Kế hoạch hóa gia đình và phát triển bền vững

.

Công tác kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) góp phần ổn định quy mô, cơ cấu, chất lượng dân số. Để mỗi gia đình chỉ sinh đúng, sinh đủ 2 con, việc cung cấp các phương tiện tránh thai an toàn và phổ cập đến người dân chính là cách thức đầu tư vào công tác KHHGĐ hiệu quả nhất, với chi phí thấp nhất.

Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thành phố tổ chức hội thi “Công tác dân số trong tình hình mới”.
Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thành phố tổ chức hội thi “Công tác dân số trong tình hình mới”.

4 thập kỷ qua, nước ta đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong việc cải thiện hệ thống cung cấp dịch vụ KHHGĐ. Tổng tỷ suất sinh giảm, từ mức mỗi cặp vợ chồng có tới 5 con vào những năm 1970, đến nay tỷ lệ này ở mức sinh thay thế 2,09 con. Tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai (BPTT) hiện đại tăng từ 37% trong năm 1988 lên trên 70%. Các chỉ số sức khỏe như: tử vong mẹ giảm từ 233/100.000 vào những năm 1990 xuống 69/100.000 năm 2009 và hiện giảm xuống dưới 58.3/100.000.

Công tác KHHGĐ trong những năm qua góp phần ổn định quy mô, cơ cấu, chất lượng dân số. Tại lễ kỷ niệm Ngày Dân số thế giới 11-7-2018, diễn ra ở Hà Nội, bà Astrid Bant, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam nhấn mạnh, thực hiện tốt các quyền về chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục cho phụ nữ và thanh niên/vị thành niên có vai trò rất quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Giải quyết các nhu cầu chưa được đáp ứng về KHHGĐ là một trong những cách thức đầu tư vào công tác KHHGĐ. Việc đầu tư vào công tác KHHGĐ chính là đầu tư nhằm cải thiện sức khỏe và thực hiện các quyền của phụ nữ cũng như các cặp vợ chồng. Điều này mang lại rất nhiều lợi ích về kinh tế và các lợi ích khác, có thể thúc đẩy quá trình phát triển và đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm thành công của sự phát triển bền vững kinh tế-xã hội đất nước.

Với việc đa dạng hóa phương tiện, BPTT, mạng lưới cung cấp và chế độ cung cấp (miễn phí, bán rẻ, bán theo giá thị trường) đã giúp người dân thuận lợi trong việc tiếp cận và lựa chọn BPTT phù hợp. Bên cạnh đó, các địa phương có nhiều chính sách triển khai tích cực và sáng tạo nên đã đạt những thành tựu nổi bật. Đến nay, mô hình “gia đình 2 con” đang trở nên phổ biến. Mục tiêu mà chương trình KHHGĐ theo đuổi suốt nửa thế kỷ qua đã đạt được một cách vững chắc. Hiện nay, với nhận thức ngày một nâng cao, việc sinh đẻ đã chuyển từ hành vi mang tính tự nhiên, bản năng sang hành vi có kế hoạch, văn minh; từ bị động sang chủ động; từ số lượng con nhiều, chất lượng thấp sang số con ít, chất lượng cao hơn; từ sinh đẻ ít trách nhiệm sang sinh đẻ có trách nhiệm.

Những thách thức cho sự phát triển bền vững về công tác dân số hiện nay là mất cân bằng giới tính khi sinh, già hóa dân số, chất lượng dân số tăng nhưng chưa cao, di dân diễn ra mạnh mẽ và phân bố dân số còn nhiều bất cập... Chính vì vậy, Nghị quyết số 21/NQ-TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 đã định hướng cho chính sách dân số Việt Nam trong thời gian tới là: “Tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ thực hiện KHHGĐ sang chính sách dân số và phát triển. Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững”.

Việc chuyển trọng tâm của chính sách dân số phù hợp với thực tế mức sinh thấp và yêu cầu giải quyết những vấn đề dân số mới nảy sinh. Tuy nhiên, trong tình hình mới, thực hiện KHHGĐ không còn là trọng tâm của chính sách dân số chứ không phải là hủy bỏ việc thực hiện “gia đình 2 con”. Công tác này thậm chí cần được duy trì thường xuyên nhưng với mục tiêu mới và phương thức thực hiện mới. Nếu trước đây, chính sách dân số luôn nhấn mạnh mục tiêu “giảm sinh” thì mục tiêu của chính sách dân số mới là “duy trì mức sinh”, tức là mỗi gia đình có 2 con. Điều này nhằm bảo đảm không để mức sinh giảm sâu hơn nữa, hoặc tăng dân số trở lại.

Khảo sát chuyên môn cho thấy, hiện nay, phụ nữ trong độ tuổi 15-49 sử dụng các BPTT hiện đại chỉ đạt 64,4% và tỷ lệ sử dụng các BPTT truyền thống còn cao ở một số vùng khó khăn. Tổng tỷ suất phá thai ở nước ta hiện nay là 0,42, nghĩa là cứ 5 phụ nữ thì có 2 người từng phá thai ít nhất một lần trong toàn bộ giai đoạn sinh sản.

Bài và ảnh: MINH PHÚC

;
.
.
.
.
.
.