Ngày 7-11, lần đầu tiên Bệnh viện Đà Nẵng phối hợp với GS Masatoshi Makuuchi (Nhật Bản), người được xem là “huyền thoại sống” về ghép tạng của thế giới, trực tiếp thực hiện thành công ca phẫu thuật cắt khối u gan cho một bệnh nhân lớn tuổi.
Nhóm bác sĩ tại Bệnh viện Đà Nẵng tham gia ca phẫu thuật cắt u gan do GS Masatoshi Makuuchi thực hiện ngày 7-11. Ảnh: PHAN CHUNG |
Sự hợp tác này mở ra một bước tiến mới cho Bệnh viện Đà Nẵng trong việc lĩnh hội kỹ thuật ghép tạng hàng đầu, tạo tiền đề quan trọng để đến năm 2020, đơn vị này có thể thực hiện ca ghép gan đầu tiên.
Sau 5 giờ đồng hồ được GS Masatoshi Makuuchi trực tiếp phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân Đặng Ngọc Th. (78 tuổi, quê Quảng Ngãi) đã có dấu hiệu ổn định, phục hồi. Trước đó, bệnh nhân Th. vào bệnh viện khám vì đau khu vực hạ sườn.
Sau khi thăm khám và siêu âm, các bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng phát hiện bệnh nhân bị u gan phải, đường kính 7cm. Qua hội chẩn, GS Masatoshi Makuuchi đã quyết định trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân Th. Tham gia ca phẫu thuật còn có ê-kíp Khoa Ngoại tiêu hóa và Khoa Gây mê hồi sức (Bệnh viện Đà Nẵng).
Bác sĩ Nguyễn Hoàng, Trưởng Khoa Ngoại tiêu hóa cho biết, phẫu thuật cắt khối u gan đã được thực hiện tại Bệnh viện Đà Nẵng từ trước nhưng riêng GS Masatoshi Makuuchi lại có những kỹ thuật và thiết bị chuyên biệt.
“Những động tác tỉ mỉ, chính xác, các cấu trúc giải phẫu được bộc lộ một cách rõ ràng. Ngoài ra, việc sử dụng thiết bị chuyên dụng để siêu âm trên bề mặt gan đã giúp phát hiện được các khối u vệ tinh nếu có. Trong quá trình phẫu thuật, GS Masatoshi Makuuchi cũng chỉ ra những phương pháp định vị mạch máu, giúp ê-kíp chủ động cầm máu cho bệnh nhân, đây là một trong những nguy cơ dễ xảy ra trong phẫu thuật gan”, bác sĩ Hoàng cho biết.
Đây là hoạt động nằm trong chương trình hợp tác giữa Bệnh viện Đà Nẵng với Hiệp hội Y bác sĩ Việt-Nhật và Tổ chức Team Medical Rounds (Nhật Bản). GS Masatoshi Makuuchi vốn được mệnh danh là “huyền thoại sống” về ghép tạng của thế giới.
Ông không chỉ nổi tiếng ở Nhật Bản mà còn là một phẫu thuật viên gan, mật, tụy nổi tiếng. Trao đổi với báo chí sau ca phẫu thuật, ông cho biết: “Mục tiêu chính của chương trình hợp tác này là làm chủ kỹ thuật ghép gan. Đây là một kỹ thuật khó, phức tạp, phải theo dõi dài sau ca phẫu thuật. Chính vì thế, trình độ chuyên môn của bác sĩ là điều kiện hàng đầu để bảo đảm sự thành công của kỹ thuật này”.
Việc tham gia ca phẫu thuật cắt u gan do GS Masatoshi Makuuchi thực hiện ngày 7-11 đem lại những kinh nghiệm quý báu cho bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng. |
Tháng 9-2018, Hiệp hội Y bác sĩ Việt-Nhật đã ký kết với Bệnh viện Đà Nẵng về huấn luyện đội bác sĩ ghép gan chuyên nghiệp. Theo đó, Hiệp hội Y bác sĩ Việt-Nhật và Tổ chức Team Medical Rounds sẽ tạo điều kiện để Bệnh viện Đà Nẵng đưa các ê-kíp bác sĩ sang Nhật Bản bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ theo kiểu “cầm tay chỉ việc”.
Mỗi ê-kíp này sẽ trải qua quá trình phối hợp làm việc và thực nghiệm tại các bệnh viện, viện đào tạo y khoa tại Nhật Bản trong khoảng 6 tháng. Song song với quá trình này, tại Bệnh viện Đà Nẵng, các bác sĩ Nhật Bản cũng sẽ đến làm việc, tiến hành chuyển giao kỹ thuật, trực tiếp thực hiện cả những ca cắt gan từ đơn giản đến phức tạp.
Ngoài ra, các bác sĩ Nhật Bản sẽ thường xuyên kết nối hội chẩn trực tuyến với bệnh viện để góp phần nâng cao năng lực, sự chuyên nghiệp cho đội ngũ y bác sĩ, gợi mở nhiều phương án điều trị.
Bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, bệnh viện sẽ cử các ê-kíp chuẩn bị điều kiện cho bệnh nhân được ghép gan, từ thực hiện tất cả xét nghiệm, phẫu thuật, gây mê, cấy ghép và cuối cùng là hồi sức tích cực sau phẫu thuật, chăm sóc, phục hồi sức khỏe.
“Trong chiến lược phát triển, bệnh viện sẽ thành lập một trung tâm hiến tạng hàng đầu khu vực miền Trung. Sự hợp tác này sẽ đưa kỹ thuật ghép tạng ở bệnh viện và khu vực miền Trung lên tầm cao mới, không chỉ ghép gan, mà còn cả trong lĩnh vực mật, tụy. Đặc biệt, việc GS Masatoshi Makuuchi cũng tham gia chương trình đào tạo này thực sự là nguồn động viên lớn đối với tập thể y bác sĩ”, bác sĩ Lê Đức Nhân cho biết.
Bài và ảnh: PHAN CHUNG