Quan chức WHO dự báo khả năng kết thúc Covid-19

.

Giám đốc phụ trách khu vực châu Âu của WHO, ông Hans Kluge ngày 28-5 cảnh báo, đại dịch Covid-19 sẽ không kết thúc cho đến khi ít nhất 70% người dân trên thế giới được tiêm chủng.

Nhân viên y tế tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho người dân. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Nhân viên y tế tiêm chủng ngừa Covid-19 cho người dân. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo AFP, Giám đốc phụ trách khu vực châu Âu của WHO, ông Hans Kluge ngày 28-5 cảnh báo đại dịch Covid-19 sẽ không kết thúc cho đến khi ít nhất 70% người dân trên thế giới được tiêm chủng, đồng thời bày tỏ thất vọng về việc chương trình tiêm chủng ở châu Âu vẫn còn được triển khai "quá chậm."

Trả lời phỏng vấn hãng tin AFP, ông Hans Kluge nhấn mạnh: “Đại dịch sẽ chấm dứt khi chúng ta đạt được tỷ lệ tiêm chủng tối thiểu là 70%."

Ông cũng bày lo lắng về sự gia tăng khả năng lây lan trong các biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Ông lưu ý rằng: "Chúng tôi biết rằng B.1617 (biến thể lần đầu phát hiện ở Ấn Độ) dễ lây lan hơn B.117 (biến thể ở Anh), vốn đã dễ lây nhiễm hơn (các biến thể trước đó)."

Bên cạnh đó, ông Hans Kluge nhấn mạnh: “Ngay cả khi WHO tuyên bố có đại dịch, nhiều quốc gia vẫn chờ đợi, chúng ta đã đánh mất thời gian quý giá. Người bạn tốt nhất của chúng ta là tốc độ, thời gian đang chống lại chúng ta, việc triển khai tiêm chủng vẫn diễn ra quá chậm... Chúng ta cần tăng tốc, chúng ta cần tăng số lượng vắc-xin."

Nga từ chối thử nghiệm loại vắc-xin kết hợp giữa Sputnik V và AstraZeneca

Một quan chức của hãng AstraZeneca ngày 28-5 nói với hãng tin Reuters rằng Bộ Y tế Nga đã từ chối phê duyệt các thử nghiệm lâm sàng ở Nga về một loại vaccine ngừa Covid-19 kết hợp giữa Sputnik V của Nga và vaccine của hãng này.

Bà Irina Panarina - Tổng giám đốc của AstraZeneca phụ trách Nga và khu vực Âu - Á cho biết, việc thử nghiệm trên người đối với loại vắc-xin ngừa Covid-19 kết hợp giữa một mũi tiêm của hãng AstraZeneca phối hợp cùng Đại học Oxford (Anh) sản xuất với Sputnik V của Nga đã được phê duyệt ở Azerbaijan, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và Belarus, đồng thời lưu ý thêm rằng AstraZeneca đang chuẩn bị trả lời các thắc mắc từ Bộ Y tế Nga.

Mexico thông báo kế hoạch tiêm chủng cho độ tuổi 40-49

Chính phủ nước này ngày 29-5 cho biết sẽ bắt đầu tiến hành tiêm chủng ngừa Covid-19 cho hơn 11 triệu người ở độ tuổi từ 40-49 tuổi vào tháng Sáu tới.

Phát biểu với báo giới, Thứ trưởng Y tế, Hugo Lopez-Gatell cho biết Mexico sẽ hoàn tất tiêm chủng cho người từ 50 tuổi trở lên, đội ngũ y, bác sỹ, giáo viên và phụ nữ mang thai vào tuần đầu tiên của tháng Sáu tới.

Tính tới thời điểm hiện tại, Mexico đã tiêm gần 29 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19 và hơn 12 triệu người đã hoàn thành tiêm chủng. Bên cạnh đó, khoảng 2 triệu người Mexico đã du lịch sang Mỹ để tiêm chủng.

Mexico cũng vừa phê duyệt sử dụng vắc-xin của hãng Johnson & Johnson. Trước đó, cơ quan chức năng Mexico đã phê duyệt nhiều loại vắc-xin ngừa Covid-19, gồm Pfizer, AstraZeneca, Sputnik, CanSino và Sinovac.

Tới nay, Mexico đã thanh toán khoảng 930 triệu USD trên tổng số 1,8 tỷ USD ngân sách để mua 250 triệu liều vắc-xin tiêm miễn phí cho người dân.

Chính phủ Mexico cam kết đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng và yêu cầu cơ quan y tế hoàn thành chương trình tiêm chủng cho toàn bộ người dân trên 18 tuổi vào tháng 10 tới, trước khi mùa Đông tới nhằm tránh nguy cơ bùng phát dịch.

Hiện Mexico ghi nhận trên 2,4 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có gần 223 nghìn ca tử vong.

Malaysia khuyến cáo người dân đeo hai khẩu trang để phòng dịch

Ngày 28-5, quan chức cấp cao Bộ Y tế Malaysia, Tiến sỹ Noor Hisham Abdullah cho biết đeo hai khẩu trang hoặc đeo khẩu trang vải bên ngoài khẩu trang y tế sẽ giúp lọc hạt bụi được tốt hơn so với chỉ đeo một khẩu trang.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia. (Ảnh: THX/TTXVN)
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch Covid-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia. (Ảnh: THX/TTXVN)

Thông tin trên được ông Noor Hisham Abdullah chia sẻ thông qua đồ họa trên tài khoản Twitter cá nhân có dẫn nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ với kết luận rằng việc đeo hai khẩu trang có thể làm giảm đáng kể nguy cơ phơi nhiễm Covid-19.

Ông cũng đồng thời khẳng định rằng mặc dù không nhất thiết phải sử dụng kết hợp khẩu trang với tấm nhựa che mặt, nhưng việc đeo hai khẩu trang sẽ giúp bảo vệ người dùng tối đa.

Theo một thông tin đồ họa khác mà Tiến sỹ Noor Hisham Abdullah chia sẻ, một chiếc khẩu trang y tế không có nút thắt sẽ ngăn chặn được 56,1% hạt bụi, khẩu trang vải ngăn chặn được 51,4%. Tỷ lệ này ở khẩu trang y tế có nút thắt là 77% và khi đeo hai khẩu trang là 85,4%.

Theo infographic, người dân nên kết hợp sử dụng cả khẩu trang y tế và khẩu trang vải để có sự bảo vệ gấp đôi và tránh đeo hai chiếc khẩu trang cùng loại.

Thông tin đồ họa khác cũng cho thấy, với khẩu trang N95, người dùng sẽ không cần phải đeo hai chiếc vì loại khẩu trang này “đạt tiêu chuẩn vàng” khi nó có thể bịt kín mặt và lọc tới 95% số hạt bụi.

Tình hình dịch bệnh tại Malaysia vẫn diễn biến phức tạp. Trong ngày 28-5, nước này đã ghi nhận thêm 8.290 ca mắc mới Covid-19, lần đầu tiên vượt mốc 8.000 ca/ngày và là mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát.

Cùng ngày, Malaysia cũng ghi nhận 61 bệnh nhân tử vong, tương đương mức kỷ lục của ngày 24-5. Tới nay, Malaysia có tổng số 549.514 bệnh nhân Covid-19, trong đó có 2.552 người đã tử vong.

Theo Vietnam+

;
;
.
.
.
.
.