Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng: Cải tiến quy trình khám, chữa bệnh

.

Với khoảng 2.000 lượt khám vào mỗi ngày cao điểm, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng đã cải tiến quy trình tiếp nhận bệnh để giảm áp lực sắp xếp, bố trí thời gian và quy trình khám chữa bệnh (KCB).

Nhân viên phòng công tác xã hội bấm số khám bệnh tự động và hướng dẫn phòng khám cho người bệnh.
Nhân viên phòng công tác xã hội bấm số khám bệnh tự động và hướng dẫn phòng khám cho người bệnh.

Ngay sau Tết Nguyên đán, chị Lê Thị Hoàn (35 tuổi, trú Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) bế con trai 2 tuổi ra Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng khám và điều trị. Sau khi được nhân viên Tổ tiếp đón hướng dẫn lấy số thứ tự tự động, chị Hoàn được giới thiệu đến 1 trong 8 ô cửa đăng ký khám, sau đó nhận phiếu chuyển thẳng đến phòng khám.

Tại đây, chị được dẫn vào phòng khám đồng thời nhận các phiếu chỉ định xét nghiệm, sau đó chuyển đến phòng khám chuyên khoa sâu. Là bệnh nhân trái tuyến bảo hiểm y tế (BHYT) nhưng quy trình tiếp nhận, chẩn đoán ban đầu cho con trai chị Hoàn chỉ diễn ra trong vòng chưa đầy 20 phút. Nếu phải trải qua các bước như trước đây, quy trình này sẽ diễn ra trên 30 phút.

Từ giữa năm 2018, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng bắt đầu áp dụng quy trình KCB mới để góp phần giải quyết tình trạng quá tải do tiếp nhận một lượng lớn bệnh nhân khu vực miền Trung-Tây Nguyên đến khám, điều trị.

Theo bác sĩ Nguyễn Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, trước khi cải tiến, bệnh viện được phân thành 4 phòng chuyên khoa sản và 6 phòng chuyên khoa nhi để tiếp nhận khám bệnh. Bộ phận đăng ký chỉ cấp số cho người bệnh vào khu khám chuyên khoa sản, nhi và các chuyên khoa lẻ. Tại các khoa, điều dưỡng phải điều phối người bệnh vào từng phòng khám riêng biệt. Theo đó, người bệnh phải mất 3 bước để được vào phòng khám gồm: đăng ký KCB, nộp các giấy tờ liên quan sau đó được hướng dẫn đến khu khám chuyên khoa và tiếp tục chờ đợi thêm một lượt nữa.

Sau khi xem xét ý tưởng thay đổi quy trình khám bệnh, Phòng Quản lý chất lượng bệnh viện phối hợp với phòng Công nghệ thông tin lắp đặt màn hình, thiết bị âm thanh tại phòng khám, máy đăng ký khám bệnh tự động tại khu đăng ký khám bệnh; đồng thời xây dựng hệ thống phần mềm tự động. Hệ thống này sẽ tự động tiếp nhận thông tin người bệnh từ bộ phận đăng ký cấp số cá nhân. Nhân viên tại phòng khám sau khi kết thúc khám cho người bệnh trước sẽ bấm mời người bệnh tiếp theo vào phòng khám. Lúc này, màn hình trước mỗi phòng khám sẽ hiển thị tên và số thứ tự của người bệnh. Như vậy, giai đoạn chờ đợi để được bố trí vào từng phòng khám được bỏ qua.

“Mỗi năm ít nhất cũng tới bệnh viện 3-4 lần để khám, điều trị cho con. Đi từ trời vừa gần sáng nhưng vẫn phải xếp hàng chờ đợi mới được đến lượt mình nên lúc nào cũng lo lắng, nóng ruột. Việc bỏ bớt các thủ tục không cần thiết giúp chúng tôi giải tỏa tâm lý rất nhiều”, chị Nguyễn Thị Khánh (trú huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) chia sẻ.

Trong khi đó, theo anh Trần Văn Xuân (trú phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu), người có con đang điều trị bệnh viêm dạ dày ruột, thường xuyên phải lui tới bệnh viện, việc tăng cường đội ngũ hướng dẫn, rút ngắn thời gian tiếp nhận giúp người nhà cảm thấy được quan tâm; đặc biệt là bớt bức xúc khi cảm thấy sức khỏe, sự an toàn của con được chăm sóc kịp thời.

“Để phục vụ tốt hơn cho quá trình cải tiến này, chúng tôi cũng lắp đặt thêm thiết bị bấm số tự động để khám ưu tiên mà không cần xếp hàng theo thứ tự cho những bệnh nhân hiếm muộn, bệnh nhân khuyết tật, người già trên 70 tuổi, trẻ sơ sinh dưới 60 ngày tuổi, bệnh nhân nặng và bệnh nhân đăng ký khám qua điện thoại, trang web bệnh viện. Bên cạnh đó, những bệnh nhân có thẻ BHYT đăng ký khám bệnh ban đầu tại bệnh viện, thông qua hệ thống đăng ký khám bệnh sẽ được chuyển trực tiếp đến phòng khám mà không phải trải qua 2 bước bốc số và chờ phân loại trước đó”, bác sĩ Sơn cho biết.

Bài và ảnh: PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.