Theo thống kê của ngành y tế, số người thực nhiễm bệnh về tiêu hóa ở Việt Nam chiếm khoảng gần 10% dân số.
Khách hàng lựa chọn mua thực phẩm. (Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN) |
Đó là các bệnh như: táo bón, rối loạn tiêu hóa, trào ngược dạ dày, ợ hơi, trướng bụng, viêm loét dạ dày, hội chứng ruột kích thích, viêm ruột, ung thư...
Điều đáng báo động là những bệnh ung thư liên quan đến đường tiêu hóa như ung thư dạ dày, gan, đại tràng ngày càng gia tăng, phần lớn được phát hiện khá muộn với hệ lụy có thể dẫn đến ung thư, nên không còn khả năng cứu chữa.
Thạc sỹ Phí Thị Quang, chuyên khoa Tiêu hóa (Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC) cho hay, để phòng các bệnh về đường tiêu hóa, mỗi người nên là bác sỹ tốt nhất của chính mình và bệnh viện tốt nhất của mình chính là nhà bếp để tự bảo vệ sức khỏe của bản thân và nhận thức được tầm quan trọng của việc ăn uống đúng cách.
Theo bác sỹ Quang, nhiều người có nguy cơ mắc ung thư đại tràng từ thực phẩm ít chất xơ. Người mắc bệnh này ban đầu có các triệu chứng lâm sàng khá giống nhau như đại tiện không thông, gây ứ đọng cặn bã trong ruột khiến nhiều người chủ quan, nhầm lẫn giữa viêm đại tràng với bệnh táo bón.
“Người bệnh nếu bị táo bón kéo dài sẽ là nguyên nhân khiến cơ thể có nguy cơ hấp thụ ngược trở lại các độc tố, lâu ngày dẫn đến ung thư. Theo thống kê, hầu hết những người mắc bệnh đều có chế độ dinh dưỡng mất cân đối, ăn quá nhiều thịt, ít rau, dẫn đến cơ thể thiếu chất xơ và vitamin.
Vì vậy, việc duy trì chế độ ăn uống lành mạnh theo tỷ lệ ăn thịt và ăn rau ở mức 1:4 hoặc 1:5 sẽ góp phần đảm bảo cơ thể tránh các nguy cơ bệnh tiềm ẩn,” bác sỹ Quang phân tích.
Bên cạnh đó, người bị viêm đại tràng thường phải đối mặt với các biểu hiện đau bụng đi ngoài, đầy hơi, khó tiêu ngay sau khi ăn các món ăn lạ, đồ ăn sống lạnh, các món ăn có chứa hóa chất, chất làm trắng như bún, phở…do bún được làm từ bột gạo, được ngâm với nước trước khi làm khoảng 1 ngày để bột nở ra.
Trong thời gian này sẽ có quá trình lên men của tinh bột, chưa kể, nhiều cơ sở thường cho nhiều chất phụ gia và chất bảo quản vào thực phẩm này khiến cho hệ tiêu hóa sẽ bị ảnh hưởng khi ăn. Vì thế, người dân trước khi ăn cần chần bún thật kỹ qua nước sôi nhằm làm giảm lượng hóa chất có trong bún cũng như giảm mùi chua đã lên men của tinh bột.
Ung thư đường tiêu hóa có thể chữa khỏi nhờ phát hiện sớm và điều trị can thiệp kịp thời. Bệnh diễn tiến âm thầm và thường không có biểu hiện rõ rệt.
Vì vậy, bác sỹ Quang khuyến cáo người dân khi thấy dấu hiệu bất thường như đầy hơi, khó tiêu, nuốt vướng, đau bụng, nôn ói, thiếu máu, sụt cân và đi ngoài phân đen, trong đó đặc trưng nhất là đại tiện ra máu, rối loạn đại tiện,… thì người bệnh nên đi khám ngay.
Biện pháp tốt nhất là mỗi người nên thực hiện khám và tầm soát định kỳ bằng các bước thăm khám lâm sàng như siêu âm, nội soi hoặc làm các xét nghiệm chỉ dấu khối u. Việc xét nghiệm và chẩn đoán ban đầu đóng vai trò quan trọng trong việc tầm soát phát hiện sớm nguy cơ.
Theo Vietnam+