Gần 300 bệnh nhân can thiệp mạch vành thành công khi đặt stent do Việt Nam sản xuất, giá rẻ hơn hàng nhập khẩu 40%.
Nếu stent được sản xuất ở Việt Nam giá thành sẽ giảm từ 30-40% so với nhập khẩu. Ảnh: A.Q |
Tiến sĩ Nguyễn Thượng Nghĩa, Trưởng Khoa Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết sau hơn một năm thử nghiệm đặt stent phủ thuốc điều trị tắc động mạch vành do Việt Nam sản xuất, đã có 44 bệnh nhân tại bệnh viện tình nguyện thực hiện. Kết quả 100% bệnh nhân không bị tái hẹp cũng như không có sự cố xảy ra.
"Trước mắt kết quả thử nghiệm lâm sàng rất khả quan, stent do Việt Nam sản xuất hiệu quả không thua sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ, châu Âu. Các thao tác kỹ thuật để đặt stent cũng dễ dàng, tương đối an toàn với bệnh nhân”, bác sĩ Nghĩa nhận định.
Đây là sản phẩm do một công ty trang thiết bị y tế Việt Nam thực hiện nghiên cứu từ năm 2013 dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia can thiệp tim như giáo sư Thạch Nguyễn từ Mỹ, giáo sư Nguyễn Thành Nhân, Chủ tịch Hội Tim mạch can thiệp TP HCM. Năm 2016, sau khi Bộ Y tế phê duyệt, Bệnh viện Chợ Rẫy là đơn vị đầu tiên thử nghiệm. Sau đó hơn 250 bệnh nhân thử nghiệm đặt stent phủ thuốc này thành công tại Bệnh viện E, Thống Nhất, Y dược TP HCM, Nhân dân Gia Định, Đa khoa Khánh Hòa...
Theo tiến sĩ Nghĩa, stent là một sản phẩm y tế công nghệ cao, hiện trên thế giới mới chỉ khoảng 40 công ty sản xuất. Thiết bị này gần giống như chiếc lò xo được luồn vào các mạch máu bị tắc, giúp cho máu có thể lưu thông trở lại. Stent khi đặt vào mạch máu sẽ nằm ở đó suốt đời nên điều kiện sản xuất nghiêm ngặt, đòi hỏi sử dụng công nghệ cao. Vật liệu tạo nên stent phải tương thích với cơ thể người, chưa kể các điều kiện vô trùng, sinh học, hóa học... rất khắt khe.
Ước tính mỗi năm Việt Nam chi cả tỷ USD để nhập khẩu thiết bị y tế, riêng nhập khẩu stent khoảng 50.000 USD. Ở khu vực Đông Nam Á hiện mới chỉ có Singapore sản xuất được stent nhờ nhập khẩu công nghệ từ Thụy Sỹ. Nếu stent được sản xuất ở Việt Nam giá thành sẽ giảm 30-40% so với nhập khẩu.
Hiện trung bình mỗi ca đặt stent có chi phí 70-100 triệu đồng, tính riêng stent nhập khẩu giá 45 triệu đồng. Dù đã được Bảo hiểm Y tế thanh toán một phần, chi phí này vẫn còn khá lớn đối với bệnh nhân nghèo. Mỗi năm Bệnh viện Chợ Rẫy có khoảng 20.000 bệnh nhân có nhu cầu đặt stent thông tắc mạch vành.
Bệnh động mạch vành là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Lòng động mạch vành hẹp lại do mảng xơ vữa hoặc do co thắt mạch làm giảm lượng máu nuôi cơ tim, gây thiếu máu cơ tim. Nếu mảng xơ vữa bị vỡ ra, kích hoạt quá trình đông máu và kết tập tiểu cầu, tạo cục máu đông làm tắc lòng mạch, gây nhồi máu cơ tim cấp rất nguy hiểm.
Dự kiến sau khi đáp ứng nhu cầu trong nước, Việt Nam sẽ xuất khẩu stent sang các nước khác. Ảnh: A.Q |
Stent phủ thuốc "made in" Việt Nam đã hoàn thiện, đang chờ Bộ Y tế cấp phép lưu hành để sản xuất đại trà và phân phối rộng rãi trên thị trường. Dự kiến sau khi đáp ứng nhu cầu trong nước, Việt Nam sẽ xuất khẩu sang các nước khác.
Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, hiện cả nước có khoảng 170 doanh nghiệp sản xuất trang thiết bị y tế, đưa ra thị trường nhiều sản phẩm có chất lượng. Một số sản phẩm công nghệ cao như Xquang, dao mổ điện, máy theo dõi bệnh nhân... cũng đã được nghiên cứu, sản xuất nhưng còn gặp khó khăn trong việc tìm đầu ra, thị trường và khó cạnh tranh với sản phẩm ngoại nhập.
Các bộ Y tế, Tài chính, Công thương đã cùng phối hợp xây dựng và trình Chính phủ nhiều giải pháp để hỗ trợ sản xuất trang thiết bị y tế trong nước.
Theo VnExpress