Sẵn sàng tiêm vắc-xin mới

.

Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) năm 2018 sẽ triển khai 3 loại vắc-xin mới thay thế cho các loại vắc-xin không còn phù hợp. Tại Đà Nẵng, một trong ba loại vắc-xin mới là vắc-xin Sởi-Rubella (MRVAC) do Việt Nam sản xuất đã được triển khai đồng loạt tại các điểm tiêm chủng.

Theo Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) thành phố, công tác chuẩn bị, hướng dẫn, tư vấn cho người dân đã sẵn sàng trước khi 2 loại vắc-xin còn lại được triển khai trong tháng 5 và tháng 7 tới.

Khoảng 2.500 liều vắc-xin sởi-Rubella mới lần đầu tiên được tiêm cho trẻ sơ sinh tại Đà Nẵng và chưa ghi nhận trường hợp phản ứng nặng.
Khoảng 2.500 liều vắc-xin sởi-Rubella mới lần đầu tiên được tiêm cho trẻ sơ sinh tại Đà Nẵng và chưa ghi nhận trường hợp phản ứng nặng.

Sáng 12-5, chị Lê Thị Ngân (trú tổ 18, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) bế con trai đầu lòng đến Trạm Y tế phường Nại Hiên Đông để được tiêm chủng vắc-xin Sởi-Rubella. Đây là vắc-xin do Việt Nam sản xuất, thay thế loại do Ấn Độ sản xuất được sử dụng trong giai đoạn trước đó.

“Tôi nghe chương trình TCMR có vắc-xin mới thay thế nhưng không biết cụ thể như thế nào, tính hiệu quả, an toàn ra sao nên ban đầu cũng có chút bối rối. Tuy vậy, khi tìm hiểu thêm và được hỗ trợ, tư vấn của nhân viên y tế, tôi đã bớt lo lắng”, chị Ngân cho biết.

Trước đó, trong đợt tiêm chủng MRVAC diễn ra vào cuối tháng 4-2018, Trạm Y tế phường Nại Hiên Đông đã tiếp nhận, tư vấn và tiêm cho hơn 20 trẻ em trên địa bàn phường. Theo điều dưỡng Đinh Thị Xuân, cán bộ chuyên trách tiêm chủng của trạm y tế này, tâm lý chung của các bậc phụ huynh là quan tâm đến sức khỏe của con em cũng như những phản ứng trước và sau tiêm hơn là chất lượng vắc-xin MRVAC.

Trước đó, tại buổi họp báo diễn ra vào giữa tháng 4 tại Đà Nẵng, ông Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) khẳng định, vắc-xin MRVAC do Việt Nam sản xuất theo công nghệ kỹ thuật từ Nhật Bản, kết quả tiêm chủng ban đầu tại một số địa phương cho thấy không ghi nhận trường hợp phản ứng nặng sau tiêm, tính an toàn của vắc-xin MRVAC tương tự vắc-xin MRVAC do Ấn Độ sản xuất đã sử dụng cho giai đoạn trước đó. Theo TTYTDP thành phố, trong tháng 4, các cơ sở y tế trên địa bàn đã tiêm khoảng 2.500 liều vắc-xin MRVAC, đến thời điểm hiện tại chưa ghi nhận trường hợp phản ứng nặng sau tiêm.

Ông Đặng Quang Ánh, Phó khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vắc-xin sinh phẩm, TTYTDP thành phố cho biết, thực hiện kế hoạch của Bộ Y tế,  thời gian qua, đơn vị đã chủ động triển khai các hoạt động tập huấn, hướng dẫn, tư vấn cho nhân viên y tế tại các điểm tiêm chủng.

“Vào 2 đợt tiêm chủng mỗi tháng, nhân viên của trung tâm sẽ phối hợp với nhân viên y tế các quận, huyện trực tiếp giám sát tại các điểm tiêm chủng. Song song với các hoạt động tập huấn, rà soát, khám sàng lọc trước khi tiêm là công tác hướng dẫn, giới thiệu về tính an toàn của 3 loại vắc-xin mới thay thế”, ông Quang cho biết.

Trước đó, để bảo đảm hoạt động tiêm chủng 3 vắc-xin mới gồm vắc-xin MRVAC, vắc-xin bại liệt tiêm IPV (sử dụng cùng với vắc-xin bại liệt uống OPV) và vắc-xin ComBE Five (thay thế vắc-xin Quinvaxem 5 trong 1, phòng 5 bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do khuẩn Hib cho trẻ dưới 1 tuổi) theo đúng kế hoạch của Bộ Y tế, Sở Y tế thành phố đã ban hành kế hoạch truyền thông, trong đó tập trung chủ yếu vào việc cung cấp thông tin đầy đủ, rõ ràng và tính hiệu quả về 3 loại vắc-xin mới cho các bậc phụ huynh.

Dự kiến, trong tháng 5 này, vắc-xin bại liệt tiêm IPV bắt đầu được triển khai và đến tháng 7 tới, vắc-xin ComBE Five sẽ thay thế vắc-xin Quinvaxem 5 trong 1. Cũng theo TTYTDP, hiện còn khoảng 4.500 liều vắc-xin Quinvaxem 5 trong 1 được dự trữ, bảo đảm cung ứng đủ nguồn vắc-xin cho tiêm chủng từ nay đến tháng 7 tới, khi vắc-xin ComBE Five được bổ sung.

Bài và ảnh: PHAN CHUNG

;
.
.
.
.
.
.