Phòng, chống lao đa kháng thuốc

.

Dù được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu cả nước về công tác phòng, chống lao, nhưng việc điều trị bệnh lao, đặc biệt là lao đa kháng thuốc tại Đà Nẵng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhất là việc phòng, chống lao hiện nay còn thụ động.

Việc phát hiện, điều trị bệnh lao, đặc biệt là lao đa kháng thuốc vẫn còn thụ động. TRONG ẢNH: Một bệnh nhân điều trị bệnh lao tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng.
Việc phát hiện, điều trị bệnh lao, đặc biệt là lao đa kháng thuốc vẫn còn thụ động. TRONG ẢNH: Một bệnh nhân điều trị bệnh lao tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng.

Ông Trần Văn S. (56 tuổi, trú huyện Hòa Vang) bị ho liên tục trong vòng 2 tháng nên đi khám ở cơ sở y tế gần nhà và được chỉ định uống thuốc điều trị viêm phế quản. Gần đây, bệnh tình không giảm, lại ho ra máu, ông đến Bệnh viện Phổi Đà Nẵng khám, xét nghiệm và được bác sĩ kết luận bị lao đa kháng thuốc!

“Tôi chủ quan, cứ nghĩ ho là triệu chứng thông thường do tuổi cao, sức yếu, thời tiết thay đổi nên cứ uống thuốc liên quan đến hô hấp. Ai ngờ lại mắc căn bệnh này. Cũng may phát hiện kịp thời chứ để lâu thì không biết đường nào lần”, ông S. nói.

Cùng nằm điều trị với ông S. tại Khoa Nội 4 (Khoa Lao đa kháng thuốc), bệnh nhân Nguyễn Xuân H. (61 tuổi, trú quận Liên Chiểu) cho biết, ông có tiền sử bệnh lao, được chỉ định điều trị theo phác đồ của bác sĩ từ 3 năm trước.

Thời gian gần đây, thấy bệnh tình có dấu hiệu trở nặng, ông tái khám thì được kết luận bị lao đa kháng thuốc. Theo yêu cầu của bác sĩ, ông H. phải điều trị nội trú ít nhất 1 tháng, tùy diễn biến bệnh tình sẽ có phác đồ điều trị mới.

Từ năm 2012, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng là một trong 3 trung tâm y tế trên cả nước được triển khai kỹ thuật Gene Xpert trong chẩn đoán bệnh lao theo chương trình của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Đây là kỹ thuật ứng dụng sinh học phân tử, mang tính đột phá, cho phép xác định vi khuẩn lao ở mức độ ít với độ nhạy và độ đặc hiệu cao.

Theo bác sĩ Phùng Đình Thạnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, quy trình thao tác của kỹ thuật này rất đơn giản, cho kết quả nhanh và kết quả kép, đồng thời cho biết mẫu bệnh phẩm có nhiều hay ít vi khuẩn và vi khuẩn có kháng thuốc hay không.

“Kỹ thuật thông thường trước đây phải mất 3 tháng mới phát hiện được lao kháng thuốc nhưng với kỹ thuật Gene Xpert, chúng tôi chỉ mất 3 giờ đồng hồ để nhận biết điều đó. Đây là thuận lợi rất lớn giúp phát hiện và điều trị kịp thời bệnh lao đa kháng thuốc”, bác sĩ Thạnh cho biết.

Việc chậm phát hiện lao đa kháng thuốc sẽ khiến quá trình điều trị gặp khó khăn, người bệnh phải điều trị liên tục theo phác đồ mới từ 9-20 tháng. Ngoài ra, việc phát hiện muộn sẽ khiến người bệnh bị tổn thương gan, thận, da và một số bệnh lý đi kèm.

Cũng theo lãnh đạo Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến lao đa kháng thuốc, trong đó việc không tuân thủ phác đồ điều trị bệnh lao trước đó được xem là nguyên nhân phổ biến. Hiện nay, 40% người bị bệnh lao hoàn toàn không có các triệu chứng lâm sàng.

Đó cũng là nguyên nhân khiến việc phát hiện, điều trị bệnh lao, đặc biệt là lao đa kháng thuốc vẫn còn ở mức thấp. “Phải thừa nhận các chương trình phòng, chống lao trong cộng đồng còn ở mức rất thấp. Tình trạng lây nhiễm chéo vẫn diễn ra ở các bệnh viện, người dân không chủ động khám, tầm soát sức khỏe thường xuyên, thậm chí nhiều trẻ em vẫn chưa được tiêm chủng vaccine phòng, chống lao đầy đủ.

Đó là những nguyên nhân khiến việc phòng, chống lao nói chung, lao đa kháng thuốc nói riêng còn rất thụ động”, bác sĩ Thạnh cho biết thêm.

Hiện nay, người bị bệnh lao, lao đa kháng thuốc nhận được nhiều hỗ trợ từ chương trình phòng, chống lao quốc gia, được cấp thuốc miễn phí trong quá trình điều trị. Những bệnh nhân bị lao phần lớn đều khó khăn nên từ năm 2015, UBND thành phố đã ban hành quyết định hỗ trợ tiền ăn cho bệnh nhân lao trong thời gian điều trị nội trú tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, với mức 70.000 đồng/ngày/người.

“So với cả nước, Đà Nẵng có nhiều thuận lợi trong chẩn đoán, điều trị lao. Điều quan trọng hơn là cần phải nâng cao nhận thức trong cộng đồng về công tác phòng, chống lao. Người dân nên chủ động bảo vệ sức khỏe, đồng thời tháo gỡ rào cản xa lánh, kỳ thị đối với bệnh nhân lao để nhiệm vụ này thực hiện hiệu quả hơn”, bác sĩ Thạnh nói.

Bài và ảnh: PHAN CHUNG

;
.
.
.
.
.
.