Các cơ sở điều trị methadone gặp khó

.

Hiện nay, các cơ sở điều trị methadone trên địa bàn thành phố đang gặp nhiều khó khăn khi cơ sở vật chất xuống cấp và thiếu nhân lực để hoạt động. Bởi vậy, cần có giải pháp để giải quyết tình trạng này.

Cơ sở 1 điều trị methadone nằm nép mình phía sau Trung tâm Y tế quận Thanh Khê, bên trong hạ tầng xuống cấp nhiều.
Cơ sở 1 điều trị methadone nằm nép mình phía sau Trung tâm Y tế quận Thanh Khê, bên trong hạ tầng xuống cấp nhiều.

Năm 2010, lần đầu tiên thành phố đưa cơ sở điều trị methadone vào hoạt động tại số 91, đường Nguyễn Đức Trung, quận Thanh Khê; cơ sở thứ 2 ở địa chỉ 163 Hải Phòng, quận Hải Châu đi vào hoạt động từ năm 2012.

Từ năm 2010 đến nay, hai cơ sở điều trị methadone này có lượng bệnh nhân ổn định ở mức 300 - 320 người. Tính đến đầu tháng 10-2018, tại cơ sở 1 có 154 người và ở cơ sở 2 có 169 đang điều trị methadone.

Theo ông Lê Thành Chung, quyền Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS thành phố, đơn vị quản lý 2 cơ sở điều trị methadone, trước thực tế những người nghiện heroin nặng gần như không thể cai nghiện được thì việc dùng methadone thay thế được cho là giải pháp đem lại nhiều lợi ích.

Bởi mỗi ngày người nghiện được uống methadone thì trong vòng 24 giờ họ sẽ không bị cảm giác lên cơn nghiện. Việc thành phố cung cấp miễn phí thuốc uống methadone cũng là giải pháp tối ưu về kinh tế vì chỉ cần uống đúng liệu trình, người nghiện ma túy sẽ có thể làm việc, học tập như mọi người.

Trong khi đó, nếu sử dụng heroin thì với người nghiện nhẹ mỗi ngày cũng cần từ 200.000 – 400.000 đồng còn người nghiện nặng thì lên đến cả triệu đồng mỗi ngày. Chính vì vậy, nhiều người nghiện heroin chọn đến 2 cơ sở điều trị methadone để cai nghiện.

Tuy nhiên, hiện nay, hoạt động của 2 cơ sở điều trị methadone đang gặp nhiều khó khăn. Cả hai cơ sở đều trong tình trạng xuống cấp, chật hẹp. Trong khi cơ sở 1  đang “ở nhờ” trên mảnh đất khoảng 150m2 của Trung tâm Y tế quận Thanh Khê, thì cơ sở 2 cũng “gửi tạm” tại Đội Y tế dự phòng thuộc Trung tâm Y tế quận Hải Châu.

Vì chỉ “ở tạm” nên mọi thứ đều khá tạm bợ, không gian dành cho người nghiện đến tư vấn và uống thuốc hằng ngày cũng chưa đủ riêng tư nên nhiều người nghiện ngại không muốn đến uống thuốc hằng ngày. Đặc biệt, có nhiều người xa trung tâm như quận Ngũ Hành Sơn, huyện Hòa Vang... nên phải mất nhiều thời gian đến đây.

Về vấn đề này, anh L.V.N, một người nghiện ở huyện Hòa Vang cho biết, việc bất kể nắng, mưa, thậm chí là gió bão đều phải đến số 91 Nguyễn Đức Trung ở quận Thanh Khê chỉ để uống 1 liều thuốc methadone là rất trở ngại, nên anh và một số người bỏ điều trị vì sự bất tiện này.

Bên cạnh đó, cả 2 cơ sở điều trị methadone cũng đang gặp không ít khó khăn khi mất dần nguồn nhân lực. Trong suốt 2 năm qua, cơ sở 2 chỉ còn một bác sĩ, do một bác sĩ đã chuyển việc vì thu nhập thấp. Thậm chí, cả hai cơ sở chỉ có một tạp vụ, nên nhân viên này phải thay phiên làm việc, rất bất tiện và không đảm đương hết công việc… Trong khi đó, đặc thù làm việc ở cơ sở điều trị methadone là đủ 365/365 ngày vì một ngày không có thuốc thì người nghiện sẽ lên cơn, rất nguy hiểm.

Về vấn đề này,  ông Lê Thành Chung  cũng bức xúc cho biết đã có kiến nghị chuyển các cơ sở điều trị methadone về “biên chế” ở các trung tâm y tế quận, huyện nhưng tất cả các trung tâm đều không muốn nhận vì theo quy định về chức năng của trung tâm y tế quận, huyện hiện nay là không có cơ sở điều trị methadone nên cũng đành chịu.

Riêng về việc thành lập thêm cơ sở 3 để người bệnh không phải đi xa thì theo ông Chung, cũng vướng phải quy định của Bộ Y tế là mỗi cơ sở tiếp nhận và điều trị 200 bệnh nhân. Trong khi mỗi cơ sở điều trị methadone hiện nay của thành phố lại có chưa đến 200 bệnh nhân. Việc xã hội hóa các cơ sở điều trị methadone cũng đã được đề xuất nhưng vẫn chưa thực hiện được nên nhiều năm qua, cả 2 cơ sở này đều rơi vào tình cảnh “bỏ thì thương, vương thì... nặng”.

Bài và ảnh: THANH VÂN

;
.
.
.
.
.
.