng mùa hè là thời điểm bệnh bùng phát mạnh nhất. Vì thế, cần có những biện pháp chủ động phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả sự phát sinh và lây lan bệnh, tiêm vắc-xin ngay sau khi bị động vật cắn. “Tiêm phòng vắc-xin bệnh dại là biện pháp duy nhất cứu người bị chó dại cắn. Tuyệt đối không điều trị bệnh bằng thuốc nam, mê tín dị đoan gọi thầy cúng về chữa bệnh để tránh hậu quả đáng tiếc”, bác sĩ Nguyễn Trí Thức nhấn mạnh. |
Bài và ảnh: THU THẢO