Phòng bệnh mùa nắng nóng

.

Thời tiết nắng nóng những ngày gần đây làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ. Bác sĩ khuyến cáo, mỗi người cần một chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt hợp lý để phòng, tránh những bệnh thường gặp trong mùa hè.

Bác sĩ đang khám cho bệnh nhi tại Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng.       						          Ảnh: PHAN CHUNG
Bác sĩ đang khám cho bệnh nhi tại Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng. Ảnh: PHAN CHUNG

Phòng tránh sốc nhiệt

Theo bác sĩ Cao Chí Hiếu, Trưởng khoa Lão, Bệnh viện C Đà Nẵng, thời tiết nắng nóng trong những ngày gần đây rất nguy hiểm cho người già. Khi nhiệt độ cơ thể tăng lên, cơ thể sẽ thực hiện cơ chế để điều tiết giữ thân nhiệt như thở nhanh, giãn mạch dưới da, toát mồ hôi, ức chế quá trình sinh nhiệt... Tuy nhiên, nếu ở trong môi trường nắng nóng kéo dài, các cơ chế đó không còn hiệu quả, ảnh hưởng đến các chức năng của nhiều cơ quan quan trọng như não, tim, phổi, thận. Đặc biệt khi nhiệt độ tăng cao, các hoạt động chuyển hóa trong cơ thể sẽ rối loạn, dẫn đến hôn mê, co giật.

“Tình trạng sốc nhiệt xảy ra khi người già di chuyển giữa 2 môi trường có nhiệt độ thay đổi đột ngột. Phổ biến hiện nay là từ trong điều hòa phòng lạnh, xe hơi bước ra ngoài nắng nóng và ngược lại, hoặc tắm khi nhiệt độ cơ thể còn cao. Những điều này hết sức nguy hiểm, có thể dẫn đến đột quỵ”, bác sĩ Hiếu cho biết.

Để phòng tránh tình trạng sốc nhiệt do nắng nóng, bác sĩ Hiếu khuyến cáo người dân hạn chế ra đường, nhất là thời điểm từ 11 giờ trưa đến 15 giờ chiều. Khi đi ra ngoài nên mặc đồ chống nắng, đội mũ nón, che ô. Đặc biệt, tuyệt đối không nên thay đổi nhiệt độ một cách đột ngột khi sử dụng các thiết bị điều hòa, phòng tắm. Theo đó, người già không vào phòng lạnh ngay khi đi nắng về; không để nhiệt độ quá thấp; bật quạt thông gió khi sử dụng điều hòa và trước khi đi ra ngoài nên tăng nhiệt độ lên.

Liên quan đến các bệnh lý thường gặp ở người lớn tuổi, theo bác sĩ Hiếu, người lớn tuổi cần lưu ý chế độ dinh dưỡng, chế độ tập luyện, vệ sinh và nghỉ ngơi hợp lý. “Cần bố trí nơi nghỉ ngơi sạch sẽ thông thoáng với khí trời, hạn chế tối đa hoạt động trực tiếp dưới thời tiết nắng nóng. Đặc biệt, cần có chế độ ăn uống phù hợp bổ sung nhiều rau xanh, củ quả”, bác sĩ Hiếu chia sẻ.

Chăm sóc kỹ cho trẻ em

Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng trong những ngày qua bắt đầu tiếp nhận khám, điều trị cho nhiều bệnh nhi mắc các bệnh về tiêu hóa, hô hấp do nhiệt độ tăng cao. Theo bác sĩ Lê Văn Dũng, Phó trưởng khoa Khám đa khoa - Cấp cứu, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, thời tiết nắng nóng là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, siêu vi bùng phát, tấn công và gây bệnh cho con người, đặc biệt là trẻ em sức đề kháng còn yếu. Những bệnh lý thường gặp thời điểm này là bệnh tiêu chảy, ngộ độc thức ăn, nhiễm siêu vi.

Ngoài ra, thời tiết oi bức, nhiệt độ môi trường tăng cao làm trẻ em thường bị chứng rôm sảy gây ngứa ngáy, khó chịu. Nguy hiểm hơn, trẻ có thể bị say nắng nếu chơi ở ngoài trời quá lâu, vì cơ thể mất nước và muối khoáng qua sự bài tiết mồ hôi trên da, qua hơi thở.

Chị Nguyễn Thị Thành (phường An Khê, quận Thanh Khê) có con 5 tuổi vừa được bác sĩ khám và cho nhập viện vì sốt kèm mất nước. Theo lời kể của chị, cháu nghỉ học hơn 1 tháng nay vì Covid-19, ở nhà chơi với bà và các anh chị trong xóm.

Các bác sĩ cho biết, cháu chạy nhảy dưới nắng, ra vào phòng lạnh liên tục, lại không uống đủ nước mỗi ngày khiến cháu mệt lả, mất nước và sốt nặng. “Đây là một trong những bệnh nhi điển hình trong thời tiết như thế này, mà nguyên nhân chính là do bị sốc nhiệt dẫn đến sốt, mất nước, trường hợp nặng có thể gây co giật”, bác sĩ Dũng cho biết.

Tương tự, tại khoa Nhi cấp cứu- Hồi sức tích cực và Chống độc đang điều trị cho một số bệnh nhi mắc các bệnh và thương tích liên quan đến thời tiết. Bác sĩ Võ Hữu Hội, Trưởng khoa Nhi cấp cứu - Hồi sức tích cực và Chống độc cho biết, mặc dù so với trước đây, số lượng bệnh nhân đến khám, điều trị do thời tiết vẫn chưa tăng cao đến đỉnh điểm vì tâm lý e ngại Covid-19, tuy nhiên phụ huynh không nên chủ quan trong việc chăm sóc con em mình, đặc biệt là khi thời tiết vào mùa nắng nóng.

Bác sĩ Hội khuyến cáo, để phòng tránh những bệnh mùa nắng nóng, phụ huynh nên giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, không nên đưa trẻ đến những nơi đông người, tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột, tránh cho trẻ ra ngoài đường vào giờ nắng nóng cao điểm.

“Cần đặc biệt quan tâm đến chế độ ăn uống của trẻ, lựa chọn và bảo quản thực phẩm đúng cách. Không nên chủ quan với các biểu hiện ho, sốt, sổ mũi của trẻ và cần đến cơ sở y tế sớm nhất để được khám, điều trị. Ngoài ra, cần tạo thói quen vệ sinh cá nhân tốt như rửa tay sạch sẽ, đúng cách trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và chơi đùa sẽ giúp trẻ loại bỏ hiệu quả những tác nhân gây bệnh nguy hiểm từ chính đôi bàn tay của mình. Thời tiết nắng nóng trẻ ra mồ hôi nhiều nên cần bổ sung lượng nước cần thiết cho cơ thể, đặc biệt là những loại nước uống giàu khoáng chất và nhiều vitamin như các loại nước ép trái cây, nước cam tươi, nước dừa tươi, nước sôi nguội... giúp cơ thể trẻ luôn luôn mát mẻ và tăng cường sức khỏe để chống chọi với bệnh tật”, bác sĩ Hội cho biết.

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.