Trong thời gian qua, công tác nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực y dược luôn được thành phố Đà Nẵng triển khai tích cực từ cấp thành phố đến cơ sở. Số lượng và chất lượng nghiên cứu các đề tài khoa học lĩnh vực y dược ngày càng được nâng cao. Những nghiên cứu này đã được ứng dụng vào thực tiễn đem lại hiệu quả cao trong công tác khám chữa bệnh cho người dân.
Trong 5 năm trở lại đây, Sở KH&CN thành phố đã và đang tổ chức nghiên cứu 29 đề tài, dự án các cấp trong lĩnh vực y dược, với tổng kinh phí đến thời điểm hiện tại khoảng 20 tỷ đồng từ ngân sách sự nghiệp KH&CN.
Trong số đó, có 21 quy trình kỹ thuật mới tiên tiến được áp dụng trong khám chữa bệnh từ các đề tài, dự án nghiên cứu này. Ngoài ra, mỗi năm có khoảng 250-300 đề tài cấp cơ sở được ngành y tế thành phố triển khai từ nguồn ngân sách của đơn vị. Điểm đáng chú ý là các nghiên cứu cấp cơ sở ngày càng đa dạng với đầy đủ các lĩnh vực về điều trị; điều dưỡng, chăm sóc người bệnh; dược; y tế công cộng; phòng bệnh; quản lý y tế; quản lý chất lượng bệnh viện…
Các đề tài luôn bám sát nhu cầu thực tế về chăm sóc sức khỏe, mang lại lợi ích thiết thực cho người bệnh, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, nâng cao uy tín ngành Y tế thành phố.
Để có được những thành quả trên, Sở KH&CN thành phố Đà Nẵng đã đẩy mạnh khuyến khích các cá nhân, tổ chức tham gia nghiên cứu khoa học. Theo đó, việc hỗ trợ không chỉ hỗ trợ tạo điều kiện trong thời gian nghiên cứu, thử nghiệm mà Sở KH&CN còn thúc đẩy triển khai nhân rộng với những đề tài được đánh giá cao.
Bà Vũ Thị Bích Hậu, Phó Giám đốc Sở KH&CN cho biết trong thời gian qua, thành phố rất chú trọng vào nghiên cứu khoa học trong y dược. Cùng với những kỹ thuật công nghệ mới được áp dụng trong khám chữa bệnh, nhiều kết quả nghiên cứu của thành phố đã được áp dụng thực tiễn tại các bệnh viện, cơ quan chủ trì đề tài, và đạt được những thành công bước đầu, góp phần nâng cao chất lượng khám và điều trị bệnh cho người dân.
Trong điều trị, chẩn đoán bệnh, nhiều kết quả nghiên cứu của thành phố đã được áp dụng thực tiễn tại các bệnh viện, cơ quan chủ trì đề tài, và đạt được những thành công ban đầu, góp phần nâng cao chất lượng khám và điều trị bệnh cho người dân.
Chẳng hạn như quy trình lọc máu tĩnh mạch được áp dụng tại khoa Hồi sức tích cực - Chống độc của Bệnh viện Đà Nẵng, góp phần cứu sống nhiều ca bệnh nặng, làm cơ sở để triển khai nhiều kỹ thuật lọc máu mới như lọc gan nhân tạo (MARS) trong bệnh nhân suy gan cấp, lọc máu tĩnh mạch - tĩnh mạch liên tục trong bệnh nhân viêm tụy cấp, lọc CVVHDF…
Đề tài nghiên cứu ứng dụng phương pháp VIA trong sàng lọc sớm ung thư cổ tử cung tại tuyến y tế cơ sở đã được Sở Y tế cho phép áp dụng, giúp ngành Y tế thành phố Đà Nẵng hình thành mạng lưới sàng lọc ung thư cổ tử cung từ tuyến dưới, hoạt động với sự giám sát và hỗ trợ của Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản thành phố.
Y học cổ truyền đã kết hợp 3 phương pháp điện châm, hỏa long cứu và thuốc nam vào cai nghiện ma túy đồng thời đào tạo bệnh nhân sau cai thành người giúp việc dạy nghề lương y lương dược. Qua đây, đã giúp đa dạng hóa phương pháp và mô hình cai nghiện ma túy trên địa bàn thành phố. Mô hình đã được triển khai có hiệu quả trong điều trị cắt cơn, giải độc cho bệnh nhân tại Cơ sở Xã hội Bầu Bàng.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng KH&CN trong ngành công nghiệp sản xuất thuốc đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp dược thành phố, bước đầu đã có những sản phẩm mới thay thế thuốc nhập ngoại.
Nổi bật là các nghiên cứu sản xuất thuốc thành công của Công ty CP Dược Danapha như thuốc tân dược hỗ trợ cai nghiện ma túy, thuốc điều trị động kinh; viên nang giúp phòng và điều trị sỏi thận - sỏi mật; hay bào chế viên hoàn Sâm Nhung Tán dục đơn điều trị bệnh nhân suy giảm số lượng và chất lượng tinh trùng của bệnh viện Y học cổ truyền.
Những kết quả khả quan trọng việc ứng dụng khoa học công nghệ nói trên đã chỉ ra chủ trương của thành phố trong việc tiếp tục chú trọng đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ và ứng dụng các tiến bộ khoa học trong lĩnh vực y tế, đặc biệt là các lĩnh vực Y học cổ truyền, y học kỹ thuật cao, y học lâm sàng, y tế cộng đồng, quản lý y tế.
Ngoài các kỹ thuật đã được ứng dụng thành công tại các bệnh viện, ngành y tế cũng với ngành KH&CN tiếp tục tìm kiếm nguồn hỗ trợ từ các dự án trong và ngoài nước để nghiên cứu phát triển kỹ thuật chuyên sâu mới nhằm nâng cao công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cộng đồng trên địa bàn thành phố.
TRẦN NHIÊN