Sở Y tế đang gấp rút hoàn thiện đề án xây dựng bệnh viện vệ tinh tại các trung tâm y tế quận, huyện theo chỉ đạo của UBND thành phố. Việc làm này mang lại lợi ích “kép” khi các cơ sở y tế tuyến quận, huyện được đầu tư, nâng cấp xứng tầm, trong khi bệnh viện hạng 1 không phải đối mặt với tình trạng quá tải.
Đề án Bệnh viện vệ tinh mang lợi ích “kép”: nâng cao năng lực tuyến dưới và giảm tải cho tuyến trên. Trong ảnh: Trung tâm Y tế Cẩm Lệ thực hành kỹ thuật phẫu thuật nội sôi túi mật theo Đề án 1816 của Bộ Y tế. |
Bác sĩ Nguyễn Út, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố khẳng định, xây dựng bệnh viện vệ tinh là bước đi cần thiết trong bối cảnh hiện nay, khi có sự mất cân đối giữa các tuyến y tế trực thuộc sở quản lý. Tại Đà Nẵng, từ năm 2017, Bệnh viện Ung bướu là cơ sở y tế đầu tiên thực hiện bệnh viện vệ tinh (trực thuộc Bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh).
“Trong vòng 2 năm qua, hàng chục kỹ thuật được triển khai, hơn 400 nhân viên y tế được đào tạo, huấn luyện. Và điều quan trọng nhất, đó là việc chuyển giao này sẽ giúp giảm tải cho Bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh nhưng đồng thời cũng giúp bệnh nhân các địa phương lân cận Đà Nẵng tiết kiệm chi phí đi lại, sinh hoạt và điều trị”, bác sĩ Út cho biết.
Xuất phát từ thực tế trên, đề án bệnh viện vệ tinh tại trung tâm y tế quận, huyện sẽ được triển khai tại 3 địa phương gồm Hải Châu, Cẩm Lệ và Hòa Vang. Theo bác sĩ Nguyễn Đại Vĩnh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang, việc triển khai bệnh viện vệ tinh là hết sức cần thiết.
“Cơ sở y tế tuyến quận, huyện cần nâng cao năng lực cạnh tranh, không chỉ đối với hệ thống y tế công lập mà còn đối với các cơ sở y tế tư nhân khi họ được đầu tư khá bài bản.Chưa kể, đội ngũ nhân lực tại các tuyến quận, huyện cần được các bác sĩ tuyến trên hướng dẫn, đỡ đầu trong việc tiếp cận các kỹ thuật y tế hiện đại”, bác sĩ Vĩnh nhấn mạnh.
Cùng quan điểm này, lãnh đạo Trung tâm Y tế Cẩm Lệ chia sẻ thêm, việc hợp tác với cơ sở y tế tuyến trên mang lại nhiều thuận lợi. Đơn cử như tại Cẩm Lệ, khi triển khai đề án 1816 của Bộ Y tế, đơn vị này được Bệnh viện Đà Nẵng chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật nội soi cắt túi mật từ năm 2017. Đến nay, 57 bệnh nhân trực tiếp đến điều trị nội soi cắt túi mật mà không phải lên tuyến trên.
Đề án Bệnh viện vệ tinh mang lợi ích “kép”: nâng cao năng lực tuyến dưới và giảm tải cho tuyến trên. Trong ảnh: Người dân đăng ký thủ tục khám, chữa bệnh tại Trung tâm Y tế Cẩm Lệ. |
Theo bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà đơn vị chú trọng thực hiện hằng năm. Việc chọn Bệnh viện Đà Nẵng là đơn vị hạt nhân cho 3 cơ sở y tế tuyến quận, huyện sẽ giúp bệnh viện thực hiện tốt hơn việc giảm tải, tập trung nghiên cứu, phát triển các dịch vụ kỹ thuật chuyên sâu.
“Tuy nhiên, cần nhìn nhận vấn đề này dưới nhiều góc độ, đặc biệt là cần xem xét thế mạnh các cơ sở tuyến dưới để tiếp tục đầu tư, phát huy thế mạnh. Ngoài ra, nên linh động thời gian đào tạo, không nên cứng nhắc một khoảng thời gian cố định bởi việc chuyển giao có hiệu quả phụ thuộc vào từng gói kỹ thuật, người được chuyển giao. Nếu bị áp lực thời gian chi phối thì không thể lĩnh hội đủ, đúng và chuyên sâu những kỹ thuật cần thiết được”, bác sĩ Nhân cho biết.
Theo ông Nguyễn Út, đề án bệnh viện vệ tinh tại các Trung tâm y tế quận, huyện sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2019-2021 với 2 nhiệm vụ chính, đó là mua sắm trang thiết bị và đào tạo, chuyển giao kỹ thuật. Bệnh viện Đà Nẵng sẽ hỗ trợ đào tạo, chuyển giao một số kỹ thuật, như: thực hành phẫu thuật nội soi tổng quát, hồi sức cấp cứu, chấn thương chỉnh hình, nội soi tiết niệu cơ bản, thực hành về thận nhân tạo cơ bản… Sau khi kết thúc đề án, các cơ sở y tế, đơn vị liên quan sẽ họp đánh giá kết quả, làm cơ sở để đề xuất thành phố xây dựng đề án cho giai đoạn tiếp theo.
Bài và ảnh: PHAN CHUNG