Trong những năm qua, ngành bảo hiểm xã hội (BHXH) thành phố đã triển khai nhiều biện pháp để bảo đảm các chính sách về BHXH được thực hiện đồng nhất, hiệu quả. UBND thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo phát triển đối tượng tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) nhằm hiện thực hóa các Nghị quyết 27, 28/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về các chính sách BHXH.
Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã ký Quyết định số 4522/QĐ-UBND về việc thành lập Ban Chỉ đạo phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN theo đề nghị của Giám đốc BHXH thành phố và Giám đốc Sở Nội vụ thành phố. Ban Chỉ đạo sẽ do Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Miên làm Trưởng ban, 3 Phó trưởng Ban gồm Giám đốc BHXH thành phố, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Giám đốc Sở Y tế cùng 13 thành viên là đại diện lãnh đạo các sở, ngành, các cơ quan liên quan.
Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ giúp UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố tổ chức thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Việc làm, Luật Vệ sinh an toàn lao động và các quy định của pháp luật về chính sách, chế độ BHXH; Ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch triển khai thực hiện việc khai thác, phát triển đối tượng tham gia BHXH; trong đó, đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực khai thác phát triển BHXH tự nguyện.
Theo BHXH thành phố, tính đến hết tháng 8-2019, một số chỉ tiêu của ngành đều chạm mốc đạt và vượt so với cùng kỳ năm 2018. Cụ thể, đến cuối tháng 8-2019 có 9.143 đơn vị cùng tham gia BHXH, BHYT (tăng 17,37% so với cùng kỳ năm trước); 1.103 đơn vị tham gia BHYT (tăng 15,62% so với cùng kỳ). Số người tham gia các loại hình BHYT do cơ quan BHXH quản lý đến cuối tháng 8-2019 là hơn 985.000 người (tăng 6.138 người so với cùng kỳ). Tổng số người tham gia BHYT đạt 100,23% kế hoạch giao của BHXH Việt Nam với độ bao phủ BHYT toàn dân đạt 96,2% trên tổng dân số thành phố Đà Nẵng. Đối với công tác cấp sổ BHXH, lũy kế từ đầu năm 2019 đến nay, đơn vị đã cấp sổ mới cho 22.613 người, đạt tỷ lệ 100% lao động được cấp sổ trên tổng số người tham gia BHXH.
Theo bà Phạm Thị Hiền, Phó phòng phụ trách Phòng Quản lý thu, BHXH thành phố, trong những năm gần đây, với nhiều chính sách thu hút đầu tư, phát triển, Đà Nẵng luôn là điểm đến của các doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người lao động. “Đây là tiền đề để thực hiện tốt các chính sách BHXH nhưng điều đó cũng đồng thời tạo ra những áp lực đối với địa phương và ngành BHXH trong việc thay đổi và nâng cao năng lực phục vụ, đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi ngày càng khắt khe của thực tế. Điều thuận lợi nhất chính là sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo thành phố và sự phối hợp hiệu quả của các ngành, địa phương”, bà Hiền cho biết.
Để phát triển thêm đối tượng tham gia BHXH, cơ quan BHXH thành phố thường xuyên phối hợp với các ngành để tham mưu cho lãnh đạo thành phố các văn bản nhằm hiện thực hóa các chủ trương từ Trung ương; tăng cường phối hợp liên thông, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan liên quan để nắm bắt chính xác số doanh nghiệp, người lao động thuộc diện tham gia BHXH, từ đó thực hiện tốt các chính sách liên quan. Ngoài ra, nhiều giải pháp thuộc thẩm quyền của ngành cũng được triển khai đồng bộ, trong đó đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra chuyên ngành để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện quy trình, thủ tục tham gia và hưởng BHXH; đẩy mạnh giao dịch hồ sơ điện tử, giảm thời gian giao dịch giữa cơ quan, đơn vị với cơ quan BHXH, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân khi tham gia và thực hiện các quyền lợi liên quan... “Ở cấp độ vĩ mô, chúng tôi cũng thường xuyên đề xuất, kiến nghị một số khó khăn, vướng mắc.
Cụ thể như Luật BHXH có hiệu lực thi hành từ 2016 quy định việc khởi kiện ra tòa các hành vi vi phạm về chính sách BHXH ảnh hưởng đến lợi ích của người lao động nhưng hiện vẫn chưa có văn bản pháp luật, hướng dẫn cụ thể quy trình, điều kiện pháp lý để tìm người đại diện pháp lý cho người lao động. Điều này gây khó khăn trong việc khuyến khích phản ánh, tố giác sai phạm trong lĩnh vực BHXH”, bà Hiền cho biết thêm.
PHAN CHUNG